Báo Công An Đà Nẵng

Mạng lưới y tế cơ sở của Việt Nam còn nhiều bất cập

Thứ tư, 25/03/2015 08:21

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-3, tại TP Huế (TT- Huế), Bộ Y tế tổ chức hội nghị tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu, hướng tới bao phủ CSSK cho toàn dân. Hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các địa phương trong nước; các GS, PGS đầu ngành trong lĩnh vực y tế của Việt Nam, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan... đã tham dự, chia sẻ kinh nghiệm trong việc đầu tư y tế cơ cở (YTCS). UVT.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ  Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Y tế cơ sở còn nhiều khó khăn, thách thức

Hiện, Việt Nam có gần 11.000 trạm y tế xã. Mạng lưới CSSK ban đầu gồm các hoạt động: các dịch vụ phòng bệnh, khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe, y học cổ truyền, CSSK bà mẹ, trẻ em và dân số KHHGĐ, truyền thông giáo dục sức khỏe... Nhờ hoạt động CSSK ban đầu, Việt Nam được cộng đồng quốc tế công nhận là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế như: tuổi thọ trung bình, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em dưới 5 tuổi...

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư- Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam ví YTCS như là "xương sống" của nền y tế Việt Nam. Bởi theo GS Hùng, YTCS là những đơn vị y tế gần dân nhất, đây là nơi phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết những bệnh đơn giản.

Nếu các đơn vị YTCS phát triển và cung cấp được các dịch vụ có chất lượng cho dân thì tạo ra sự tiết kiệm rất lớn cho dân trong CSSK. "Một nền y tế tốt không những chỉ khám chữa bệnh tốt mà còn phải làm giảm bớt gánh nặng trong chi phí khám chữa bệnh của dân, góp phần xóa đói giảm nghèo", GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện YTCS vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Đó là, mô hình bệnh tật thay đổi theo hướng gia tăng nhanh chóng; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mang tính toàn cầu; vấn đề kiểm soát yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn (như ngộ độc thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội) trong khi khả năng đáp ứng về dịch vụ y tế còn hạn chế.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế còn nêu lên một loạt tồn tại, khó khăn và thách thức ở tuyến YTCS. Cụ thể, mạng lưới YTCS vẫn còn cồng kềnh, còn quá nhiều đầu mối CSYT tuyến huyện nên gây khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực và chồng chéo trong quản lý. Chất lượng nguồn nhân lực YTCS ở nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, việc thu hút các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại YTCS còn gặp khó khăn do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng.

Chất lượng dịch vụ YTCS chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của người dân, dẫn đến tình trạng vượt lên tuyến trên gây quá tải các bệnh viện tuyến cuối. Các mô hình quản lý bệnh tật, chăm sóc bệnh tật tại cộng đồng, gia đình chưa được đầu tư trong khi xu hướng già hóa dân số...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Muốn người dân khỏe mạnh thì phải đổi mới

Chia sẻ tại hội nghị, TS Takeshi Kasai- Giám đốc Quản lý chương trình Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới Khu vực Tây Á Thái Bình Dương cho biết, mạng lưới y tế cấp xã ở Việt Nam được bắt đầu xây dựng từ năm 1949 và được củng cố cho đến năm 1975. Những nỗ lực xây dựng mạng lưới YTCS của Việt Nam diễn ra trước khi thế giới công bố tuyên ngôn về CSSK ban đầu vào năm 1978.

Và cho đến nay, lại một lần nữa Việt Nam đổi mới tuyến YTCS. "Đến năm 2017, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu giai đoạn già hóa. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm gánh nặng bệnh mãn tính và người dân kỳ vọng có nhiều dịch vụ y tế hơn. Các CSYT tuyến cơ sở chưa chuyển biến để có thể đáp ứng các nhu cầu trên. Nếu chúng ta muốn Việt Nam trở thành một quốc gia có người dân khỏe mạnh và thịnh vượng thì cần phải đổi mới", TS Takeshi Kasai khẳng định.

