Báo Công An Đà Nẵng

Mạnh tay "xử", tín dụng đen "co vòi"!

Thứ bảy, 30/03/2019 12:47

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc CATP Đà Nẵng và sự vào cuộc rốt ráo của CA các đơn vị, địa phương, thời gian gần đây, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng... trên địa bàn Đà Nẵng đã có chiều hướng thuyên giảm, các đối tượng co cụm hoặc tìm cách chuyển địa bàn hoạt động...

Với thủ đoạn cho "vay không thế chấp", thủ tục đơn giản nên nhiều người dễ dàng sập bẫy "tín dụng đen" rồi mang họa.

"Vay không thế chấp" nở rộ

Những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2018, tình hình hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ bùng phát không chỉ ở các đô thị mà còn lan rộng tới nhiều thành phần, nhiều địa bàn, kể cả vùng nông thôn, miền núi. Song hành với hoạt động này là những hệ lụy về mặt xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan. Không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của tình trạng này, Đà Nẵng cũng là địa bàn có những diễn biến nhất định về hoạt động của tội phạm cho vay nặng lãi. "Tuy không xảy ra những hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến "tín dụng đen" song hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi trên địa bàn thành phố cũng có chiều hướng phức tạp", Thượng tá Phạm Sĩ Nguyên- Phó trưởng phòng CSHS CATP Đà Nẵng nhận định. Theo Thượng tá Nguyên, nổi lên là việc xuất hiện nhiều nhóm đối tượng người phía Bắc vào cư trú, biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi, móc nối với đối tượng tại chỗ để mở rộng quy mô, phạm vi; hình thành một số nhóm đối tượng là dân địa phương cũng tổ chức hoạt động. "Bọn chúng có xu hướng thành lập các doanh nghiệp trá hình để hoạt động cho vay nặng lãi, bên cạnh đó cũng xuất hiện một số công ty hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê... Tình hình này đã có những tác động ảnh hưởng xấu đến TTATXH của thành phố", Thượng tá Nguyên nói.

Những băng, nhóm đối tượng nghi vấn hoạt động cho vay nặng lãi với phạm vi cư trú và hoạt động mang tính lưu động (liên tục thay đổi chỗ ở)... khiến cho công tác quản lý, phát hiện và thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hoạt động phạm tội của loại tội phạm này gặp khó khăn. Vì vậy tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, là nguồn phát sinh các băng nhóm đòi nợ thuê, nguy cơ xảy ra các hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng như gây rối TTCC, hủy hoại tài sản, cướp, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích thậm chí giết người...

Trước thực trạng này, Giám đốc CATP đã chỉ đạo lực lượng CSHS, CA các đơn vị, địa phương kiên quyết "không để các băng nhóm, đối tượng hoạt động đòi nợ thuê từ "tín dụng đen", gây ra các hành vi phạm tội có liên quan". Riêng với lực lượng CSHS, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc CATP, lãnh đạo Phòng đã chỉ đạo trinh sát tăng cường công tác kiểm tra, rà soát địa bàn, phát hiện, ngăn chặn các đối tượng, băng nhóm mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động cho vay nặng lãi; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp không tham gia giao dịch tài chính với các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi, tích cực phản ánh, tố giác hoạt động và đối tượng cho vay nặng lãi... nhằm hạn chế, ngăn chặn các nguyên nhân và điều kiện phát sinh, tồn tại hoạt động "tín dụng đen". Ngoài ra, tập trung xử lý nghiêm minh các băng nhóm, đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan xảy ra trên địa bàn.

Theo thống kê, trong năm 2018, CA các đơn vị, địa phương đã xử lý 49 đối tượng, khởi tố hai vụ có liên quan đến cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê ở quận Sơn Trà và Liên Chiểu; bắt tạm giam 4 đối tượng và tiếp tục thu thập, củng cố chứng cứ xử lý tiếp các đối tượng còn lại.

Làm gì để "tín dụng đen" không còn đất sống?

Tại hội nghị sơ kết công tác Đảng của Đảng ủy CATP Đà Nẵng quý I-2019 vừa qua, Đại tá Quách Văn Dũng- Trưởng phòng CSHS cho biết: Do triển khai quyết liệt, hiệu quả các mặt công tác nên từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình hoạt động của tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" trên địa bàn có chiều hướng thuyên giảm. Các đối tượng co vòi, không dám mở rộng phạm vi, quy mô và hoạt động manh động như trước. "Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố không phát hiện có xảy ra vụ việc nào vi phạm pháp luật như tạt sơn, ném chất bẩn hay cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... có liên quan đến "tín dụng đen", Đại tá Dũng khẳng định.

Để tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa hiện quả phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động của tội phạm cho vay nặng lãi trong thời gian tới, Đại tá Dũng kiến nghị Giám đốc CATP chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện thường xuyên các mặt công tác theo kế hoạch chuyên đề 2338 của Giám đốc CATP về phòng, chống tội phạm cho vay nặng lãi; nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động phát hiện và xử lý triệt để các băng nhóm, đối tượng biểu hiện nghi vấn hoạt động cho vay nặng lãi, không để xảy ra tội phạm liên quan "tín dụng đen". Tiếp tục tập trung thực hiện nội dung chỉ đạo của Giám đốc CATP về phân công phân cấp lực lượng, tăng cường xác minh, giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động của 14 Cty, doanh nghiệp trá hình hoạt động cho vay; 4 Cty đang hoạt động đòi nợ; 64 đối tượng ngoại thành và 262 đối tượng nội thành có biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi cùng với 46 vụ việc vi phạm pháp luật có liên quan xảy ra trên địa bàn thành phố trong năm 2018 để tham mưu Giám đốc CATP chỉ đạo giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.

Mặt khác cần tiếp tục có kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cho vay nặng lãi một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, những người dân lao động có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên và cả những người không có công ăn việc làm ổn định, thậm chí thuộc thành phần cờ bạc, nghiện ngập, với tâm lý muốn nhanh chóng có tiền song lại thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật về giao dịch tài chính dân sự. Không để các đối tượng có điều kiện lợi dụng hoạt động cho vay nặng lãi trá hình dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra CA các cấp cũng cần có sự phối hợp với VKS, TAND trong việc nghiên cứu, phổ biến rút kinh nghiệm, khắc phục những vấn đề khó khăn vướng mắc để có thống nhất trong hoạt động điều tra, đấu tranh, xử lý tội phạm cho vay nặng lãi, qua đó xử lý nghiêm minh, triệt để đối tượng phạm tội, nâng cao hiệu quả răn đe, trấn áp tội phạm.

D.H