Báo Công An Đà Nẵng

Mãi một tình yêu

Thứ ba, 22/12/2020 19:00

Vợ chồng cựu chiến binh  Nguyễn Văn Nho và Phan Thị Thông ở 62 Đống Đa, Đà Nẵng, thương binh 2/4 và 1/4 được địa phương ngưỡng mộ vì sát cánh đi tìm đồng đội hàng chục năm nay. Ít ai biết rằng, họ đã có một tình yêu thật đẹp ở chiến trường được đơm hoa từ chính hai bà mẹ.

Gia đình hạnh phúc của vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Nho (ở giữa).

Cái kết đẹp

Cận tuổi 80, cựu chiến binh Nguyễn Văn Nho quê Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng) vẫn tràn đầy năng lượng, âm lượng sang sảng, nhớ "không sót cái gì" như đồng đội vẫn nói về ông. Mạnh mẽ là vậy nhưng khi nói với vợ, cử chỉ, giọng nói ông nhỏ nhẹ, ấm áp vô cùng. Bà ít hơn ông 9 tuổi, mảnh đạn thời chiến tranh vẫn còn trong cơ thể nên gần đây đau ốm luôn. Ông trìu mến nhìn người vợ của mình: "Hồi bị giặc càn, tôi mà có điều kiện hút hết dịch trong phổi bà ấy, thì nay đã đỡ hơn. Nhưng cũng may, nhờ tôi là thương binh mà bả được cứu sống".

Ký ức quay về 53 năm trước, khi ông là y sĩ Tiểu đoàn 70 lừng lẫy, từng vanh danh trận Núi Thành đi đầu diệt Mỹ. Lúc này đơn vị đứng chân ở vùng giải phóng Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam). Cô gái Phan Thị Thông, con chủ nhà, mới tuổi trăng tròn, xinh đẹp, rất nhiều chàng trai để ý. Cơ hội may mắn cho y sĩ Nho khi có một người đi từ Bình Dương ra vùng địch chiếm Hòa Tiến. Anh nhờ hỏi thăm mẹ mình. Không ngờ bà này kiêm luôn "nghề" mai mối. Mẹ và bà ngoại ông hay tin, mừng quá, cấp tốc mang trầu cau vào vùng giải phóng đi hỏi vợ cho con trai. Hai bà đều có chồng đi tập kết nên dễ đồng điệu, nhất trí tác thành. Thế là chàng y sĩ như được trúng số có được cô gái mình để ý mà không dám nói. "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" nhưng nàng cũng rất quý mến anh bộ đội nhanh nhẹn, vui tính, đánh giặc hay cứu người đều xông xáo. Chiến dịch liên miên, chàng trai bôn ba theo các hướng, chuyện cưới xin còn quá xa vời. Cô gái một năm sau cũng nhập ngũ làm y tá bệnh xá Tỉnh đội Quảng Nam. Những lần gặp vội vã càng gắn kết mối tình mới chớm.

Tháng 3-1970, ông Nho bị thương ở chân và đưa vào bệnh xá vợ chưa cưới của mình, lúc này đứng chân ở Tiên Sơn (Tiên Phước). Chưa kịp có những ngày lãng mạn thì được tin địch sẽ phục kích vào đây. Tình thế gấp rút, các thương binh được lệnh sơ tán trước. Biết anh có nghề y nên các nhân viên gom dụng cụ y tế bỏ hết vào võng cuộn lại và đưa chàng thương binh mang đi. Trưa hôm đó, dù đã lường trước, vậy mà bệnh xá vẫn có ba chiến sĩ bị thương vong khi địch xả trung liên vào căn cứ. Cô y tá Thông bị thương nặng, mảnh găm xuyên phổi, máu chảy, dịch tràn. Hai chiến sĩ quân y đưa cô ra ngoài căn cứ thì cả hai người đều dính đạn bị thương, một người sau đó đã hy sinh. Ngớt tiếng súng, ngày hôm sau, chàng thương binh quay lại bệnh xá, gọi khản cổ vẫn không nghe tiếng Thông. Đôi chân còn đau nhói, anh vừa dìu thương binh và hớt hải đi tìm vợ chưa cưới. Gặp đồng đội ra suối lấy nước, anh mới biết nơi Thông đang trú ẩn. Trước mắt anh là cô gái đang mê man, kiệt sức, máu không ngừng rỉ chảy vùng ngực, ruồi nhặng bay như phản lực xung quanh. Anh lấy ngay dụng cụ y tế mang trên người  khâu vết thương cho cô, không để tràn khí vào phổi. Các chỗ bị mảnh khác cũng  được anh khâu lại, cầm máu. Sau khi sơ cứu, nữ y tá được đưa lên tuyến trên tiếp tục chữa trị. Thoát cửa tử thần, cô tiếp tục về phục vụ ở bệnh xá. Trận bị thương thứ hai sau đó làm chấn động não, để lại di chứng suốt nhiều năm sau này. 

