Báo Công An Đà Nẵng

Maldives - sân khấu địa chính trị mới cho Trung - Ấn

Thứ bảy, 10/02/2018 09:41

Cuộc đấu tranh quyền lực ở Maldives đang chuyển đến giai đoạn trung tâm của một cuộc chiến rộng lớn hơn: cuộc cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Cảnh sát Maldives bắt giữ một người biểu tình quá khích chống chính phủ. Ảnh: AP

Tình hình chính trị ở Maldives - quốc gia Ấn Độ Dương nhỏ bé được biết đến với những khu nghỉ mát nổi tiếng và sang trọng - đang diễn biến ngày càng xấu đi. 

LHQ hôm 9-2 đã phải ra cảnh báo đầy lo ngại về cuộc khủng hoảng đang phủ bóng quốc gia này. Phát biểu trước HĐBA, Trợ lý Tổng thư ký LHQ, ông Miroslav Jenca cho rằng, tình hình tại Maldives có nguy cơ diễn biến ngày một xấu hơn nữa trong bối cảnh tổng thống nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Ông Jenca nhấn mạnh, dù chưa có thông tin về những vụ đụng độ bạo lực, nhưng tình hình tại Maldives đang căng thẳng và thậm chí có thể còn xấu hơn nữa”. Giới quan sát nhận định, thật sự, cuộc đấu tranh quyền lực ở Maldives đang chuyển biến xấu, nhưng điều quan trọng hơn, nó đang chuyển đến giai đoạn trung tâm của một cuộc chiến rộng lớn hơn: cuộc cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Vấn đề nội tại của Maldives

Maldives đã phải hứng chịu những bất ổn chính trị vào năm 2015 khi tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên là ông Mohamed Nasheed bị bắt giữ và kết án 13 năm tù về tội “khủng bố” liên quan đến việc bắt các thẩm phán trong nhiệm kỳ của ông này. Vụ việc dẫn đến những cuộc biểu tình lan rộng khắp đất nước và hàng trăm nhà bất đồng chính kiến bị bắt giữ.

Thực tế, Maldives đã tồn tại “cuộc khủng hoảng tổng thống” trong nhiều năm, nhưng vấn đề hiện tại càng nghiêm trọng hơn khi chính quyền Tổng thống Abdulla Yameen hôm 1-2 không tuân lệnh của Tòa án Tối cao: trả tự do cho 9 người bất đồng chính kiến về chính trị, đồng thời khôi phục lại vị trí cho 12 nghị sĩ bị cách chức do rời khỏi đảng của ông Yameen, trong số này có cựu Tổng thống Mohamed Nasheed và cựu Phó Tổng thống Ahmed Adeeb.

Những cuộc biểu tình phản đối nổ ra khắp nơi tại quốc gia được mệnh danh là “thiên đường du lịch” này. Thậm chí, những người biểu tình ở thủ đô Male đã phá cửa nhà tù Maafushi, nơi 12 nghị sĩ đang bị giam giữ. Các nhân viên trại giam đã cố gắng kiểm soát tình hình nhưng sau đó lực lượng quân đội đã phải đến hỗ trợ. Tình trạng bất ổn chính trị ở Maldives đã khiến Tổng thống Yameen tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày, bắt đầu vào tối 5-2, động thái nhằm mở đường cho các lực lượng an ninh có quyền bắt và giam giữ các nghi phạm.

Và ngay sau đó, Chánh án Abdulla Saeed và một thẩm phán khác tên Ali Hameed của Tòa án Tối cao Maldives đã bị bắt giữ. Các nguồn tin cho biết, các thẩm phán còn lại sau đó hủy bỏ phán quyết trước đó về việc thả tự do các tù nhân chính trị - nguồn cơn làm bùng nổ khủng hoảng hiện nay. Và trong phiên họp kín ngày 9-2, HĐBA lần đầu tiên thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Maldives. Tuy nhiên, vẫn không có tuyên bố nào được đưa ra vào lúc kết thúc cuộc họp.

Nước cờ của Ấn Độ

“Bộ phim chính trị” ở Maldives làm dấy lên nhiều quan ngại và những tranh cãi ở Ấn Độ, nhất là sau khi cựu tổng thống đang phải sống lưu vong Mohamed Nasheed kêu gọi Ấn Độ trợ giúp cách chức Tổng thống Yameen, cho rằng, ông này đã ban bố tình trạng khẩn cấp “một cách bất hợp pháp”.

Thực tế, Ấn Độ đang tranh cãi liệu có cần can thiệp quân sự vào Maldives hay không, vì chính phủ dường như ngày càng bất ổn. Maldives là quần đảo có khoảng 1.200 hòn đảo ở Ấn Độ Dương ngoài khơi Ấn Độ, có tầm quan trọng chiến lược rất lớn vì gần các tuyến đường biển quốc tế, thông qua đó 2/3 lượng dầu trên thế giới và một nửa số chuyến hàng container đi qua.

