Báo Công An Đà Nẵng

Mang sản vật của đất trời miền Tây xứ Nghệ đến thành phố biển Đà Nẵng

Thứ ba, 02/11/2021 16:29

Ngày 2-11, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An – đại diện Ban Quản lý chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 phối hợp Cty CP Tư vấn chất lượng và đào tạo Tín Việt, Hội Đông y thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị “Kết nối giao thương các sản phẩm tiềm năng của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An”.

Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận vào năm 2007. Đây là Khu DTSQ thế giới trên cạn lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, thuộc địa giới hành chính của 9 huyện miền Tây gồm: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Đặc điểm nền văn hóa đa dạng và đậm đà bản sắc của 6 dân tộc (Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu và Mông) đã tạo ra cho nơi đây nhiều sản phẩm độc đáo mang nét đặc trưng bản địa.

kyson.JPG

Miền Tây xứ Nghệ, vùng được thiên nhiên ưu đãi hiều bảo vật của đất trời.

Tuy nhiên, các sản phẩm này được hình thành và cung ứng theo hình thức chưa tập trung, mang tính tự phát, hầu hết chưa có thương hiệu gắn liền với đặc điểm vùng miền hay đại diện đặc trưng cho khu vực. Do đó, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc trưng bản địa, các sản phẩm nông lâm nghiệp, thủ công nghiệp đặc sắc gắn với phát triển kinh tế du lịch, thông qua danh hiệu Khu DTSQ miền Tây Nghệ An được quốc tế công nhận và biết đến là việc làm cần thiết. Từ đó đáp ứng được các mục tiêu phát triển bền vững và phát huy được các chức năng bảo tồn, phát triển và hỗ trợ của Khu DTSQ.

Tại hội nghị này, 3 đơn vị có sản phẩm tiêu biểu núi rừng miền Tây xứ Nghệ cung ứng chủ lực cho thị trường Đà Nẵng là Cty CP Dược liệu Pù Mát (H. Con Cuông), Cty CP Công nghệ xanh Kim Sơn (H. Quế Phong) và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (H. Kỳ Sơn).

kyson.JPG

Hội nghị là sự kiện thúc đẩy liên kết vùng, kết nối tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm.

Cty CP Dược liệu Pù Mát được biết đến là đơn vị cung ứng các sản phẩm trà cao cà gai leo, cây thìa canh, giảo cổ lam được trồng trên các vùng đồi núi rừng tự nhiên thuộc Khu DTSQ. Các sản phẩm đặc sắc này mang hương vị tinh khiết của đất trời và bàn tay sao chế thành thục thành các sản phẩm trà túi lọc, cao để tiện lợi quá trình sử dụng. Đơn vị sản xuất này đã áp dụng quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến ISO 22000 để kiểm soát tốt an toàn thực phẩm.

Ai đã từng đi đến miền Tây Nghệ An, đón bình minh giữa núi rừng và ngắm thác nước Sao Va huyện Quế Phong hớp một ngụm trà chè hoa vàng chúng ta không thể không thấu đến cái lạnh buốt của khí trời bên ngoài và sự ấm áp kỳ lạ bên trong của mùi thơm ngát hương đất trời hòa quyện trong màu vàng đượm óng ánh nước chè hoa vàng. Đây là sản vật của đồng bào dân tộc Thái chỉ thu hái tự nhiên ven bờ suối với độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển. Đồng bào người Thái nói rằng, chè hoa vàng này bảo vật để giữ sức khỏe cho người đàn ông và làn da trắng mịn của người phụ nữ. Cty CP Công nghệ xanh Kim Sơn là một trong những đơn vị phối hợp chung tay với bà con địa phương gìn giữ bảo vật này, sao chế theo quy trình sấy lạnh giữ nguyên vẹn các hoạt chất quý như polyphenol, acid flavonoid… Sản phẩm đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn HACCP của tổ chức chứng nhận Globalcert.

Du khách thập phương đến vùng núi rừng huyện Kỳ Sơn sẽ không thể quên được các sản phẩm từ gừng thơm nồng ấm áp như tấm lòng người bản xứ. Gừng Kỳ Sơn là một sản vật của địa phương được trồng trên các đồi núi cao hơn 800 mét so với mực nước biển. Gừng được hấp thụ khí trời, ánh sáng nắng nóng chứa chan và khoáng chất của núi rừng đã tạo ra tính ôn đủ độ cho vị cay, thơm,  nồng như đôi môi nóng bỏng của người phụ nữ Mông. Vùng trồng gừng của bà con ở đây đã được chứng nhận một số diện tích đảm bảo sản phẩm gừng phù hợp quá trình sản xuất tốt VietGAP và được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn thu mua, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Theo Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn – Chủ tịch Hội Đông y Đà Nẵng, hội nghị như là một lời giới thiệu, tạo ra một bước ngoặt mới rút ngắn đường đi để các sản vật mang đậm hương sắc đất trời của miền Tây xứ Nghệ đến với người dân thành phố biển Đà Nẵng cũng như du khách trong và ngoài nước. Việc kết nối cung cầu bài bản này vừa đảm bảo được giá trị của sản phẩm đến với người tiêu dùng, bao tiêu cho người dân bản xứ, từ đó khiến họ gắn kết với công tác bảo tồn, gìn giữ được tinh hoa của các sản vật tự nhiên gắn liền với Khu DTSQ miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận.  

Bảo Nam