Malala – cuộc chiến cho nền giáo dục Pakistan
(Cadn.com.vn) - Malala Yousafzai, cô gái Pakistan nổi tiếng sau lần bị Taliban bắn vào đầu hồi tháng 1-2012 tham dự một phiên họp đặc biệt của LHQ vào ngày 12-7 (giờ Mỹ), nhân dịp sinh nhật thứ 16. Tại đây, cô bé kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nỗ lực nhiều hơn nữa để đem lại giáo dục cho tất cả mọi người trong bối cảnh phụ nữ Pakistan đang phải chịu nhiều thiệt thòi vì không được đến trường.
Noi gương Malala
Đất nước Pakistan của Malala có số trẻ em không được đến trường cao thứ hai thế giới. Khi một tay súng Taliban bắn Malala, viên đạn đi xa hơn khu vực thung lũng Swat ở miền bắc Pakistan, nơi Malala đang sống. Nó vang vọng khắp nơi trên thế giới, đi xuyên qua cộng đồng bảo thủ ở miền Bắc – và tạo ra kết quả đáng ngạc nhiên.
Đầu tiên là sợ hãi, nhân viên cứu trợ địa phương Qurratul Ain Sheikh, cho biết. “Sau vụ Malala bị bắn, rất nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ, không cho con gái đến trường. Họ rất sợ”, cô nói. Nỗi sợ này khiến nhiều trường học dành cho nữ sinh trống rỗng trong một tháng. Nhưng sau đó nhân viên cứu trợ, và giáo viên, bắt đầu thực hiện chiến dịch đưa học sinh trở lại trường học. Họ tuyên truyền cho các bậc phụ huynh biết về sự cần thiết của giáo dục. Và ảnh hưởng của Malala bắt đầu – các bậc cha mẹ cho con gái trở lại trường học. “Có một sự thay đổi tích cực, đặc biệt là ở các bà mẹ. Họ cho phép con gái đi học và làm việc như Malala, lên tiếng cho quyền lợi của mình, đặc biệt là quyền trẻ em”, Qurratul Ain nói. Thêm 30 bé gái đến trường, đưa con số này lên gần 300 người.
|
Cô bé Malala Yousafzai nổi tiếng với các hoạt động đấu tranh cho giáo dục. Ảnh: BBC |
Một học sinh 10 tuổi tên Tasleem là một trong những người mới nhập học. Cô bé chia sẻ muốn trở thành một nữ cảnh sát. Tasleem nói mẹ cô rất tức giận sau khi Malala bị bắn. Trước khi Malala bị bắn, gia đình con không nghĩ cần phải đi học. Mẹ nhìn thấy những gì xảy ra trên truyền hình. Điều đó làm mẹ suy nghĩ và quyết định cho con và các anh chị em đến trường để nhận được một nền giáo dục tốt”, Tasleem cho biết.
Một thế hệ bị đánh mất
Malala thay đổi cuộc sống của các bé gái trong khu vực này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em khác ở Pakistan không được đến trường
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), khoảng 5,4 triệu trẻ em trong độ tuổi tiểu học không nhận được giáo dục. Ngoài ra, còn có 7 triệu thanh thiếu niên không được đi học. Trong khi đó, kinh phí cho giáo dục giảm trong những năm gần đây và tiền đa số chỉ lo đầu tư cho quốc phòng.
Nhiều trẻ em ở Pakistan phải lao động nặng nhọc ngay từ khi còn nhỏ. Hầu hết chúng được sinh ra trong các gia đình nghèo đói, nợ nần. Theo ước tính của nhóm hoạt động vì quyền trẻ em SPARC, con số này có thể lên đến 12 triệu người. Tại một lò bên ngoài thành phố Hyderabad, thuộc tỉnh miền nam Sindh, một số người đang làm việc. Và đáng ngạc nhiên, trong số này có nhiều trẻ em chỉ mới 4-5 tuổi. Chúng làm việc trong nhiều giờ liền, trong bụi bặm và cái nắng thiêu đốt.
Cô bé Jeeni, 10 tuổi, làm việc ở đây cùng với 9 anh chị em và cha mẹ. Họ là thành viên của dân tộc thiểu số Ấn Độ giáo. Họ phải làm ra 1.000 viên gạch trong 15 giờ/ngày nhưng chỉ kiếm được 300 rupee (3USD), và số tiền này không đủ cho một bữa ăn tươm tất. Cha của Jeeni cho biết, con cái mình đang bị cướp đi tương lai, nhưng vì quá nghèo nên không thể làm gì khác. “Tôi hiểu tầm quan trọng của giáo dục. Nếu tôi chết điều gì sẽ xảy ra với con tôi? Không biết chữ. Bất kỳ ai đều có thể lừa chúng. Nhưng tôi không thể cho con đến trường”, ông tâm sự.
Jeeni từng được đi học, nhưng chi phí đi lại quá tốn kém buộc cô bé phải nghỉ học. Cô bé chờ được đi học trở lại, nhưng giấc mơ đó đã bị chôn vùi bên dưới những viên gạch này.
An Bình (Theo BBC)