Báo Công An Đà Nẵng

Mái ấm của trẻ bị bỏ rơi

Thứ tư, 15/10/2014 09:41

(Cadn.com.vn) - Họ dành cả một đời mình để chăm sóc và nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi, chỉ với tâm niệm là cứu vớt những  hài nhi bị ruồng bỏ.

Vào cuối tháng 3-2014, giữa trưa nắng nóng, trong lúc đi học về một ni cô của chùa Quang Châu (xã Hòa Châu, H. Hòa Vang), phát hiện một chiếc thùng cát tông được đặt trước cổng chùa và trong đó là một bé trai khóc yếu ớt. Lập tức cháu bé được nhà chùa đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng dây rốn còn tươi, rỉ máu và mới sinh tròn một ngày tuổi. Do được cứu chữa kịp thời, nên cháu bé thoát chết và hiện đang được nuôi dưỡng tại chùa. Đó là chuyện vẫn thường xảy ra ở chùa Quang Châu. Bởi gần 20 năm qua chùa Quang Châu đã trở thành những người mẹ che chở cho tuổi thơ đầy bất hạnh của trẻ bị bỏ rơi.

Khác với sự trầm mặc tĩnh lặng vốn có của không gian chùa, nơi đây lúc nào cũng rộn rã tiếng cười đùa và cả tiếng khóc của trẻ thơ. Hôm tôi đến cũng là lúc những đứa trẻ ăn trưa xong, rất gọn gàng và ngăn nắp, chúng cùng phụ dọn dẹp chén bát, cho dù có những em mới chỉ tròn 2 tuổi. Nhìn ánh mắt tròn xoe, nụ cười hồn nhiên và khuôn mặt bụ bẫm của những đứa trẻ ở đây, ít ai nghĩ rằng chúng đều có nỗi bất hạnh như nhau. Và phần lớn những đứa trẻ đó đều là kết quả của những phút giây nông nổi của những người trẻ tuổi.

Nhớ lại cái ngày khi nhận những đứa trẻ đầu tiên về nuôi dạy, sư cô Minh Tịnh, trụ trì chùa Quang Châu kể: “Lúc đầu, có một gia đình ở Huế đem con gửi vào chùa vì hoàn cảnh khó khăn, thấy đứa trẻ đáng thương và cũng có tâm nguyện giúp đỡ trẻ mồ côi nên sư cô nhận vào nuôi dạy. Và kể từ đó, chùa Quang Châu trở thành nơi tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi, có người lẳng lặng đem con đặt trước cổng chùa, có người bồng con vào chùa gửi rồi một đi không trở lại”. “Hiện bây giờ chùa đang nuôi dưỡng 101 cháu bị bỏ rơi, có cháu đang học lớp 8, cũng có cháu chỉ vài tháng tuổi. Phần lớn cha mẹ các cháu ở đây là học sinh và sinh viên, vì không được chăm sóc chu đáo nên lúc vào chùa các cháu rất yếu, có cháu bị bệnh nặng”, sư Minh Tịnh kể.

Sư cô Minh Tịnh đang nuôi dưỡng rất nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở chùa Quang Châu.

Chẳng cần nói ra, cũng biết việc nuôi dưỡng những đứa trẻ này khó khăn, vất vả như thế nào. Nếu như các cháu lớn còn có thể tự lo cho bản thân thì hàng chục cháu nhỏ vài tháng tuổi, cần chăm sóc đặc biệt, từ việc cho uống sữa, vệ sinh, thuốc thang mỗi khi đau ốm. Nhìn sư cô và những người tình nguyện thấm đẫm mồ hôi khi chăm sóc các em nhỏ sẽ hiểu nỗi vất vả ấy lớn như thế nào.

Sư Minh Tịnh bảo: “Chùa còn giúp các thai phụ lỡ có thai, đến ngày sinh thì đưa họ vào bệnh viện để sinh nở và khuyên họ đưa về gia đình nuôi, nhưng nhiều trường hợp do hoàn cảnh gia đình nên họ nhờ nhà chùa nuôi. Ở đây các cháu được ăn học đàng hoàng, đến lúc trưởng thành mới thôi. Nuôi dưỡng những đứa trẻ phải có cái tâm lớn và điều quan trọng là phải truyền cho các cháu đạo đức làm người, để sau này có thể giúp ích cho bản thân và xã hội”.

Hiện ở Đà Nẵng có nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi, nhưng phần lớn những nơi này đều nhờ vào sự đóng góp của Mạnh Thường Quân để nuôi dưỡng các cháu nên gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ mồ cô và người khuyết tật TP Đà Nẵng đã hơn 10 năm vận động kinh phí để nuôi dưỡng các cháu ở Trung tâm nuôi dưỡng cô nhi nên hiểu hơn ai hết khó khăn này. Ông kể: “Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 37 cháu, mỗi tháng mỗi cháu được Hội cấp kinh phí là 1,5 triệu đồng, để mua sữa, tã lót, thức ăn hằng ngày. Nói vậy thôi, chứ nhìn các cháu bơ vơ mà thương, nhiều chị em làm ở đây có thu nhập rất thấp từ 1,5 đến 2 triệu tháng nhưng vẫn chăm sóc, thương yêu các cháu tận tình”.

Cứ mỗi lần có trẻ bỏ rơi ở trung tâm là ông Long lại có thêm một đứa con, bởi khi đặt tên đều lấy họ của ông để đặt. Vì thế mà ông đùa rằng: “Có lẽ ở Đà Nẵng tôi là người có nhiều con nhất”. Những trẻ vào Trung tâm này là do người mẹ bỏ trước trung tâm nhưng cũng có người làm đơn cho. Chị Lê Thị Mỹ, phụ trách Trung tâm kể: “Giữ những cháu mới vào rất vất vả, vì các cháu thiếu hơi ấm người mẹ nên cứ khóc thét, các cô phải bồng bế suốt cả đêm. Như trường hợp của cháu Nguyễn Thiên Thương, được người mẹ mới 16 tuổi làm đơn cho vào trung tâm từ lúc 2 tuổi, tháng đầu tiên cháu cứ khóc ngất vì nhớ mẹ. Bây giờ cháu đã được 5 tuổi rồi và đang chờ được nhận nuôi. Chỉ mong các cháu được gia đình khá giả nhận nuôi, thương các cháu lắm nhưng Trung tâm không đủ điều kiện”.

Những người như ông Hoàng Long, sư cô Minh Tịnh, hay chị Mỹ đã dành phần lớn thời gian cuộc sống của mình để chăm sóc, yêu thương những đứa trẻ bị bỏ rơi. Họ đã cứu vớt, mở ra con đường sống cho nhiều hài nhi bé nhỏ. Hy vọng tình người ấm áp đó đủ để thức tỉnh và đánh động vào lòng của những người trẻ, rằng hãy đừng vì một phút giây nông nổi mà để trẻ thơ phải bơ vơ trên cõi đời này.

Hoàng Anh