Báo Công An Đà Nẵng

Mặn mà "Chuyện xưa xứ Quảng"

Thứ bảy, 26/11/2016 11:16

(Cadn.com.vn) - Với những người quan tâm đến văn hóa dân gian xứ Quảng, hẳn không xa lạ với cái tên Phạm Hữu Đăng Đạt, bởi ông đã viết nhiều cuốn sách như Hương vị Quảng Nam, Chuyện xưa làng nghề Đất Quảng, Sắc bùa xứ Quảng, Văn hóa Quảng Nam. Và bây giờ là Chuyện xưa xứ Quảng...

Ngày 25-11, Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng tổ chức giới thiệu cuốn sách Chuyện xưa xứ Quảng của tác giả Phạm Hữu Đăng Đạt. Chuyện xưa xứ Quảng là tác phẩm biên khảo công phu, với nhiều tư liệu, câu chuyện mới lạ và hấp dẫn về ẩm thực, địa danh, nhân vật, thú chơi và phong tục xứ Quảng. Cuốn sách làm sống dậy cả một vùng văn hóa với những địa danh, những con người, những sinh hoạt văn hóa đặc trưng, giàu truyền thống. Đó là những trầm tích văn hóa được vun đắp tự bao đời. Người đọc sẽ được "thưởng thức" các đặc sản xứ Quảng, với bánh tráng, bún sắn trộn và tìm hiểu về cái thú ăn mặn đặc trưng của người Quảng. Hãy nghe tác giả viết về món mắm xứ Quảng: "Một trong những đặc điểm nổi bật của văn hóa ẩm thực xứ Quảng là thích ăn mặn, ưa ăn mặn. Bởi trong khẩu vị, người Quảng khác với người Huế, người Bắc lẫn người Nam. Khác ngay trong nước chấm. Nếu người Bắc thích tương không mặn lắm, người Nam Bộ thích mắm hơi ngọt vì pha với nhiều đường thì người Quảng lại thích mắm cái. Mà đây là mắm cái nguyên chất, không pha loãng và đặc biệt, phải ăn mặn mới đã. Cho nên, bữa cơm dù giàu nghèo, sang hèn, thiếu gì thì thiếu nhưng không thể thiếu chén mắm... Nhiều lúc, nhất là đối với những người Quảng xa quê, chút mắm ớt dân dã đó còn ngon hơn cả cao lương mĩ vị. Thế mới lạ!" (trích bài Món mắm xứ Quảng).

Cuốn sách Chuyện xưa xứ Quảng của tác giả Phạm Hữu Đăng Đạt.

Theo ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian TP Đà Nẵng, cuốn sách của Phạm Hữu Đăng Đạt đã cho ta sống lại một vùng ký ức về xứ Quảng, ở đó không chỉ có những món ăn, những câu chuyện huyền sử mà còn có nhiều tư liệu mới. "Phạm Hữu Đặng Đạt có niềm đam mê lớn đối với văn hóa và con người xứ Quảng, thế nên anh đã đi rất nhiều, đến đâu anh cũng tìm hiểu, ghi chép cẩn thận những câu chuyện, sự tích về vùng đất đó. Thế nên, sách của Đăng Đạt chứa đựng thông tin và tư liệu phong phú, đưa người đọc về thăm lại chợ Thu Bồn, làng nhà cổ Hội An, đắm chìm giữa những ngôi nhà cổ Tiên Phước hay truyền thuyết về làng Chăm độc nhất ở Quảng Nam hiện nay", ông Hòe dẫn chứng. Đọc Chuyện xưa xứ Quảng, ta có thể hình dung những tháng ngày điền dã gắn bó với từng vùng đất xứ Quảng mặn mòi của tác giả, thấy công sức sưu tầm, khảo cứu công phu của tác giả với ngồn ngộn những tư liệu, hình ảnh quý. Độc giả như cuốn hút vào câu chuyện với cách kể hấp dẫn, khéo léo xen kẽ giữa thông tin, kiến thức lịch sử với những sự tích, truyền thuyết. Với cách viết giản dị, ngôn ngữ giàu chất văn chương, Phạm Hữu Đăng Đạt khéo léo dẫn dụ người đọc đến từng vùng đất xứ Quảng, kể những câu chuyện thú vị về nguồn gốc ngành hát bội Cổ Mân, gánh hát Bài Toa với những vở Nhứt điện, Nhị điện nổi tiếng một thời hay hò chèo ghe - một loại hình  sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc gắn liền với cuộc sống của người dân vùng sông nước. Một phần trong cuốn sách Chuyện xưa xứ Quảng là chuyện về những làng nghề truyền thống, với những huyền tích gắn với sự ra đời, những thăng trầm, thậm chí cả những bí kíp rất riêng để làng nghề trở nên độc đáo và nổi tiếng. Đó là vạn Phương Đông với nghề bủa lưới, làng rau truyền thống Trà Quế với loại rau tiến vua nức tiếng, chuyện trai tráng làng Bàng Tân ngậm ngải tìm trầm hay nước mắm Nam Ô với câu ca "Nam Ô nước mắm thơm nồng, Đi mô cũng nhớ mùi hương quê nhà"... Nhiều làng nghề được kể trong Chuyện xưa xứ Quảng nay đã mai một theo thời gian, thậm chí có nghề hiện không còn nữa. Ví như nghề bứt chỉ chằm, tác giả viết: "Ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước có một nghề khá đặc biệt, thu hút hàng trăm người tham gia. Đó là nghề đi bứt chỉ chằm. Chỉ chằm ở đây là chỉ để chằm nón. Xưa, người chằm nón chưa có cước để chằm nón. Thế cho nên ở nhiều vùng tùy điều kiện cụ thể, người ta dùng một số loại chỉ có trong tự nhiên để chằm. Có nơi ở La Bông (Đà Nẵng) họ dùng chỉ chằm lấy từ cây đoác, cây đủng đỉnh. Riêng làng nón Diên Lộc, bà con lấy chỉ chằm từ cây dứa hùm, một loại dứa mọc hoang. Đó là nguyên nhân khiến dân làng Diên Lộc có nghề đi bứt chỉ chằm. Nhưng, không chỉ làng Diên Lộc của Quảng Nam mà ở Đà Nẵng cũng xuất hiện nghề bứt chỉ chằm...". Đọc những thông tin như thế, mới cảm kích công sức điền dã và niềm say mê với văn hóa xứ Quảng của Phạm Hữu Đăng Đạt.

Hoàng Anh

Nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt tên thật là Phạm Hữu Bốn (quê xã Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam), tốt nghiệp khoa Sử -Trường Đại học Tổng hợp Huế. Ông từng là bộ đội, sau khi xuất ngũ về công tác và gắn bó đến cuối đời với Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Đà Nẵng. Với niềm say mê văn hóa dân gian xứ Quảng, ông đã xuất bản nhiều cuốn sách viết về văn hóa dân gian và đạt giải thưởng văn văn học - nghệ thuật Đà Nẵng. Do mắc bệnh hiểm nghèo, nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt đã qua đời năm 2015.