Máy bay quân sự Chile rơi khi trên đường đến Nam Cực
Hãng tin NBC New York ngày 10-12 cho biết, máy bay vận tải quân sự của Chile đã rơi khi đang trên đường tới một căn cứ tại Nam Cực. Hải quân Chile cũng đã xác nhận thông tin này.
Máy bay Hercules C-130 của Chile. Ảnh: AFP |
Trước đó, Lực lượng Không quân Chile cho biết, máy bay vận tải Hercules C130 của nước này mất tích khi đang thực hiện lộ trình tới một căn cứ tại Nam Cực. Cụ thể, máy bay này cất cánh lúc 16 giờ 45 ngày 9-12 (khoảng 3 giờ ngày 10-12 - giờ Việt Nam) từ thành phố Punta Arenas, miền Nam Chile, và mất liên lạc lúc 18 giờ. “Máy bay C-130 Hercules cất cánh lúc 16 giờ 55 từ thành phố Punta Arenas đến Căn cứ President Eduardo Frei”, một tuyên bố của Không quân cho biết. Không quân cho biết tuyên bố “tình trạng báo động” về việc mất liên lạc lúc 18 giờ 13 và đã bắt đầu chiến dịch giải cứu với máy bay và tàu Hải quân Chile.
Tổng cộng 38 người, gồm 17 thành viên phi hành đoàn và 21 hành khách, có mặt trên máy bay. Tổng thống Sebastian Pinera của Chile, quốc gia chứng kiến tình trạng bất ổn dân sự tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, viết trên Twitter rằng đã đến Punta Arenas cùng với Bộ trưởng Nội vụ Gonzalo Blumel. Cả hai gặp Bộ trưởng Quốc phòng Alberto Espina để theo dõi nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ.
Căn cứ không quân Eduardo Frei Montalva là căn cứ lớn nhất trong số 4 căn cứ cố định của Chile tại lục địa băng tuyết Nam Cực. Đây là nơi Chile có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở một số khu vực thuộc quần đảo Nam Shetland, bán đảo Nam Cực và nhiều hòn đảo lân cận khác. Căn cứ không quân Eduardo Frei Montalva có sự hỗ trợ của một cộng đồng dân cư nhỏ là xã Villa Las Estrellas, với số dân khoảng 150 người.
Chiếc máy bay 4 động cơ cất cánh từ căn cứ không quân Chabunco ở Punta Arenas, cách thủ đô Santiago khoảng 3.016 km về phía nam. Nó chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ hậu cần và chuyển nhân viên đến căn cứ Nam Cực để kiểm tra đường ống cung cấp nhiên liệu nổi của căn cứ và thực hiện xử lý chống ăn mòn cho cơ sở. Hiện tại chưa thể xác định vị trí cũng như tình trạng của những người trên máy bay.
Vụ việc lần này càng làm thổi bùng những chỉ trích nhằm vào chính quyền của Tổng thống Sebastian Pinera, vốn đang đối mặt với làn sóng phản đối của người dân trong gần 2 tháng về vấn đề bất bình đẳng xã hội và kinh tế, cũng như giới tinh hoa chính trị cố thủ. Cuộc khủng hoảng và các cuộc biểu tình bạo lực đã khiến 26 người chết và hơn 12.000 người bị thương, theo Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (OAS). Tổng thống Pinera sau đó đã tuyên bố rút không đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị biến đổi khí hậu Cop 25 do tình hình khủng hoảng chính trị diễn biến nghiêm trọng này.
Thậm chí, Chile điều tra khả năng có sự can thiệp trực tiếp mang tính quốc tế vào làn sóng biểu tình xảy ra từ hôm 18-10 tại nước này, do có một lưu lượng truy cập Internet cao đột biến từ một quốc gia Đông Âu trong thời gian khủng hoảng xã hội. Phát biểu tại một buổi họp báo, Ngoại trưởng Chile Teodoro Rivera ngày 3-12 cho biết, Santiago de Chile đang điều tra về khả năng đã chỉ trích những hành vi lập tài khoản giả mạo và truy cập Internet quá mức vào Chile từ một quốc gia Đông Âu, nhưng không chỉ rõ là nước nào.
KHẢ ANH