Báo Công An Đà Nẵng

TRUNG ĐOÀN BA GIA TRÒN 50 TUỔI:

Mãi vang danh "trung đoàn thép"

Thứ ba, 19/11/2013 10:05

 

(Cadn.com.vn) - Nửa thế kỷ thành lập (20-11-1963- 20-11-2013), Trung đoàn 1- Ba Gia (Sư đoàn 2, Quân khu 5) đã lập nên những chiến công lừng lẫy. Là đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chất thép Trung đoàn vẫn vẹn nguyên suốt 50 năm qua.

Cuộc giao lưu giữa các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 1- Ba Gia là cán bộ cấp trung đoàn, tiểu đoàn, nhân chứng lịch sử... với 250 CBCS tại An Khê (Gia Lai) nhân 50 năm truyền thống vào ngày 9-11 vừa qua, có những con số, sự kiện thú vị lần đầu được "công bố". Ấy là Trung đoàn được công nhận lập nhiều kỷ lục cao nhất: Diệt nhiều tiểu đoàn và đại đội địch nhất; loại khỏi vòng chiến đấu nhiều địch nhất; bắt nhiều tù binh nhất; Trung đoàn cơ động nhiều nhất; có những cuộc hành quân dài ngày nhất, tổ chức hành quân tốt nhất và bảo đảm quân số hành quân đến đích cao nhất.

Các trận đánh liên kết, xâu chuỗi trở thành những "giai điệu", khẩu hiệu hành động, dễ nhớ, dễ thuộc nhất: "Nhanh như Chóp Nón; Gọn như Ba Gia; Dũng cảm như Vạn Tường; Nỗ lực như Đồng Dương; Khẩn trương như Quang Thạnh; Đánh mạnh như Vĩnh Huy". Lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đánh giá về các trận đánh của Trung đoàn nhiều nhất. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: "Chiến thắng Ba Gia cuối tháng 5- 1965 tại Quảng Ngãi là một trận tiêu diệt chiến tuyệt đẹp của quân ta...", Đồng chí Lê Duẩn, nguyên Bí thư thứ nhất BCHT.Ư Đảng: "Trận Stalin Grat là bước ngoặt chứng tỏ rằng quân phát-xít Hitler không thể đánh bại được thì chúng ta coi trận Vạn Tường là bước ngoặt chứng minh một cách hùng hồn rằng "Quân giải phóng miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại được quân đội Mỹ"...

Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 với CBCS Trung đoàn Ba Gia.

Liên tục lập công xuất sắc trong những năm gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 19-5-1972, Trung đoàn được tuyên dương danh hiệu đơn vị AHLLVTND. Giành chiến thắng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ngày 2-9-1976, được phong Trung đoàn AHLLVTND lần thứ 2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, ngày 20-12-1979, Trung đoàn được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu đơn vị AHLLVTND lần thứ 3.

Những chiến công của Trung đoàn cũng gắn liền với những địa danh lịch sử Đồng Dương, Quang Thạnh, Đường 9, Nam Lào, Đắc Tô, Tân Cảnh... Nguyên Chính ủy Trung đoàn Lê Ngọc Lịnh đã làm cho CBCS thêm phấn khích khi giải thích vì sao có khẩu hiệu hành động "Nhanh như Chóp Nón, gọn như Ba Gia": đó là trận ra quân quy mô lớn đầu tiên của Trung đoàn chủ lực tiêu diệt một chiến đoàn của địch.

