Mạng xã hội - “vũ khí” trong cuộc bầu cử Ấn Độ
Trong cuộc bầu cử tại Ấn Độ năm 2014, các phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng như một công cụ. Lần này nó có thể trở thành “vũ khí” quan trọng.
Ấn Độ là thị trường lớn nhất thế giới của facebook và nền tảng nhắn tin WhatsApp. Ảnh: CNN |
Khoảng 900 triệu người Ấn Độ đủ điều kiện sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử diễn ra trong khoảng 5 tuần, bắt đầu từ ngày 11-4, và số người sử dụng mạng Internet nhiều hơn trong cuộc bầu cử năm 2014. Do đó, nguy cơ các mạng xã hội bị lạm dụng để thao túng cử tri là rất lớn.
Thị trường lớn nhất thế giới của facebook
Ấn Độ là thị trường lớn nhất thế giới của facebook và nền tảng nhắn tin WhatsApp. Đây cũng là một trong những thị trường quan trọng nhất của Twitter. Cuộc bầu cử sắp tới sẽ là thử nghiệm khắc nghiệt nhất đối với các Cty này.
Mạng xã hội đã phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng về vai trò của nó trong các cuộc bầu cử kể từ chiến dịch bầu cử Mỹ năm 2016, trong đó Facebook đặc biệt phải đối mặt với những tranh cãi, như việc các tài khoản từ Nga sử dụng nền tảng của họ để thu hút cử tri và dữ liệu từ hàng triệu người dùng được chia sẻ với Cty nghiên cứu Cambridge Analytica. Trong các cuộc bầu cử ở Mexico và Brazil hồi năm ngoái và Nigeria hồi đầu năm nay, facebook đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn lạm dụng, mặc dù có nhiều báo cáo cho rằng WhatsApp đã được sử dụng để truyền bá tin tức giả trước cuộc bỏ phiếu ở Brazil.
Quy mô của cuộc bầu cử của Ấn Độ lớn hơn rất nhiều, bởi dân số khổng lồ của nước này. “Quy mô của nó được xác định khá rõ và đó là một trong những lý do chúng tôi nghĩ rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là giữ an toàn cho cuộc bầu cử ở Ấn Độ”, Shivnath Thukral, giám đốc chính sách công của facebook tại Ấn Độ, cho biết. Tuy nhiên, nhiệm vụ này được cho là không hề dễ dàng.
Nguy cơ kích động bạo lực
Nền chính trị Ấn Độ thường phải đấu tranh với các đường lối xã hội và tôn giáo, và trong những năm gần đây chứng kiến gia tăng bạo lực đối với các nhóm thiểu số dưới sự lãnh đạo của đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Narendra Modi.
Nhiều người quan ngại, mạng xã hội có thể được sử dụng để gây chia rẽ, đặc biệt thông qua các thông tin sai lệch xung quanh các cuộc bầu cử, cũng như kích hoạt bạo lực. “Trước sức nóng của các cuộc bầu cử, những thông tin sai lệch như vậy có thể gây ra bất kỳ loại bạo lực nào”, ông Pratik Sinha, người sáng lập trang mạng kiểm tra sự thực tại Ấn Độ Alt News, cho biết.
WhatsApp, với hơn 200 triệu người dùng ở Ấn Độ, là trung tâm của vấn đề. Những tin nhắn lừa bịp dựa trên nền tảng này đã được sử dụng trong hơn một chục vụ lừa đảo vào năm ngoái. Gilles Verniers, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ashoka của Ấn Độ, cho rằng, mạng xã hội đã trở thành “cái loa cố định” để các đảng chính trị khuếch đại thông điệp của họ.
Ông Modi có hơn 46 triệu người theo dõi trên Twitter, nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào, trừ Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi lãnh đạo phe đối lập chính, ông Rahul Gandhi đã thu hút được gần 9 triệu người kể từ khi gia nhập nền tảng này vào năm 2015. Các phương tiện truyền thông xã hội trong nền chính trị Ấn Độ đã bùng nổ trong cuộc bầu cử năm 2014, khi ông Modi đặc biệt thống trị lĩnh vực này. Nhưng lần này, các đối thủ của ông dường như đang bắt kịp. Trong cuộc bầu cử lần trước, phương tiện truyền thông xã hội đã được khai thác để đưa thông điệp ra ngoài. Lần này, những nguy hiểm đang đến gần.
