Manh mối từ tấm chăn khác biệt...
Đã hơn 1 năm trôi qua nhưng hẳn người dân Đà Nẵng vẫn chưa quên vụ án giết người, vứt xác phi tang xuống vịnh Mân Quang gây rúng động dư luận. Đến nay, đối tượng gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này là vợ chồng Nguyễn Hùng Dũng (49 tuổi) và Lê Thị Phương Oanh (trú chung cư C2, P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) cũng đã phải trả giá đắt cho hành vi phạm tội của mình; tuy nhiên, có nhiều tình tiết “ly kỳ” trong hành trình khám phá vụ án đặc biệt này của lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS) CATP Đà Nẵng chưa hẳn đã được hé lộ hết. Lời kể của Thượng úy Nguyễn Lương Vương, cán bộ Đội Trọng án (Phòng CSHS CATP Đà Nẵng) sau đây có thể giúp bạn đọc phần nào hình dung được sự nhạy bén, tinh thông nghiệp vụ của lực lượng được xem là “quả đấm thép” của lực lượng CAND...
Thượng úy Nguyễn Lương Vương nhận Giấy khen của Giám đốc CATP vì có thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. |
Ngược thời gian trở về trung tuần tháng 6-2018, cả Đà Nẵng rúng động khi người dân vô tình phát hiện một thi thể bị trói tay, chân và bỏ trong thùng xốp trôi nổi dưới cầu Mân Quang (P. Thọ Quang, Sơn Trà). Chỉ một thời gian ngắn tiếp nhận, xác minh, thu thập chứng cứ, CQĐT CATP Đà Nẵng đã nhanh chóng làm rõ thủ phạm là Nguyễn Hùng Dũng và Lê Thị Phương Oanh, trú chung cư C2, P. Nại Hiên Đông. Mục đích khiến cặp vợ chồng này ra tay tàn độc đối với nạn nhân sau đó được xác định là giết chủ nợ, cướp tài sản, sau đó phi tang xác nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình.
Là người trực tiếp điều tra, khám phá vụ án giết người nói trên, Thượng úy Nguyễn Lương Vương cho biết, với tất cả các vụ án đặc biệt nghiêm trọng thì quan trọng nhất là việc thu thập, đánh giá các dấu vết, chứng cứ tại hiện trường. Liên quan đến vụ việc nói trên, ngay khi tiếp nhận thông tin, lực lượng CSHS CATP đã nhanh chóng phối hợp với lực lượng Kỹ thuật hình sự tiếp cận, thu thập dấu vết, chứng cứ tại hiện trường. Tại nơi phát hiện thi thể nạn nhân, lực lượng khám nghiệm phát hiện có bao bóng, mùng mền, trong khi nạn nhân thì bị trói... Trước những vật chứng này, bước đầu trinh sát xác định đây không phải là hiện trường chính để thực hiện vụ án mà chỉ là hiện trường nơi thủ phạm vứt xác (hiện trường 2). Bên cạnh đó, khi tiến hành khám nghiệm và kiểm tra dây quấn trên người nạn nhân, thấy được buộc rất chắc, trinh sát đánh giá đối tượng phải có một quá trình chuẩn bị, cả về mặt thời gian, địa điểm lẫn công cụ gây án. Qua các dấu hiệu này, trinh sát đưa ra nhận định đối tượng thực hiện hành vi trong phòng kín, có thể là nơi ở của đối tượng hoặc của nạn nhân, và hiện trường gây án phải gần với hiện trường vứt xác, bởi không thể chở xác nạn nhân đi trên một quãng đường xa, ngay khu vực đông người trong thành phố. Ngoài ra, khi kiểm tra các vật trên người nạn nhân, lực lượng khám nghiệm xác định có một tấm chăn không giống với các loại chăn thông thường được bày bán nhiều nơi, mà trên đó có những dòng chữ đặc trưng...
Khó khăn đặt ra cho CQĐT là nạn nhân không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào để qua đó xác định nhân thân, lai lịch. Vì vậy, để kịp thời làm rõ, lãnh đạo CATP, Phòng CSHS đã huy động toàn bộ lực lượng xuống địa bàn, truy tìm những người được báo là mất tích; đồng thời tra cứu vân tay của nạn nhân để đối chiếu. Với sự vào cuộc tích cực của các đội nghiệp vụ, chỉ sau vài giờ, CQĐT đã xác định được nạn nhân tên là V.T.T.Ng (trú P. An Hải Tây, Q. Sơn Trà). Khi tiếp xúc với người nhà nạn nhân, được gia đình họ cung cấp các thông tin có liên quan đến việc làm ăn, các mối quan hệ của nạn nhân trong thời gian gần đây... Tuy nhiên, theo gia đình cung cấp thì từ trước tới nay, nạn nhân chưa có mâu thuẫn gay gắt nào để dẫn đến việc bị giết chết rồi phi tang. “Thông tin đáng chú ý nhất là việc nạn nhân hành nghề cho vay lấy lãi, trong số những người vay thì có một số ở khu vực chung cư Nại Hiên Đông. Thông tin này phù hợp với nhận định của lực lượng CQĐT rằng hiện trường gây án phải gần với hiện trường phi tang xác”, Thượng úy Vương nói. Đồng thời cho biết, từ các thông tin này, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, CQĐT xác định được Lê Thị Phương Oanh là người cuối cùng liên hệ và gặp nạn nhân. Ngay lập tức Oanh, Dũng được mời lên làm việc.
Vợ chồng Oanh - Dũng tại phiên tòa. |
Tại CQĐT, ban đầu Oanh - Dũng một mực khẳng định mình không hề liên quan. Trong khi đó, một tổ trinh sát được cử xuống căn nhà chung cư nơi Oanh Dũng sinh sống để thu thập thông tin, chứng cứ; đồng thời lấy lời khai của những người trong gia đình. Khi đưa hình ảnh tấm chăn được chụp tại nơi phát hiện thi thể nạn nhân cho người nhà Oanh - Dũng xem thì ngay lập tức có người thừa nhận chính là tấm chăn mà gia đình đã sử dụng. Thông tin này được báo về CQĐT, qua đó xác định vợ chồng Oanh - Dũng là người có liên quan trực tiếp đến vụ án. Qua quá trình xét hỏi, với những chứng cứ không thể chối cãi được, cuối cùng, hai vợ chồng thừa nhận hành vi phạm tội của mình... Ngày 29-9-2018, TAND TP Đà Nẵng mở phiên sơ thẩm xét xử lưu động, tuyên phạt Nguyễn Hùng Dũng mức án tử hình và Lê Thị Phương Oanh mức án chung thân về tội giết người, cướp tài sản.
Nói về yếu tố quyết định để nhanh chóng làm rõ thủ phạm trong vụ án này, Thượng úy Nguyễn Lương Vương khẳng định “chính là nhờ sự chỉ đạo tập trung của Ban Giám đốc CATP, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT và tập thể lãnh đạo Phòng CSHS; sự hiệp đồng tác chiến, tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm của mỗi cá nhân thuộc lực lượng CSHS và sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các đơn vị nghiệp vụ thuộc CATP”. Được biết, Thượng úy Nguyễn Lương Vương là ĐTV trẻ của Phòng CSHS CATP Đà Nẵng. Năm 2017, đồng chí vinh dự được bình chọn là 1 trong 9 gương mặt Thanh niên CATP xuất sắc tiêu biểu.
D.HÙNG
(Ghi theo lời kể của Thượng úy Nguyễn Lương Vương)