Theo TS Takeshi Kasai, việc đổi mới phải tập trung vào vùng sâu, vùng xa, khu vực khó tiếp cận. Đổi mới phải áp dụng phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm. "Khi kinh tế tăng trưởng, khoảng cách bất công bằng sẽ càng lớn hơn. Một cách thức trong kế hoạch phát triển bền vững hậu 2015 cho chính phủ Việt Nam về mặt y tế là phải đảm bảo không một người dân nào bị bỏ lại phía sau", TS Takeshi Kasai bày tỏ quan điểm. Và, đổi mới cần phải định nghĩa lại y tế dự phòng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao về những mô hình y tế, những thành tựu của ngành y, những thầy thuốc của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng vẫn cho rằng, nền y tế nói chung và tuyến YTCS nói riêng của nước ta vẫn còn rất nhiều bất cập. Trước đây, chúng ta đã có nhiều chính sách phát triển y tế nói chung và YTCS nói riêng qua các thời kỳ.

Có nhiều chính sách đến bây giờ vẫn phát triển rất tốt; tuy nhiên có nhiều chính sách khi ban hành thời điểm đó rất hiệu quả nhưng đến nay do tình hình phát triển của đất nước nên không còn phù hợp. Vì vậy, chúng ta cần thiết thay đổi, cần phát huy để phù hợp. Chúng ta cần tăng cường YTCS và CSSK ban đầu đặt trong tổng thể đổi mới nền  y tế của Việt Nam. Và đổi mới phải dựa trên nguyên lý cân bằng, đó là xây dựng nền y tế như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là: Dân tộc- Khoa học và Đại chúng. Khoa học ở đây không chỉ thuần túy là khoa học kỹ thuật mà bao hàm cả tiếp thu thành tựu khoa học của thế giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu tham dự hội nghị. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, sau hội nghị này, khẩn trương xây dựng đề án tăng cường YTCS cho CSSK ban đầu, hướng tới bao phủ CSSK toàn dân để trình lên Chính phủ xem xét và có ý kiến.

Diễn ra trong 2 ngày, hội nghị nhận được nhiều ý kiến đóng góp các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm, lãnh đạo các địa phương, sở y tế, các trung tâm y tế huyện... đưa ra các giải pháp đột phá, khả thi và hiệu quả cho việc xây dựng YTCS về các mặt: nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính, chính sách thu hút và đãi ngộ cán bộ nhằm đẩy mạnh việc CSSK ban đầu, hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân, tiến tới xây dựng một nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.

H.Lan

* Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với Đại học (ĐH) Huế. Sau khi nghe lãnh đạo ĐH Huế báo cáo về một số kết quả đạt được từ năm 1994 đến nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những đóng góp của ĐH Huế đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho miền Trung-Tây Nguyên và cả nước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, thời gian tới, trách nhiệm giáo dục ĐH vẫn còn rất nặng nề trước những yêu cầu, đòi hỏi của phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, không có nguồn nhân lực tốt thì rất khó thành công. Đối với ĐH Huế là ĐH vùng phải hết sức chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên đại học. Trong lộ trình xây dựng cơ chế tự chủ ĐH theo chủ trương của Chính phủ và Bộ GD-ĐT, ĐH Huế cần xây dựng được những cơ chế cần và tự chủ được các mặt để xây dựng ĐH Huế có tầm vóc khu vực và thế giới.

Chú trọng xây dựng kế hoạch quản lý và đầu tư nguồn ngân sách có hiệu quả hơn, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thành viên phát triển. Phó Thủ tướng cũng đồng ý về mặt chủ trương đối với một số kiến nghị của ĐH Huế về cơ chế tài chính cho ĐH vùng và xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia của ĐH Huế. Dịp này, Phó Thủ tướng đến thăm Bệnh viện Quốc tế  T.Ư Huế.