Báo Công An Đà Nẵng

Mạo danh “an ninh điều tra”, “kiểm sát viên” để lừa đảo

Thứ ba, 02/04/2019 12:44

Mạo danh cán bộ an ninh điều tra (ANĐT), kiểm sát viên (KSV) để hù dọa người dân nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tuy không phải là thủ đoạn mới của tội phạm, nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy”. Gần đây, đối tượng tội phạm cũng đã mạo danh là cán bộ ANĐT, KSV ở TP Đà Nẵng để điện thoại hù dọa nhiều người ở các địa phương khác hòng lừa đảo. Để kịp thời ngăn chặn hành vi của tội phạm, lực lượng CA đang vào cuộc xác minh, điều tra, đồng thời đưa ra những cảnh báo để người dân cảnh giác, phòng ngừa.

Giấy triệu tập và lệnh bắt bị can để tạm giam được đối tượng tự xưng là cán bộ ANĐT CATP Đà Nẵng làm giả.

Cuối tháng 3-2019, Cơ quan ANĐT CATP Đà Nẵng nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Hùng G. (trú P. Đa Kao, Q.1, TP Hồ Chí Minh) trình báo: Có kẻ xấu đã làm giả giấy triệu tập của cơ quan CA mời ông về Đà Nẵng làm việc với lý do: Ông từng đến Bệnh viện Hoàn Mỹ khám 260 lần và nhận hàng trăm hộp thuốc giảm đau có thành phần chất ma túy tổng hợp. Sở dĩ ông G. khẳng định giấy triệu tập là giả, bởi ông chưa bao giờ khám bệnh ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng.

Theo ông G. cho biết, giữa tháng 3-2019, ông có nhận được cuộc điện thoại của một người xưng là cán bộ ANĐT CATP Đà Nẵng nói qua sự việc và yêu cầu ông ra CA Đà Nẵng để làm việc. Vài ngày sau đó, ông G. nhận được giấy triệu tập ghi rõ nội dung: Yêu cầu ông G. đến Cơ quan ANĐT, CATP Đà Nẵng, số 80- Lê Lợi gặp điều tra viên. Lý do giấy triệu tập đưa ra là “từ tháng 4 đến 10-2018, ông G. đã sử dụng thẻ BHYT đến Bệnh viện Hoàn Mỹ khám 260 lần, lãnh 260 hộp thuốc giảm đau Trapadol. Vì thuốc giảm đau Trapadol có thành phần điều chế chất ma túy tổng hợp, cho nên CATP Đà Nẵng nghi ngờ ông có ý đồ điều chế chất ma túy tổng hợp. Nếu ông G. không đến, thì bên Phòng BHXH sẽ thông qua pháp luật khấu trừ tất cả các tài khoản ngân hàng dưới tên ông với số tiền 260 hộp thuốc giảm đau Trapadol là 46.800.000 đồng”.

Thấy sự việc quá vô lý, nhưng trong giấy triệu tập được ký, đóng dấu đỏ của cơ quan ANĐT thật, nên ông G. đã tìm cách liên lạc với cán bộ Phòng ANĐT CATP Đà Nẵng xác minh mới hay Cơ quan ANĐT CATP Đà Nẵng chưa bao giờ ban hành giấy triệu tập nào có nội dung như vậy. Khi biết đây là hành vi lừa đảo, bản thân ông G. đã lên mạng tìm những cụm từ tương tự như nội dung giấy triệu tập mới hay rằng, đã có rất nhiều người bị lừa, trong đó có người vì lo sợ đã chuyển tiền cho kẻ gian. 