Hạnh phúc lớn nhất của cặp đôi là đầu năm 1973 (sau hiệp định Paris), anh về phụ trách khu an dưỡng Tỉnh đội đóng ở xã Sơn Long (Quế Sơn) thì chị cũng đang ở đây. Một đám cưới "hoành tráng" được tổ chức trong sự chúc phúc đông đảo của các đơn vị quân đội và nhân dân trong khu vực. Đơn vị để lại hàng chục ang nếp, anh em giã bột làm bánh in, gà nuôi cộng với bà con tiếp tế, chiêu đãi khách khứa đến nườm nượp mấy ngày. Năm sau, khi con gái đầu lòng của họ được 6 tháng, thì chị được đưa ra Bắc điều trị các vết thương. Vui hơn nữa khi cha ruột và cha chồng đi tập kết rồi công tác ở Quảng Bình nghe tin đều lặn lội ra Ninh Bình thăm con cháu.

Lặng lẽ tìm đồng đội

Sau giải phóng, với sức khỏe yếu, cựu nữ y tá ở nhà nuôi con, phụng dưỡng ba mẹ bai bên. Mẹ bà Thông là Mẹ VNAH, 3 người con trai đều đã hy sinh không còn ai. Ông Nho từ bộ đội chuyển ngành sang công tác ở Ty Thương binh 10 năm. Đây là quãng thời gian ông tiếp xúc nhiều  hồ sơ với người có công nên hiểu hết những vất vả, thiệt thòi của nhân dân tham gia cách mạng. Bao đồng chí về hưu, mất sức không có chế độ, bao người dân bám trụ, có công giúp đỡ cách mạng, không có giấy tờ và không biết gặp ai để xác minh. Những hình ảnh đó cứ thôi thúc ông trở lại chiến trường xưa. Vậy là ông về những nơi đơn vị từng đóng quân hoặc quê hương của đồng đội đã hy sinh để tìm hiểu, phối hợp với chính quyền địa phương làm thủ tục bảo đảm quyền lợi, chính sách cho các gia đình. Vất vả nhất là những trường hợp liệt sĩ họ, tên khi đi chiến đấu và ở nhà không đồng nhất, buộc phải đi tìm nhân chứng hoặc họ hàng đã đi làm ăn xa. Những chuyến đi như vậy, bà Thông luôn ủng hộ ông, hai vợ chồng dè sẻn đồng lương hưu, trợ cấp để ông đi, có khi bà đi cùng để hỗ trợ.

Năm 1995, từ may mắn tìm được người anh vợ đã hy sinh, đặc biệt tìm được hài cốt liệt sĩ đã từng khiêng vợ mình trong vụ phục kích ở bệnh xá Tỉnh đội, hai ông bà càng quyết tâm dù gian nan đến mấy cũng phải đi tìm liệt sĩ, từ Quảng Nam- Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Vốn là người cẩn thận, trước đây khi chôn cất đồng đội, đều đánh dấu, lại có trí nhớ xác định địa hình khá tốt, ông Nho tìm ai là chắc người đó. Quy tập kết hợp tôn vinh công trạng của họ, cả chục trường hợp liệt sĩ được quy tập đều được an táng chu đáo, trân trọng.

Ba cô con gái đều có công việc ổn định, ông bà càng miệt mài việc địa phương. Bà động viên ông tham gia làm bí thư chi bộ, tổ dân phố, người cao tuổi và mới chính thức nghỉ hẳn vài năm gần đây. Những câu chuyện đi tìm đồng đội, cả hai đều làm lặng lẽ, bằng sức lực của mình, không phô trương như bản tính lâu nay của họ. Vì thế mà ông bà càng được mọi người trân trọng.

HỒNG VÂN