Báo Công An Đà Nẵng

Mái đình làng cổ xuân này...

Thứ tư, 17/02/2021 20:27

Như thường lệ, Tết chạm ngõ với bao niềm hân hoan đón chào năm mới. Nơi làng quê, những ngày Tết càng đong đầy, gắn kết với những phong tục, lễ hội đầu Xuân trong nếp làng thân thuộc, chan chứa ân tình... Bỏ lại sau lưng nhịp sống hối hả của phố thị, tôi ngồi lặng dưới mái đình làng cổ Túy Loan, một làng quê đã có hàng trăm năm tuổi thuộc xã Hòa Phong, H. Hòa Vang (Ðà Nẵng) trong một buổi chiều lạnh cuối năm. Làng mà phố, phố trong làng. Yên bình nhưng cũng nhộn nhịp, cái mới, cái cũ cứ đan xen, hòa quyện lẫn nhau, tạo nên một nét Túy Loan rất riêng biệt mà gần gũi. Tôi, một người con quê hương, luôn tự hào được sinh ra và lớn lên bên ngôi làng cổ Túy Loan.

Mái đình làng cổ Túy Loan.

Ðất làng Túy Loan không rộng, người làng Túy Loan không đông, nhưng tình người nơi đây lúc nào cũng đầy ắp, trân quý, quyến luyến. Ngôi làng hấp dẫn không chỉ bởi khung cảnh xanh tươi của lũy tre, dòng sông êm ả, không khí trong lành giữa bốn bề đô thị hóa, mà còn do nhiều dấu ấn văn hóa và nếp sống cổ truyền vẫn còn lưu giữ. Ở Túy Loan dường như ai ai cũng thuộc lòng câu ca dao gắn liền với quê hương: “Túy Loan trăm thứ đều ngon/Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ”.

Túy Loan- vùng đất được thiên nhiên đã ưu đãi cho những lợi thế địa hình, có sông, hồ, đồng ruộng, đồi, núi... Từ đó đã định hình và cấu trúc nên các yếu tố văn hóa vùng rất đặc trưng. Theo các vị cao niên trong làng, Làng cổ Túy Loan được khai phá dưới thời vua Lê Thánh Tôn niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497). Đến năm 1787, đình được trùng tu lần đầu. Năm 1888, đình không may bị cháy và được xây dựng lại ở mảnh đất bên cạnh dòng sông Túy Loan, với diện tích hơn một trăm mười mét vuông, nằm trong khuôn viên rộng hơn tám nghìn mét vuông. Văn bia đặt trong đình còn có bài ký của tam giáp Tiến sĩ Nguyễn Khuê, người Thanh Trì, Hà Nội, ghi lại sự việc lập đình, trong đó có đoạn viết: Ðình gồm một tòa chính tẩm, một tòa tiền đường đều làm bằng gỗ quý và lợp ngói. Trước sân có xây trụ biểu, bình phong khá sắc sảo. Bên trái đình là một ngôi từ đường thờ các vị tiền hiền. Văn bia ở nhà thờ ngũ tộc trong làng cũng ghi lại, vào năm Hồng Ðức (1470), năm vị tiền hiền của năm tộc Ðặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê nhận chiếu Vua Lê Thánh Tông đi khẩn hoang, mở mang bờ cõi và dừng chân chọn nơi đây để lập ấp và đặt tên cho làng là Túy Loan. Ðến nay, Túy Loan là làng cổ lịch sử hơn 500 năm của Ðà Nẵng. Đình Túy Loan hiện vẫn còn lưu giữ 20 sắc phong thần, sắc xa nhất từ đời Minh Mạng năm 1826, gần nhất đời vua Khải Định 1924, chính điều này góp phần tạo nên giá trị đặc biệt của đình. Những sắc phong này chỉ được mở ra bởi người được phong kiêm thủ sắc thần, nghĩa là người phải tốt về nhân cách, gia đình thuận hòa, con cái hiếu nghĩa.

Nghi thức cúng rước sắc được các vị cao niên trong làng thực hiện.

 Nằm bên dòng sông Túy Loan, trên đường Quốc lộ 14G, trải qua bao thăng trầm thời gian, đình làng Túy Loan đã được nhiều lần tu bổ, tuy không còn giữ được nguyên trạng nhưng vẫn còn vẻ uy nghi, cổ kính, nét kiến trúc cũ xưa, mang sắc thái kiến trúc tín ngưỡng làng xã, chứng tích của một làng văn hóa lâu đời nơi ngoại thành Đà Nẵng. Đình lập ra để thờ thần, Thành hoàng bổn xứ, các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, cư dân lập ấp kiến thiết nên làng Túy Loan. Đình làng được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1999.

Ông Đặng Công Thị - Hội Chủ làng Túy Loan chia sẻ: “Trên mảnh đất Túy Loan này, biết bao thế hệ người làng đã cùng chắt chiu, gìn giữ để những giá trị văn hóa làng không mai một trước thời gian”. Ông Thị kể, việc ở làng năm nào cũng vậy, phần “hội” có thể giảm nhưng phần “lễ” ở đình làng thì bao giờ cũng trang nghiêm và tuân thủ theo phong tục truyền thống bao đời nay. Mâm cỗ lễ đình làng không thể thiếu bánh tét, thịt heo, bánh tráng, ngũ quả... đó là những sản vật được làm nên từ chính vùng đất quê hương. Đặc biệt, văn hóa làng không mai một đi cũng chính vì có mái đình che chở, giữ được cái nôi làng là giữ được văn hóa làng. Mấy ngày nay, các bô lão trong làng tập trung về đình để chuẩn bị khai xuân, các cụ tự tay lau dọn, trang trí lại đình làng, rồi chọn cây tre thẳng đẹp, còn nguyên ngọn để dựng làm cây nêu treo cờ hội trước đình làng...

Các đội đua tranh tài trên sông Túy Loan. 

Vào mồng 9, mồng 10 Tết Âm lịch, nhân dân các thôn của làng Túy Loan cùng du khách lại tập trung tại đình làng tưng bừng tham dự lễ hội truyền thống. Lễ hội đình làng Túy Loan được bắt đầu bằng nghi thức rước sắc phong với các nghi lễ: nghinh sắc, tuyên sắc, dâng hương, dâng lễ vật... nhằm tưởng nhớ công đức các vị tiền hiền các tộc: Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê, cầu cho quốc thái dân an, nhân dân trong làng ấm no, an lạc, quanh năm làm ăn lao động sản xuất được mùa... Đoàn rước sắc từ nhà thờ của phái nhì tộc Đặng ra đình làng Túy Loan sẽ đi một vòng quanh làng, sau đó mới về đình, trên đường đi dân làng nhập vào đội rước rất đông vui. Sau nghi lễ rước sắc phong đến phần hội như đua thuyền, hát hò khoan đối đáp, hát bài chòi, thi các trò chơi dân gian: gói bánh tét, nướng bánh tráng, leo cây chuối, đẩy gậy, thi kéo co, đua thuyền.

Mỗi lần về quê, tôi đều dạo một vòng quanh làng, thưởng thức hương vị mì Quảng, bánh tráng Túy Loan, chiêm ngưỡng đình làng với cảnh sắc thiên nhiên mộc mạc cùng không gian yên bình, tận hưởng không khí trong lành nơi đất mẹ và gặp gỡ bà con quê nhà đầy ân tình, nồng hậu, đậm đà bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam mà tôi rất đỗi tự hào và trân trọng.

THANH HOA