New Delhi từng can thiệp quân sự vào năm 1998, khi Maldives bị lực lượng “Những con hổ giải phóng Tamil” ở Sri Lanka tấn công. Hiện nay, Ấn Độ đặt lực lượng hải quân trong tình trạng cảnh báo và tiếp tục tuần tra xung quanh các đảo Maldives, nhưng được cho là sẽ không có kế hoạch can thiệp quân sự. Tờ Al-Jazeera, kênh New Delhi TV, BBC và Daily Telegraph đồng loạt đưa tin như vậy. Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng nội tại ở quốc đảo này chưa phải là mối lo ngại lớn nhất của New Delhi. Vấn đề lớn đang làm đau đầu giới chức Ấn Độ ở Maldives chính là sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Bàn tay từ Trung Quốc

Dưới thời cựu Tổng thống Nasheed, Maldives có mối quan hệ mật thiết với Anh và Ấn Độ. Tuy nhiên, khi lên nắm quyền, Tổng thống Yameen dần xa cách hai đối tác này và chuyển trục sang Trung Quốc và Saudi Arabia. Tháng 6-2017, Maldives cũng tham gia vào chiến dịch phong tỏa Qatar do Saudi Arabia dẫn đầu.

Trong nhiều thập kỷ, Ấn Độ coi cả Maldives và Sri Lanka là một phần của phạm vi ảnh hưởng lớn của họ. Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi hiện nay của Ấn Độ, vốn xem Trung Quốc là kẻ thù địa chính trị lớn nhất ở Châu Á, đã quyết đoán hơn trong việc thúc đẩy duy trì uy quyền chiến lược về mặt địa lý ở Ấn Độ Dương, với sự hậu thuẫn từ Mỹ và Nhật. Tuy nhiên, Trung Quốc đã “xâm chiếm” cả hai quốc gia này với các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Gần đây nhất, Bắc Kinh thậm chí đã kiểm soát được cảng biển Hambantota thuộc miền nam Sri Lanka, động thái khiến New Delhi đứng ngồi không yên.

Hồi tháng 12-2017, Ấn Độ cũng rất bất ngờ khi Trung Quốc và Maldives ký Hiệp định Tự do Thương mại (FTA). Lợi ích của Bắc Kinh ở Maldives chính là thỏa thuận này, một thỏa thuận vốn bị các nhà lãnh đạo đối lập của Maldives chỉ trích. Thực tế, thỏa thuận này đưa Maldives vào Con đường Tơ lụa Hàng hải của Bắc Kinh, một thành phần của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Khi kết hợp với tầm kiểm soát đối với cảng biển Hambantota của Sri Lanka, chính nó sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát được các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương. Trong ngày 9-2, chính quyền Maldives tuyên bố gửi các phái viên đến Trung Quốc, Pakistan và Saudi Arabia để tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị đang làm chấn động quốc gia Ấn Độ Dương này.

Trước những ảnh hưởng to lớn của Bắc Kinh ở Maldives, cựu Tổng thống Nasheed cho rằng, Bắc Kinh đang âm mưu “mua” toàn bộ quốc đảo nằm ở Ấn Độ Dương này và loại bỏ chủ quyền của nước này. Tất nhiên, Bắc Kinh ngay lập tức bác bỏ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố, sự trợ giúp về kinh tế của Trung Quốc không đi kèm với điều kiện ràng buộc về chính trị, đồng thời gọi phát biểu mới đây của cựu Tổng thống Nasheed là “hoàn toàn vô căn cứ”. Bắc Kinh cũng tuyên bố phản đối bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài nào vào cuộc khủng hoảng chính trị ở Maldives, một tuyên bố rõ ràng nhằm vào Ấn Độ vì các nhà lãnh đạo đối lập ở Maldives đã và đang tìm kiếm sự can thiệp quân sự của Ấn Độ nhằm bảo vệ chế độ dân chủ ở quốc đảo này. Trung Quốc hôm 9-2 cũng cho biết đang liên lạc với Ấn Độ để thảo luận về một giải pháp để giải quyết tình trạng bất ổn chính trị ở Maldives và nhấn mạnh, Bắc Kinh không muốn quốc đảo này trở thành “điểm nóng”.

Hiện chưa rõ, Trung-Ấn sẽ có bước đi tiếp theo như thế nào ở Maldives. Nhưng chắc chắn một điều, từ khi rơi vào khủng hoảng, quốc đảo ở Ấn Độ Dương này đã trở thành “sân khấu mới” cho cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ giữa hai gã khổng lồ Châu Á.

KHẢ ANH