Theo Thượng tá Phạm Ngọc Nguyên - Phó trưởng Phòng ANĐT CATP Đà Nẵng, các văn bản triệu tập mà đối tượng lừa đảo gửi cho ông G. hoàn toàn là giả mạo. Con dấu đóng trên văn bản là scan. Thượng tá Nguyên cảnh báo, ông G. không phải là trường hợp đầu tiên, mà từ đầu năm 2019 đến nay, đã có nhiều trường hợp tương tự đã nhận được văn bản với nội dung như vậy. Như ông Nguyễn Q. (trú Q. Đống Đa, Hà Nội), từng nhận một cuộc điện thoại của một người xưng là cán bộ ANĐT CATP Đà Nẵng gọi tới thông báo phải đến Cơ quan ANĐT và sau đó nhận giấy triệu tập giả qua zalo. Để ông Q. tin, đối tượng còn sử dụng hình có trang phục ngành công an trên trang mạng cá nhân của mình. Thậm chí, ông Q. còn được đối tượng này nói gửi tạm số tiền hơn 46 triệu đồng vào một tài khoản, nếu sau này bản thân không có liên quan đến số thuốc thì ngân hàng sẽ chuyển trả lại tiền!?

Thượng tá Nguyên cho biết thêm, không chỉ giả giấy triệu tập, có người còn giả cả lệnh bắt tạm giam của Viện kiểm sát. Như anh T. (trú tỉnh Tây Ninh) nhận lệnh này do “kiểm soát viên cao cấp” Lê Đức Xuân- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao TP Đà Nẵng ký với nội dung: “Bắt giam về tội mở một tài khoản ngân hàng Vietcombank dùng để rửa tiền trốn thuế xuyên quốc gia cho đường dây buôn bán ma túy theo lời khai của một tội phạm. Vì vậy, phân công CA và VKSND tối cao Đà Nẵng thi hành lệnh này và giải bị can đến TP Đà Nẵng để thụ lý vụ án”. 

“Tất cả các giấy triệu tập và lệnh bắt đều được đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ máy tính làm scan, và quy trình gửi giấy triệu tập hoàn toàn sai so với quy định pháp luật. Cụ thể là, các đối tượng đều gửi qua mạng xã hội như zalo hoặc facebook. Có một điều nữa mà người dân hết sức cảnh tỉnh với các thủ đoạn lừa đảo này là, giả sử cơ quan CA có gửi một giấy triệu tập, hoặc lệnh gì thì trong quá trình điều tra, cán bộ an ninh tuyệt đối không trao đổi qua mạng xã hội”, Thượng tá Nguyên nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đối tượng lừa đảo dưới hình thức này đã chuẩn bị rất kỹ, nhất là việc sử dụng ngôn ngữ điều tra của CA, sau đó tạo bối cảnh gọi báo Tổng đài của ngành CA để thông tin về vụ việc. Cũng có những vụ việc đối tượng biết rất rõ những vi phạm của người mà chúng liên hệ, như có liên quan đến mua bán ma túy, rửa tiền hoặc vi phạm pháp luật khác để hù dọa. Khi chúng đã nắm được tâm lý lo lắng từ người nhận điện thoại, các đối tượng yêu cầu họ tạm thời chuyển ngay một số tiền vào tài khoản của chúng được mạo danh là do cơ quan điều tra ủy quyền để thẩm tra. Thậm chí, đối tượng còn đe dọa, nếu không thực hiện sẽ bị bắt giữ, xử lý.

Từ những vụ việc trên, Thượng tá Nguyên cảnh báo: “Việc đối tượng sử dụng con dấu đúng là giống như mẫu dấu của Cơ quan ANĐT CATP Đà Nẵng, tuy nhiên là dấu scan. Và, tất cả các giấy triệu tập gửi đi đều sai quy trình, nên hoàn toàn là giả mạo, lừa đảo. Những vụ việc này, cơ quan ANĐT cũng đã báo cáo Ban giám đốc CATP và Giám đốc đã có chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ của CATP phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, đồng thời thông tin rộng rãi để người dân cảnh giác, tránh những hậu quả xấu xảy ra ảnh hưởng đến ANTT”.

CÔNG HẠNH