Báo Công An Đà Nẵng

Ma trận rượu ngoại

Thứ bảy, 31/10/2015 07:25

(Cadn.com.vn) - Cho dù người tiêu dùng có thông thái đến mấy nhưng chưa chắc mua một chai rượu ngoại dám khẳng định là hàng chính hãng. Mức độ làm giả tinh vi đến mức ngay cả cơ quan kiểm soát, nếu không lấy mẫu xét nghiệm cũng chẳng phân biệt được rượu thật giả nếu nhìn bằng mắt thường. Vậy thì nói gì tới người dùng, khi họ đứng trước một ma trận rượu ngoại thật giả khó lường.

Đánh đố người dùng

Ông Lữ Bằng- Chi cục trưởng QLTT Đà Nẵng nói, đừng tưởng rượu ngoại mác cao, giá đắt đỏ thì mới là rượu thật, chính hãng. Ở Mỹ, Châu Âu người ta chủ yếu dùng Chivas 12, 18 còn ở mình cứ phải Chivas 25, 30, 70 thì mới thể hiện được mình là quý phái, quý tộc. Thực ra mác 30, 70 là do nhập về Việt Nam rồi tự đẩy lên, nâng giá lên để đánh vào tâm lý những người có tiền, thích thể hiện. Nhưng chính các loại rượu ngoại mác cao, giá đắt này lại dễ bị làm giả nhất, bởi vì lợi nhuận cao, bán được một chai đã kiếm được vài triệu đồng.

Cũng theo ông Bằng, rượu ngoại vào thị trường Việt Nam bằng 3 con đường: Qua các đầu mối được cấp phép nhập khẩu, nguồn hàng xách tay, hàng tiểu ngạch qua cửa khẩu. Trong 3 nguồn đó, rượu ngoại giả qua đường tiểu ngạch chiếm hơn 80%. Một khi rượu ngoại giả đã tràn vào thị trường nội địa sẽ nhập với nguồn rượu ngoại được nhập qua các đầu mối tạo nên ma trận rượu ngoại thật giả mà việc kiểm soát vô cùng khó khăn. “Trước kia chúng tôi bắt nhiều vụ rượu ngoại giả sản xuất trong nước bằng việc nhập vỏ chai, nhãn mác, bao bì, tem. Nhưng nay tình trạng làm giả trong nội địa đã giảm, chủ yếu rượu ngoại giả ngay từ nước ngoài”- ông Bằng nói.

Tại Đà Nẵng có gần 20 cửa hàng chuyên kinh doanh rượu được cấp phép là đầu mối nhập khẩu, phân phối rượu ngoại. Ông Nguyễn Quốc Hùng- chủ cửa hàng rượu ngoại 114-116 Trần Phú – TP Đà Nẵng cho biết, mỗi tháng cửa hàng của ông phân phối hơn 400 chai rượu ngoại, vào tháng gần Tết số lượng tăng lên từ 4-5 lần. Ông Hùng nói, có vài trăm loại rượu ngoại của hơn 100 nhãn hiệu rượu ngoại, mức giá từ vài chục ngàn tới vài triệu đồng. Là một đầu mối cung cấp lớn nên ông Hùng cho biết tất cả các loại rượu nhập khẩu về đều có chứng từ, nguồn gốc hợp lệ. Bởi lẽ, xu hướng cạnh tranh hiện nay rất gay gắt, nếu nguồn hàng không đảm bảo xuất xứ, chất lượng, rất khó tồn tại.

Một cơ sở kinh doanh rượu ngoại.

Không dễ xử lý

Biết rằng rượu giả, kém chất lượng tồn tại lẫn lộn trong rượu thật, song việc xử lý của ngành chức năng lại rất khó. Ông Lữ Bằng nói, tại các cửa hàng, quán bar chỉ trưng bày một vài chai rượu ngoại, hầu hết là rượu thật, đầy đủ chứng từ hợp lệ. Vì thế, khi kiểm tra cũng chẳng phát hiện gì. Tuy vậy, với số lượng rượu ngoại giả tại các nhà hàng, quán bar lại giấu rất kỹ, chỉ khi nào thấy cần thiết, khách có nhu cầu mới đưa ra. Mà, việc phân biệt thật - giả với khách chẳng khác gì đánh đố.

Cơ sở để QLTT kiểm tra rượu ngoại đó là thật hay giả cơ bản thông qua chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn của mặt hàng rượu ngoại đó. Ngay cả khi có đủ chứng từ, muốn biết chất lượng rượu có chính hãng hay không phải lấy mẫu xét nghiệm. Mỗi mẫu như vậy tốn khoảng 5 triệu đồng. Nếu xét nghiệm là rượu giả thì phải tịch thu, tiêu hủy hết. Nghịch lý là kinh phí xét nghiệm, giám định mẫu đó Nhà nước lại không thanh toán. Tóm lại, cái chính vẫn là kiểm tra nguồn gốc, chứng từ, còn việc lấy mẫu xét nghiệm chất lượng thật giả đến đâu thì rất... ngại. Riêng vấn đề giá rượu ngoại, ông Bằng cho biết, do đơn vị kinh doanh tự đăng ký, niêm yết và bán theo niêm yết, QLTT không thể can thiệp vào giá bán.

Theo lãnh đạo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đà Nẵng thì Hội chỉ biết khuyến cáo người dân khi mua rượu ngoại nên lấy hóa đơn và kiểm tra kỹ nguồn gốc. Ngoài ra, để khuyến cáo phân biệt rượu ngoại thật giả thế nào thì là bài toán quá khó.

Hải Hậu