Báo Công An Đà Nẵng

Màu sắc của các cuộc biểu tình trên thế giới

Thứ hai, 24/12/2018 19:09

Hàng nghìn cuộc biểu tình lớn nhỏ đã xảy ra khắp các nơi trên thế giới trong những năm qua với nhiều mục đích như phản đối chính quyền, đòi quyền lợi cho nhân dân... Nếu để ý, chúng ta có thể nhận ra rằng, đều có một màu sắc nổi trội nhất định gắn liền với những cuộc biểu tình này.

Người biểu tình mặc áo gi-lê vàng diễu hành trên đại lộ Champs-Elysees ở Paris, Pháp.                 Ảnh: AP

Sắc vàng nổi trội

Màu sắc này khiến nhiều người liên tưởng đến các cuộc biểu tình của phong trào "Áo Vàng" đã bao phủ khắp nước Pháp trong thời gian gần đây. Những người biểu tình mặc áo vàng chặn các đường cao tốc từ Provence đến Normandy, và gây bạo loạn ngay tại thủ đô Paris. Làn sóng biểu tình phản đối tăng giá nguyên liệu từ Pháp đã lan sang các nước Châu Âu khác và chưa có dấu hiệu dịu đi, gây nhiều thách thức cho Tổng thống Emmanuel Macron. Phong trào trên lấy tên theo những chiếc áo gi-lê phản quang màu vàng mà tất cả các tài xế tại Pháp đều phải mặc khi lái xe. Đối với những người biểu tình, những chiếc áo khoác này thể hiện một gánh nặng phiền toái mà chính phủ Pháp đã áp đặt cho người dân, vì vậy họ đã chọn đồng phục để thể hiện sự tức giận của họ về thuế, giá nguyên liệu và những bất bình khác.

Trước đó vào tháng 10-2014, Hồng Kông bị bao phủ bởi cái nóng hừng hực từ những cuộc biểu tình và màu vàng rực từ hàng ngàn, hàng triệu chiếc ruy băng được cột khắp nơi, từ hàng rào, cột điện, cửa nhà cho đến cả trên cổ tay. Cùng với ruy băng vàng, những chiếc dù đang trở thành biểu tượng cho cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Hay phải kể đến cuộc cách mạng vàng ở Philippines năm 1986. Ngày 21-8-1983, sau 3 năm sống lưu vong tại Mỹ, lãnh đạo phe đối lập Philippines, ông Benigno "Ninoy" Aquino Jr. bị ám sát sau khi bước xuống một chuyến bay thương mại của Đài Loan tại Sân bay quốc tế Manila. Vụ ám sát gây sửng sốt và xúc phạm nhiều người Philippines trong khi những người ủng hộ ông đang mặc áo, mũ và ruy băng màu vàng tiến hành xuống đường biểu tình để phản đối chính phủ. Theo những người biểu tình, màu vàng được lấy cảm hứng từ đĩa đơn bán chạy nhất năm 1973  "Tie a Yellow Ribbon Round the Ole Oak Tree", một bài hát về một cựu tù nhân tự hỏi liệu anh ta có còn được chào đón trở về nhà không.

Xanh lá cây quyền lợi

Gần đây, một làn sóng biểu tình mạnh mẽ đang diễn ra khắp quê hương của Giáo hoàng Francis, nhằm ủng hộ phụ nữ Argentina được phép phá thai trong 14 tuần đầu của thai kỳ. Những người biểu tình đã tổ chức các cuộc biểu tình rộng rãi trên đường phố Argentina với những chiếc khăn tay màu xanh lá cây tượng trưng cho phong trào.

Một cuộc cách mạng màu xanh lá cây cũng diễn ra ở Iran năm 2009 khi hàng chục nghìn người đã phát động một cuộc biểu tình diện rộng để ủng hộ ứng cử viên thất cử Hossein Mousavi. Những người này cho rằng, gian lận đã xảy ra tràn lan trong cuộc bầu cử ngày 12-6-2009 khi Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử với 2/3 số phiếu. Phần lớn người biểu tình mặc đồ đen, đeo dải băng xanh trên đầu - màu tranh cử của ông Mousavi.

Màu saffron ôn hòa

Cuộc cách mạng Saffron được các nhà sư lãnh đạo diễn ra trên khắp Myanmar vào tháng 9-2007 và màu áo choàng màu saffron các các tu sĩ đã khiến cuộc cách mạng trở nên nổi tiếng. Các cuộc biểu tình hòa bình đã bị dập tắt một cách dã man bởi quân đội chính phủ, khiến 31 người thiệt mạnh trong đó có nhiều nhà sư.

Những sắc màu khác

Bên cạnh ba sắc màu kể trên, một số sắc màu nổi trội khác cũng xuất hiện trong các cuộc biểu tình tại một số nước trên thế giới. Đáng kể nhất chính là màu đỏ và màu vàng ở Thái Lan. Phe Áo đỏ và phe Áo vàng lần lượt đại diện cho hai phe chính trị đối lập ủng hộ và chống lại ông Thaksin Shinawatra, thủ tướng bị lật đổ trong một vụ đảo chính quân sự hồi tháng 9-2006. Theo đó, áo vàng bắt nguồn bản sắc của đất nước Thái Lan và màu sắc liên quan đến cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Trong khi đó, màu đỏ là màu của quốc kỳ Thái đại diện cho quốc gia.

"Cách mạng Cam" đã nổ ra ở Ukraine vào ngày 21-11-2004. Trước những cáo buộc về gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống, hàng trăm nghìn người ủng hộ ông Vikto Yushchenko đã dùng màu cam - biểu tượng tranh cử của ông - xuống đường phản đối kết quả bầu cử. Các cuộc biểu tình rầm rộ buộc chính quyền phải hủy bỏ kết quả và tiến hành một cuộc bầu cử mới mà sau đó ông Yushchenko giành chiến thắng. Chiến thắng của ông Yushchenko được coi là đã khởi xướng một cuộc cách mạng mới - Cách mạng Cam - hứa hẹn sẽ giúp Ukraine tiến hành những cải cách để đưa đất nước bước vào một giai đoạn mới tự do, dân chủ và tốt đẹp hơn.

TUỆ KHANH