Đại tá Trần Như Tiếp vẫn nhớ như in từng chi tiết, diễn biến cuộc hành quân "Ánh sao": trận ra quân đầu tiên của 8.000 tên lính Mỹ ở Vạn Tường đã bị Trung đoàn đánh cho tan tác. Thượng tướng Anh hùng LLVTND Nguyễn Chơn, người chỉ huy huyền thoại của Trung đoàn không có mặt tại buổi giao lưu nhưng câu chuyện của Đại tá Nguyễn Xuân Lân kể về ông đã làm mọi người xúc động. Đó là khi bị mảnh đạn găm vào cánh tay, ông bảo quân y cứ mổ lấy mà không cần thuốc tê, dành thuốc cho thương binh đang thiếu.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Chuyến, nguyên đại đội trưởng trinh sát đem đến một câu chuyện kỳ thú: Trong đội hình của Trung đoàn giải phóng quận lỵ Păk-Soòng (Lào) năm 1971, ông đã cứu sống một lính Thái Lan bị thương. Không ngờ suốt 40 năm qua, người lính ấy nay đã trở thành Thiếu tướng Quân đội Hoàng gia Thái Lan, vẫn đi tìm ân nhân để rồi khi tình cờ gặp tại chùa Thạc Luổng (Vientiane, Lào), câu chuyện của họ trở thành một phần thuyết trình của các hướng dẫn viên du lịch về những nghĩa cử cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ...

CCB Trần Ngọc Thuận đã khiến cả hội trường như nổ tung bởi những tràng pháo tay không dứt khi ông kể về trận đánh "giặc mồm" ở đồi tranh Ba Mõm: Người chỉ huy đại đội đã rất thông minh khi làm động tác điện đàm, nói thật to với đơn vị bấy giờ chỉ có 18 tay súng: "Tiểu đoàn 1, 2, 3, nghe lệnh. Phát huy truyền thống Ba Gia, Vạn Tường, toàn Trung đoàn anh dũng tiến lên". Uy danh Trung đoàn Ba Gia đã làm cho cả tiểu đoàn địch khiếp sợ và đầu hàng.

Các CCB giao lưu với chiến sĩ Trung đoàn.

Sau 2 năm xuất sắc chiến đấu bảo vệ tuyến biên giới phía tây nam trong đội hình Quân đoàn 4 tham gia giải phóng Pnom Penh và các tỉnh Đông Bắc Campuchia, tháng 12-1979, đơn vị được tuyên dương Anh hùng lần thứ 3. Đang chiến đấu ở thị xã Kra-chê nên quyết định chỉ được thông báo vắn tắt giữa hàng quân. Hơn nửa năm sau, lễ đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND lần thứ 3 mới được tổ chức trang trọng ở Hà Tam, An Khê (Gia Lai).

Trời mưa lất phất, chừng 800 quân của Trung đoàn sau những năm chiến đấu ròng rã đã có mặt trong ngày trọng đại, chứng kiến đồng chí Đoàn Khuê, Tư lệnh Quân khu 5 gắn danh hiệu Anh hùng lên lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Trung đoàn. Từ đàn bò tăng gia, một bữa khao quân tưng bừng làm ấm lại những ngày thiếu thốn. Hy sinh, mất mát ngỡ đã lùi về phía sau vậy mà đáp lời kêu gọi của bạn, Trung đoàn đã 4 lần hành quân qua chiến đấu truy quét địch và chỉ về nước vào năm 1988, kết thúc 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế...

50 năm đã trôi qua. Lịch sử sẽ không bao giờ quên những chiến công chói lọi của Trung đoàn Thép. CBCS Trung đoàn 1- Ba Gia  hôm nay mãi mãi tự hào về truyền thống của đơn vị, tiếp tục gặt hái đỉnh cao mới, xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước.

Hồng Vân

11 vị tướng

Chiến đấu và trưởng thành từ Trung đoàn Ba Gia đã có 11 cán bộ trở thành cấp tướng. Đó là Thượng tướng Anh hùng LLVTND Nguyễn Chơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng BQP; Trung tướng Trần Công Thìn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QNĐN VN; Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5; Trung tướng Lê Minh Cược, Chính ủy Quân khu 2; Trung tướng Phạm Chân Lý, Cục trưởng Cục Quân lực; Thiếu tướng Lê Lung, Phó Tư lệnh về Chính trị Binh đoàn 15; Thiếu tướng Nguyễn Văn Nghinh, Phó Chánh Thanh tra BQP; Thiếu tướng Phạm Xưởng, Cục phó Cục Quân huấn; Thiếu tướng Trần Ngọc Yến, Phó Tư lệnh Quân khu 5; Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy, Phó Tư lệnh Quân khu 5; Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, CHT Bộ CHQS tỉnh Nghệ An.