Báo Công An Đà Nẵng

Mạo danh cán bộ để lừa đảo

Thứ ba, 27/03/2018 21:00

Giả danh cán bộ đến nhà dân khảo sát nhằm hỗ trợ xóa nhà tạm, tặng quà cho những hộ nghèo, khó khăn rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chiêu lừa không mới nhưng vẫn liên tiếp có nhiều người sập bẫy. Ngày 25-3, CAH Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, đang phối hợp cùng CAX Bình Quý khẩn trương điều tra, làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa xảy ra trên địa bàn.

Vợ chồng bà Mạnh ngậm ngùi kể lại việc bị lừa.

Theo trình bày của bà Trần Thị Mạnh (1958, trú tổ 3, thôn Quý Thạnh 1, xã Bình Quý, H. Thăng Bình), 10 giờ ngày 23-3, khi bà đang đi công việc gần nhà thì gặp một phụ nữ lạ mặt, tự xưng là cán bộ huyện đến nhà để khảo sát, tặng quà nhân dịp 30-4. “Khi nghe nói tôi cũng bất ngờ nhưng vì có việc phải giải quyết nên tôi bảo cô ấy cứ lên nhà gặp chồng tôi. Tuy nhiên, cô ta nhất quyết bảo đã đến nhà 3 lần rồi nhưng không gặp, có mặt hai vợ chồng thì làm thủ tục nhanh hơn. Để tôi tin, cô ta còn đọc đúng tên tôi, tên chồng, tên các cán bộ tại tổ, thôn, xã cũng như ở huyện rồi nói tôi lên xe chở về vì đoàn khảo sát sắp tới” - bà Mạnh trình bày. Sau đó, vì tin, bà Mạnh lên xe về nhà cùng với nữ “cán bộ”. “Trên đường đi, cô ta còn liên tục chỉ từng nhà và đọc tên đúng nhà của ai, làm nghề gì. Để nắm rõ thông tin như vậy, cô ta đã phải tìm hiểu rất kỹ nhằm lấy lòng tin ở tôi” - bà Mạnh kể tiếp.

Về đến nhà, gặp chồng bà Mạnh là ông Đặng Giáo (1957) cùng đứa cháu gái học lớp 2, vị nữ “cán bộ” liền đặt vấn đề: Tại xã có 9 hộ nằm trong diện được hỗ trợ xóa nhà tạm với mức mỗi hộ 100 triệu đồng, hộ bà Mạnh là hộ cuối cùng làm thủ tục nhận tiền. Vị nữ “cán bộ” nhanh chóng lấy một tập hồ sơ và đọc đúng tên vợ chồng bà Mạnh cũng như năm sinh, quê quán. “Cô ta nói bây giờ phải làm thủ tục nhanh để kịp giải ngân trước 30-4. Hiện, đoàn khảo sát sắp lên nhà giúp gia đình tôi làm thủ tục. Chưa kịp cho chúng tôi trình bày ý kiến, cô ta liền rút điện thoại ra gọi bảo đoàn khảo sát lên nhanh đi, đợi lâu quá” - bà Mạnh nhớ lại. Khi thấy vợ chồng bà Mạnh tin tưởng, nữ “cán bộ” liền nói, để nhận 100 triệu đồng thì vợ chồng chuẩn bị khoảng 20 triệu đồng lo nước non cho thợ xây nhà. “Lúc đó tôi cũng thành thật là chúng tôi làm nông, khó khăn nên không có số tiền lớn như vậy nhưng cô ta nói không có thì đi mượn đâu đó vì đó là “thủ tục” cần thiết trước khi giải ngân. Tôi bảo để tôi gọi con hỏi thử xem nhưng cô ta không cho và nói đây là hỗ trợ vợ chồng tôi nên con cái không liên quan. Tưởng cô ta là cán bộ thật nên tôi mới lấy 5 chỉ vàng cùng 3 triệu đồng vừa bán cặp bò cách đây mấy hôm ra. Theo lời cô ta chỉ lấy ra để chụp hình làm tin là vợ chồng tôi có tiền chứ cô ta cũng không lấy” - bà Mạnh nói.

Sau khi thấy bà Mạnh lấy tiền, nữ “cán bộ” tiếp tục “thả câu” bằng cách giả vờ nói chuyện về những người lãnh đạo địa phương một cách rành rẽ cứ như là cô ta quen biết rất thân. Khi thấy vợ chồng bà Mạnh hoàn toàn tin tưởng, nữ “cán bộ” nói bà Mạnh đi mua nước về tiếp đoàn khảo sát sắp lên đến nhà và bảo ông Giáo đi thay đồ. “Cô ta làm vậy để tìm cách lấy trộm tiền, vàng vợ tôi giấu trong kệ tủ trong phòng, cháu gái tôi cô ta cũng nói đi quét nhà để đón khách. Trong lúc tôi đi thay đồ cô ta đi vào phòng lấy vàng, tiền rồi ra xe bảo với tôi là đi xuống nhà ông Thanh (Trưởng thôn) rồi sẽ quay lại. Đến khi vợ tôi mua nước về không thấy cô ta thì mới hay cô ta đã lấy hết tất cả” - ông Giáo ngậm ngùi. Cũng theo ông Giáo, trong quá trình ông đi thay đồ ra vị nữ “cán bộ” liên tục chê bộ đồ xấu, không hợp rồi bảo ông vào thay bộ đồ khác nhưng không ngờ đó là khoảng thời gian giúp cô ta đạt được mục đích.

Theo mô tả của vợ chồng ông Giáo, đối tượng nữ, khoảng 30 tuổi, cao chừng 1,5m, đi xe máy, mang đôi giày bata và nhuộm tóc màu nâu đen. Ngay khi sự việc xảy ra, CAX Bình Quý, CAH Thăng Bình đã có mặt tại hiện trường để nắm thông tin. CQĐT cho biết, việc giả danh cán bộ đã là chiêu lừa quá cũ nhưng nhiều người nhẹ dạ vẫn sập bẫy. Các đối tượng thường lựa những gia đình không có con cái ở nhà, ở nơi vắng vẻ, xa khu dân cư và ít người qua lại để dễ dàng thực hiện hành vi. Với vợ chồng bà Mạnh, chỉ làm nông, điều kiện gia đình khó khăn nhưng đối tượng vẫn thực hiện hành vi lừa đảo. Hơn nữa, bà Mạnh vốn là người cảnh giác, việc gì cũng gọi thông báo cho con cái trước nhưng các đối tượng vẫn có nhiều “chiêu” để khiến vợ chồng bà nghe theo.

Thời gian qua, liên tiếp nhiều vụ lừa đảo tương tự đã xảy ra trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng, điển hình như: ông Ngô Văn Dầu (1925, tuổi trú xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc) bị lừa 26 triệu đồng cùng 3 chỉ vàng; ông P.Q.T (1949, trú xã Điện Thọ, TX Điện Bàn) bị lừa 50 triệu đồng hay như bà Nguyễn Thị Chín (1947, trú thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, Đà Nẵng) bị lừa 20 triệu đồng… Vì vậy, CQĐT đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, cần báo cáo chính quyền địa phương, lực lượng CA xác minh khi có đối tượng lạ mặt đến nhà đề nghị đưa tiền làm thủ tục nhận các chế độ chính sách; cần tránh sơ hở đề phòng các đối tượng lợi dụng trộm cắp.

PHI NÔNG