Mãi mãi lời tri ân
(Cadn.com.vn) - Sau giải phóng 1975, hầu hết thầy cô dạy học ở vùng quê nghèo từng nằm trong vùng chiến tranh đều từ dưới phố lên và ở tại căn nhà tập thể đơn sơ của Trường. Đi dạy xa nhà, thầy nghèo - trò nghèo cứ quấn quýt nhau xung quanh con chữ. Hồi ấy chúng tôi đi học phải qua sông, cứ đến mùa lũ là cây cầu cũ chìm ngập. Gần 3 tháng mùa mưa, chính quyền xã phải nhờ đồng bào vạn chài dùng thuyền đưa học trò qua sông. Con thuyền bé như chiếc lá giữa dòng sông đục ngầu cuồn cuộn chảy, phải chở hàng chục đứa học trò lao nhao. Người chèo đò phải gò lưng chèo lên mạn ngược rồi từ từ dìu con thuyền qua bên kia sông. Thầy cô của chúng tôi cũng xắn quần lội nước đứng đợi ở bến bên kia, lớp học vì thế có khi đến cỡ 9 giờ sáng mới được bắt đầu. Bao lần bị chìm đò nhưng thuyền đều chìm tại bến nên chỉ ướt như chuột lột, giờ nghĩ lại thấy lạnh cả sống lưng...
Có đêm đông, thầy cô lặn lội đến nhà học trò nghèo để dạy thêm cho các em buổi vắng học vì bận chuyện đồng áng. Thầy cô là người ở phố vốn xa lạ với đồng bãi, đường làng, nhiều người còn ngỡ ngàng với tiếng ễnh ương kêu oang oang trong đêm. Quê nghèo, đèn dầu tù mù, thầy cùng trò thức khuya đánh vật với con chữ, có khoai ăn khoai, có sắn ăn sắn. Khi có miếng ngon, nhà nào cũng dành tiếp đãi thầy cô với lòng yêu thương, tôn kính vô bờ. Thầy cô thời ấy chẳng khác nào con em nhà nông. Nhớ lại những ngày ấy, lòng ai cũng thấy bồi hồi, rưng rưng. Trong đời mỗi người, kỷ niệm về mái trường, thầy - cô với ai cũng đầy ăm ắp!
Cuộc sống đổi thay, học trò nghèo ngày ấy giờ đã trở thành Giáo làng. Còn thầy cô của chúng tôi sau bao năm lăn lộn vùng sâu vùng xa đã quay về với phố mang theo những kỷ niệm đầu đời không dễ phôi phai. Thấm thoát gần nửa thế kỷ trôi qua, sự học bây giờ đã khác và cái nghèo khó cũng vơi dần. Cuộc sống hối hả cuộn dòng người trôi đi cùng nỗi lo thường nhật buộc ai cũng phải tìm cách thích ứng...
Những năm gần đây, chuyện của ngành giáo dục luôn là đề tài bàn luận ở nghị trường, cơ quan, trường học và len lỏi vào tận bữa cơm mỗi gia đình. Sách giáo khoa quá tải, chương trình dạy, học sa vào hình thức, chậm cải tiến, học phí chưa hợp lý... và mệt mỏi nhất là vấn nạn dạy thêm - học thêm. Đành rằng dạy thêm - học thêm tràn lan có lỗi của học sinh và phụ huynh, song có trường hợp xuất phát từ nhu cầu của... giáo viên. Một số ít thầy cô đứng lớp tổ chức dạy thêm tại nhà, tỏ thái độ "tình thương mến thương", "nới tay" hơn khi cho điểm đối với học sinh học thêm là thực trạng rất đáng buồn đối với ngành giáo dục mà chưa có thuốc đặc trị. Có người cho rằng, thầy cô cũng như mọi người thôi, vì lương thấp nên phải đổ mồ hôi nước mắt "làm thêm" kiếm sống, song cũng có thầy cô giáo dạy thêm quyết liệt để mà... giàu. Có nhiều cách lập luận được cho là có lý, song dạy thêm - học thêm thế nào là cần thiết, là chính đáng, là tự nguyện, thì chính thầy cô mới là người đưa ra lời nhận xét chính xác nhất.
Dù vậy, trong những mặt trái đan xen ấy còn có rất nhiều thầy cô của chúng tôi can trường níu lại điều tốt đẹp, cố giữ cho vẹn nguyên phẩm chất cao quý nhất của nghề giáo. Còn đó những tấm gương tâm huyết, tận tụy với nghề giáo, thương yêu nâng đỡ học trò, vượt lên bao gian khó đời thường để làm tròn thiên chức nhà giáo. Nhiều thầy cô của chúng tôi an nhiên với cuộc sống thanh bạch để giữ gìn hình ảnh tốt đẹp, bảo vệ truyền thống tôn sư trọng đạo. Nhiều người thầy cô lấy thước đo sự hơn thiệt ở đời qua tình cảm, sự ghi nhận, đánh giá của các thế hệ học trò chứ không vội vã nhìn vào của cải dồi dào chóng vánh của gia đình mình. Đó được xem là sự hy sinh thầm lặng !
Nói về nghề nghiệp của mình, trong bài thơ "Xin lỗi các em", thầy Trần Ngọc Hưởng có những câu thật gan ruột: "Ai còn dằn vặt đêm sâu/ Trong từng sợi tóc bạc màu truân chuyên/ Thật lòng tạ lỗi các em/ Hiểu ra khi đã lớn lên mai này!". Còn tác giả Nguyễn Quốc Đại xót xa: "Giọt sương rơi mặn bên đời/ Tóc thầy bạc trắng giữa trời chiều đông/ Mắt thầy mòn mỏi xa trông/ Cây bơ vơ đứng giữa dòng thời gian..." ("Thầy và chuyến đò xưa")
Giữa bộn bề cuộc sống với bao tác động của "Cảnh đời chộn rộn bán mua/Áo cơm nào dễ chi đùa với ai" (thơ Trần Ngọc Hưởng), thật mấy ai hiểu cho ngọn ngành tâm tư nghề giáo. Nhưng có điều này là vĩnh viễn: dù vật đổi sao dời thì hầu như đối với học trò (có ai từ nhỏ đến khi trưởng thành không là học trò?) vẫn mãi mãi mang trong mình lời tri ân đối với thầy cô. Rất nhiều thế hệ học trò, dù tâm tư tình cảm có lúc thế này thế khác nhưng đều hiểu rằng nếu không có thầy cô dạy dỗ thì làm sao nên người như hôm nay. Còn với thầy cô giáo, những thua thiệt, gian khó không dễ gì thổ lộ, những nỗi niềm buồn vui nếm trải với nghề, sẽ vợi đi khi nhìn thấy ánh mắt thơ ngây và nụ cười hồn nhiên của học trò, là những dòng lưu bút, là phút bịn rịn chia tay, cùng sự tôn kính của xã hội riêng tặng cho nghề giáo.
Thầy cô ạ! Hôm nay đây 20-11 - Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam - xin hãy tin rằng, trong những tấm thiệp, bó hoa chúc mừng vẫn nguyên vẹn, thuần khiết sự tôn kính với nghề giáo như những ngày xưa và mãi mãi đến mai sau.
Nguyễn Đức Nam