Báo Công An Đà Nẵng

Majorca - thiên đường hay "cái nôi" tham nhũng?

Thứ tư, 30/03/2016 09:47

(Cadn.com.vn) - Majorca hay Mallorca, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Balearic nằm ở phía tây Địa Trung Hải, được xem là điểm du lịch hút khách nhất của "xứ sở bò tót" Tây Ban Nha. Ngoài thời tiết quanh năm ấm áp và khô ráo, nơi này còn sở hữu vẻ đẹp vô tận của dòng sông xanh ngát và kho báu vô giá về kiến trúc cổ. Tuy nhiên, hòn đảo dành cho giới nhà giàu này gần đây lại nổi tiếng ở một khía cạnh khác: tham nhũng trong bộ máy chính quyền, mà mới đây phải kể đến là vụ án của công chúa Tây Ban Nha Cristina de Borbon và chồng.

Phó Thị trưởng đảo Majorca Jesus Jurado cho biết, ông rất sốc khi nhận ra hòn đảo du lịch nổi tiếng này dần bị "cướp, phá bởi một băng đảng mafia giả mạo là tổ chức chính trị". Ông cho biết thêm, hiện tại, có rất nhiều hệ thống đường cao tốc, bùng binh và cầu vượt được xây dựng tại nơi có rất ít lưu lượng giao thông trên đảo. Hòn đảo đáng lẽ ra đã là một thiên đường. Điều đầu tiên chúng tôi phải làm là thu hẹp tất cả các dự án cơ sở hạ tầng trên sổ sách.

Nhưng điều này dường như đã quá muộn để ngăn chặn làn sóng lãng phí và tham ô trên hòn đảo này, nơi hiện đang diễn ra phiên tòa hình sự lần đầu tiên trong lịch sử Tây Ban Nha hiện đại với sự tham dự các thành viên của gia đình hoàng gia với tư cách là bị cáo. Công chúa Cristina de Borbon (chị gái của vua Tây Ban Nha Felipe VI) có nguy cơ đối mặt với án tù vì bị cáo buộc trốn thuế trong khi chồng bà là cựu cầu thủ bóng ném Olympic Inaki Urdangarin bị cáo buộc gian lận và biển thủ công quỹ.

Hệ thống tàu điện ngầm của Palma được xem là ví dụ về nạn tham nhũng, lãng phí.

Lịch sử tham nhũng

Trở lại những năm 1990, vụ việc đầu tiên phải đề cập trong hàng loạt vụ bê bối chính trị tại hòn đảo Majorca xinh đẹp này là khi Thủ tướng quần đảo Balearic, ông Gabriel Canellas, bị bắt vì tội nhận hối lộ 335.000 USD từ một đơn vị xây dựng dự án đường hầm qua ngọn núi ở phía bắc của hòn đảo đến thị trấn nhỏ Soller. Tuy nhiên, vị chính trị gia bảo thủ của đảng được ưa thích (PP) này đã tránh được hình phạt tù khi những quy định luật pháp có liên quan đã hết hiệu lực. Và người dân đảo tiếp tục chi trả chi phí cho việc xây dựng đường hầm dài chỉ 3km mà không có làn đường an toàn.

Ngoài ra, một dự án tàu điện ngầm với quy mô lớn được xây dựng ở thành phố Palma - thủ phủ của đảo Majorca. Dự án dự kiến tiêu tốn 350 triệu EUR nhưng chỉ phục vụ cho 1,2 triệu hành khách/năm, hoặc 3.288 hành khách/ngày, con số này chỉ tương đương với số người nhét đầy trên một chuyến xe buýt vào giờ cao điểm. Trong vòng 5 năm qua, 16 cựu chính trị gia của PP trên quần đảo Balearic và 8 thành viên của tổ chức Unio Mallorquina bị bỏ tù vì tội danh tham nhũng và vô trách nhiệm. Thành viên đảng cực tả Podemos của Tây Ban Nha bày tỏ mong muốn thực hiện các biện pháp tố tụng một cách minh bạch và công khai bằng cách tổ chức cuộc họp hội đồng mở đầu tiên trên đảo.

Nhưng dường như những dấu hiệu lạc quan về những cải cách thực sự trong nền kinh tế trên đảo vẫn còn là nghi vấn khi những vụ tham nhũng chất cao như núi và khủng hoảng kinh tế vẫn mãi đeo bám người dân và chính quyền nơi đây.

Hệ quả kéo theo

Mariano Chellew, 23 tuổi, là một trong số thanh niên thất nghiệp ở hòn đảo Majorca, nơi mà tỷ lệ người thất nghiệp dưới độ tuổi 25 chiếm đến 45% tổng số dân quần đảo Balearic. Anh phải ngủ lăn lóc ngoài đường suốt 18 tháng trời. Và khi được hỏi đến thì anh tỏ thái độ bực mình trước những điều kiện lao động không có lợi với đối tượng lao động trẻ.

"Tôi chưa bao giờ ký kết một hợp đồng làm việc nào kéo dài hơn 3 tháng và chủ yếu là chỉ được trả lương bằng tiền mặt và không có bất gì hỗ trợ gì về bảo hiểm an sinh xã hội", Manuel tức giận nói. Đại diện nhà máy đóng tàu lớn nhất của thành phố, Astilleros Palma, biện minh, họ không thể tuyển dụng lao động đạt yêu cầu để làm việc cho Cty ngay tại địa phương vì vậy họ phải tuyển dụng những lao động có trình độ từ nơi khác đến làm việc. Một người khác cũng gặp khó khăn trong việc tìm việc làm tại đây là ông Kathy da Costa. Chuyên gia truyền thông 42 tuổi này chuyển đến đây từ Venezuela với hy vọng tìm được công việc phù hợp. Tuy nhiên, ông cảnh báo "Majorca là thiên đường của những người giàu có, nhưng vấn nạn tham nhũng tràn lan sẽ khiến mọi người ngay lập tức muốn rời bỏ nơi này".

Tuệ Khanh
(Theo BBC)