Báo Công An Đà Nẵng

Mahathir Mohamad - vị thủ tướng cầm quyền lâu nhất Malaysia

Thứ bảy, 05/09/2015 11:48

(Cadn.com.vn) - Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad được chào đón như một người hùng tại cuộc biểu tình Bersih 4 ở Kuala Lumpur hôm 29 và 30-8 khi ông sử dụng cơ hội này để kêu gọi Thủ tướng Najib Razak từ chức trước cáo buộc tham nhũng 700 triệu USD.

Ông Mahathir, 90 tuổi, người từng giữ chức thủ tướng lâu năm nhất Malaysia, kêu gọi những người biểu tình tiến hành "phong trào sức mạnh quần chúng" lật đổ Thủ tướng Najib. Ông cáo buộc người kế nhiệm Najib đang đẩy đất nước vào đường cùng, cho rằng, việc chính quyền ông Najib gọi số tiền 700 triệu USD là "tài trợ chính trị" là "lố bịch".

Ông Mahathir còn tố cáo Thủ tướng Najib hối lộ cho các quan chức thuộc đảng cầm quyền Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) để đổi lấy sự ủng hộ của họ.  Tuy nhiên, chính cuộc biểu tình này đã khiến ông gặp nạn. Cảnh sát Malaysia hôm 2-9 tuyên bố sẽ sớm triệu tập cựu Thủ tướng Mohamad để thẩm vấn liên quan đến bài phát biểu tại cuộc biểu tình. Hiện vẫn chưa rõ liệu rằng ông Mahathir, nhân vật vẫn còn sức ảnh hưởng lớn trong hàng ngũ quan chức đảng cầm quyền UMNO, có bị truy tố vì những phát ngôn trên hay không.

Ông Mahathir Mohamad tại cuộc biểu tình cuối tuần qua. Ảnh: Reuters

Nhà lãnh đạo được lòng dân...

Ông Mahathir lãnh đạo Malaysia trong hơn 2 thập kỷ. Ở ngoài nước, ông nổi tiếng với những ý kiến gai góc chỉ trích phương Tây. Tuy nhiên,  ở trong nước, chính sách thực dụng của ông được ủng hộ và giúp biến Malaysia thành con hổ kinh tế Châu Á.

Nhờ vậy, ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất ở Châu Á. Khi ông về hưu hồi tháng 10-2003, ông lãnh đạo đất nước trong 22 năm. Kể từ khi bác sĩ Mahathir trở thành thủ tướng vào năm 1981, sự bảo trợ và phân biệt đối xử của chính phủ trong lĩnh vực việc làm và giáo dục đại học tạo ra một tầng lớp trung lưu người Malaysia, bao gồm cả một số tỷ phú. Trong khi đó, dân tộc Hoa thiểu số được cho là bị phân biệt đối xử.

Sự nghiệp chính trị của ông Mahathir bắt đầu từ năm 1946, khi ông mới 21 tuổi. Ông tham gia tổ chức dân tộc mới được thành lập UMNO. Ông học y khoa tại Đại học Malaya và có 7 năm hành nghề y tư nhân tại quê nhà Kedah. "Bác sĩ M", biệt danh của ông, trở thành nghị sĩ Quốc hội UMNO vào năm 1964. Nhưng năm 1969, ông mất ghế và bị khai trừ khỏi đảng sau khi công bố bức thư ngỏ công kích ông Tunku Abdul Rahman, người sau đó trở thành thủ tướng, vì không quan tâm đến cộng đồng người Malaysia. Ông Mahathir viết tất cả những bức xúc trong cuốn sách gây tranh cãi mang tên "Tình trạng khó xử của người Malaysia". Sách này cũng tấn công chủ nghĩa thực dân phương Tây.

... và tài ba

Cuốn sách đánh trúng tâm lý của các nhà lãnh đạo trẻ UMNO nên ông Mahathir được mời trở lại đảng, tái đắc cử vào Quốc hội năm 1974, và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục. 4 năm sau đó, ông trở thành Phó Chủ tịch UMNO. Và vào năm 1981, ông trở thành thủ tướng. Kể từ đó, bác sĩ Mahathir đưa những ý tưởng của mình vào thực tế. Theo gương Nhật Bản, Malaysia chuyển từ nước xuất khẩu cao su và thiếc thành một nhà sản xuất các thiết bị điện tử, thép và ô-tô.

Dự án uy tín nhất nhằm thúc đẩy niềm tự hào quốc gia bao gồm tòa nhà cao nhất thế giới - Petronas Towers - và chuyển đổi một đồn điền dầu cọ gần thủ đô thành trung tâm siêu đa phương tiện đầu tiên của thế giới, với mục tiêu biến Malaysia thành một cường quốc không gian mạng nhằm cạnh tranh với Thung lũng Silicon ở California (Mỹ).

Với cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á bắt đầu vào năm 1997, ông Mahathir không cho rằng các kế hoạch vĩ đại của mình là một phần nguyên nhân gây ra khoản nợ khổng lồ của Malaysia. Thay vào đó, ông đổ lỗi cho thương nhân nước ngoài, trong đó có nhà tài chính George Soros. Và rồi ông đã dẫn dắt Malaysia vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á một cách nguyên vẹn.

An Bình
(Theo BBC, AFP)