Thông tin sai lệch
Quy mô khổng lồ của cuộc bầu cử Ấn Độ đặt ra thách thức lớn đối với các Cty truyền thông xã hội. Năm 2014, Ấn Độ có khoảng 250 triệu người dùng Internet. Con số này hiện nay là 560 triệu người.
Sự sụt giảm của 2.000% giá dữ liệu di động trong 2 năm qua, cộng với điện thoại thông minh giá cả phải chăng hơn, thúc đẩy sự bùng nổ Internet ở Ấn Độ. Nhưng hàng trăm triệu người Ấn Độ lần đầu tiên trải nghiệm Internet lại không được giáo dục, khiến họ dễ bị tiếp nhận thông tin sai lệch. “Việc sở hữu một chiếc điện thoại kết nối Internet đã trở nên hợp lý hơn và hầu hết mọi người có WhatsApp ngay bây giờ, do đó, phạm vi tiếp cận cao hơn nhiều”, ông Pratik Sinha, người sáng lập Alt News nói.
Alt News, được thành lập 2 năm trước, là một trong số các trang mạng kiểm tra thực tế đã ra mắt kể từ cuộc bầu cử năm 2014, khi các trò lừa bịp trên phương tiện truyền thông xã hội trở thành mối đe dọa lớn. Chỉ trong tháng vừa qua, trang mạng này đã vạch mặt một đoạn băng từ Sri Lanka chiếu cảnh người Ấn Độ giáo lạm dụng phụ nữ Hồi giáo, một đoạn băng từ Nga cho thấy các máy bay không người lái của Israel được bán cho Ấn Độ và một số tin tức giả mạo về cuộc đụng độ quân sự gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan. Phần lớn các tin tức giả mạo mà Alt News vạch mặt được nhắm vào các đảng chính trị, bao gồm Đảng Bharatiya Janata của ông Modi và Đảng Quốc đại, do ông Gandhi lãnh đạo. “Tôi nghĩ rằng các đảng chính trị có đủ động lực và có đủ tiền để thuê người đảm bảo rằng việc tuyên truyền đến được người cuối cùng”, ông Sinha nói.
Đi tìm giải pháp
Facebook và Twitter thực hiện một số bước để đảm bảo nền tảng của họ không bị lạm dụng. WhatsApp đang sử dụng trí thông minh nhân tạo để phát hiện và cấm các tài khoản phát tán “nội dung có vấn đề”, trong khi facebook đang hợp tác với những trang mạng kiểm tra sự thực tại Ấn Độ. Twitter đã công bố các sáng kiến tương tự để trấn áp “các tác nhân xấu” và cũng đang làm việc với các đảng chính trị và cơ quan bầu cử để đảm bảo nền tảng của nó không bị xâm phạm trong cuộc bầu cử.
“Chúng tôi tôn trọng tính toàn vẹn của quá trình bầu cử và cam kết cung cấp một dịch vụ thúc đẩy và tạo điều kiện cho cuộc tranh luận dân chủ tự do và cởi mở”, Colin Crowell, người đứng đầu chính sách công toàn cầu của Twitter, cho biết. Ông Joel Kaplan, một quan chức của facebook cũng tuyên bố “đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử ở Ấn Độ và giúp đảm bảo an toàn cho mọi người”. Các ứng cử viên chính trị cũng sẽ được yêu cầu chia sẻ chi tiết về các tài khoản mạng xã hội với cơ quan bầu cử Ấn Độ. Các chính đảng cũng được yêu cầu cung cấp các thông tin quảng bá chính trị trên phương tiện truyền thông xã hội cho Ủy ban bầu cử phê duyệt và phải tuyên bố họ đã chi bao nhiêu tiền cho việc tuyên truyền trên mạng xã hội.
AN BÌNH