Báo Công An Đà Nẵng

Mạnh tay truy quét “tín dụng đen”, lừa đảo qua không gian mạng

Thứ ba, 19/07/2022 07:38
Đối tượng Phạm Văn Sơn (trú Q. Sơn Trà) dùng sim rác, mở nhiều tài khoản ảo trên mạng để lừa đảo chiếm đoạt hơn nửa tỷ đồng.

Hiện nay trên nhiều web, mạng xã hội (zalo, facebook), app nhan nhản thông tin quảng cáo cho vay với thủ tục trực tuyến, đơn giản. Khi người dân có nhu cầu vay, truy cập vào ứng dụng, các đối tượng nhanh chóng thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh; chuyển tiền vay và trả lãi qua tài khoản ngân hàng, áp dụng nhiều quy định biến tướng về lãi suất (thu phí dịch vụ cao, nhiều trường hợp lãi suất cộng dồn lên đến 2.000%/năm). Khi người vay trả nợ không đúng hạn, các đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người vay để đe dọa, cắt ghép hình ảnh xúc phạm, bôi nhọ, đăng lên mạng xã hội. Thậm chí chúng còn ném chất bẩn, chất thải, đặt vòng hoa, phun sơn… khủng bố tinh thần người vay và gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm của người vay.

Trước tình hình đó, Công an TP Đà Nẵng đã chủ động nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, mở đợt cao điểm tấn công, truy quét, xử lý nghiêm hoạt động “tín dụng đen”. Nếu năm 2018 rà soát tại Đà Nẵng có 264 đối tượng chuyên cho vay nặng lãi, khoảng 60 nhóm, đa số đối tượng ngoại tỉnh, thì qua đấu tranh triệt phá liên tục, đến nay đa số các đối tượng ngoại tỉnh đã rút khỏi địa bàn Đà Nẵng. Tuy vậy, hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng lại nở rộ khiến nhiều người dân mắc “bẫy”, để lại hệ lụy rất lớn.

Nguyên nhân của thực trạng này, do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên nhu cầu vay của người dân tăng mạnh, trong khi khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do nhiều quy định, thủ tục rườm rà. Hơn nữa, trình độ, nhận thức, hiểu biết về công nghệ, tài chính, ngân hàng và cho vay trực tuyến của một bộ phận người dân còn hạn chế; quản lý một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, không gian mạng còn sơ hở, bất cập.

Đặc biệt phải kể đến thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi (sim rác, tài khoản ngân hàng không chính chủ, giả mạo địa chỉ đăng nhập Internet ở nước ngoài…) gây khó khăn trong việc xác định, truy nguyên, đấu tranh, xử lý trong khi công tác phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (nhất là ngân hàng, công ty cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông) chưa kịp thời, đầy đủ.

Trả lời chất vấn đại biểu HĐND TP Đà Nẵng mới đây, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên- Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, tình trạng vay nợ qua không gian mạng hiện nhức nhối, nhiều người không vay nợ cũng bị liên đới, gọi điện quấy rối, bôi nhọ. Trong 6 tháng qua, Công an TP Đà Nẵng nhận được 16 tin, đã tổ chức xác minh, kết quả khởi tố 2 vụ, bắt 2 đối tượng. Trong đó 1 vụ bị khởi tố tội sử dụng mạng viễn thông tổ chức cho vay có tính chất lừa đảo; 1 vụ sử dụng tài khoản thông tin cá nhân trái phép trên không gian mạng.

Các đối tượng cho vay nặng lãi qua không gian mạng bị Công an TP Đà Nẵng triệt phá đầu năm 2022.

Mới nhất, Công an TP Đà Nẵng bắt 6 đối tượng từ Hà Nội vào, sử dụng căn cước công dân giả mở các tài khoản ngân hàng (khoảng 60 tài khoản) rồi giao lại cho các đối tượng thuê mở tài khoản để phục vụ vào mục đích lừa đảo qua mạng. Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho biết, hiện nay thông tin cá nhân lộ lọt và mở tài khoản cá nhân ở các ngân hàng hết sức lỏng lẻo. Vì vậy, hầu hết các tài khoản mục đích cho vay, lừa đảo đều là tài khoản ảo, các đối tượng sử dụng sim rác. Điều này khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, công tác phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, kể cả ngân hàng, các mạng viễn thông với công an trong nhiều vụ điều tra, khám phá không kịp thời, chưa nhịp nhàng. Có nhiều vụ công an phát hiện đối tượng vừa mới lừa đảo người dân vẫn còn nằm ở 1 tài khoản A, ở ngân hàng A và liên hệ thì các ngân hàng phối hợp rất chậm. Sau đó nửa tiếng thì đối tượng chuyển qua khoảng 30 ngân hàng, tới ngân hàng cuối cùng đối tượng rút tiền hoặc chuyển khoản ra nước ngoài. Một số vụ CATP đã xác định đối tượng chuyển tiền qua Malaysia, Macao, Campuchia. Nếu sự phối hợp nhanh, nhịp nhàng thì đã phong tỏa được tài khoản, giữ được tiền.

Có thể thấy, các thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng ngày càng tinh vi, dù đã được cảnh báo nhiều song người dân vẫn “mắc bẫy”. Phương thức, thủ đoạn chủ yếu của chúng hiện nay là giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, ngân hàng, nhân viên điện lực… gọi điện đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, chúng còn mạo danh nhân viên của công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng, yêu cầu bị hại nâng cấp sim từ 3G lên Sim 4G, 5G để chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, ví điện tử, tài khoản ngân hàng; lôi kéo tham gia đầu tư các sàn giao dịch tiền ảo, sàn ngoại hối hoặc đầu tư đào tiền kỹ thuật số; lừa đảo dưới hình thức đăng bài tuyển cộng tác viên bán hàng trên các trang mạng xã hội...

Để ngăn chặn hiệu quả hoạt động “tín dụng đen”, lừa đảo qua không gian mạng cần ngăn chặn sim rác, quản lý chặt việc mở tài khoản ngân hàng, không để lộ lọt thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Đặc biệt, cần ngăn chặn các web, app, từ khóa trên không gian mạng có liên quan đến loại tội phạm này.

HẢI QUỲNH