Máy in 3D của sinh viên bách khoa
(Cadn.com.vn) - Với mục đích đem công nghệ in 3D đến gần hơn với người Việt, nhóm 3 sinh viên Khoa Cơ khí - ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy in chi tiết nhựa 3D với giá thành rẻ hơn 4 - 5 lần các loại máy in 3D khác trên thị trường hiện nay.
Nhóm sinh viên nhận giải Nhất tại Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu khoa học ĐH Bách khoa. |
In 3D là công nghệ mới, đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới ở rất nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, quân sự... Tuy nhiên, ở nước ta, việc nhập khẩu linh kiện và lắp ráp nên một chiếc máy in 3D có giá thành quá cao nên công nghệ in 3D chưa được phổ biến, vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người.
Với lòng nhiệt thành và đam mê nghiên cứu, sáng tạo của những người yêu công nghệ, 3 chàng trai Cao Đăng Khoa, Phạm Xuân Phương, Trương Minh Vũ (cùng học lớp 10CDT1 khoa Cơ khí ĐH Bách khoa Đà Nẵng) đã lên ý tưởng và mày mò trong 3 tháng để cho ra đời chiếc máy in 3D "made in Vietnam", sử dụng những nguyên liệu có sẵn, tận dụng động cơ cũ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm làm ra đạt chuẩn không thua kém gì các sản phẩm được in từ máy in 3D "xịn".
Chiếc máy in 3D "made in Vietnam" với thiết kế nhỏ gọn. |
Trương Minh Vũ cho biết: "So với những máy có cùng công suất, tốc độ in, chất lượng in thì máy in 3D do nhóm chế tạo có giá thành rẻ hơn từ 4 - 5 lần. Giá thị trường của một chiếc máy in 3D hiện nay khoảng từ 15 đến 22 triệu đồng, nhưng nhóm chỉ tốn khoảng 4,5 triệu đồng cho việc hoàn thiện máy, đó là kể cả những lần bị lỗi. Nếu chế tạo lần 2, giá thành có thể còn rẻ hơn rất nhiều". Sở dĩ máy in 3D của nhóm sinh viên Bách khoa có giá rẻ hơn nhiều lần so với các loại máy khác trên thị trường là do biết cách tận dụng linh kiện từ các sản phẩm phế thải. Thay vì mua những thứ sẵn có với giá đắt đỏ về lắp ráp, các sinh viên đã chọn... chợ trời, nơi dễ dàng tìm thấy mọi thứ có thể đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của mình.
Chiếc máy in 3D nhỏ gọn của 3 chàng sinh viên làm ra có cấu tạo đầy đủ, từ thanh trượt, trục inox, bộ truyền, bộ vít đai ốc, dây cua-roa, mạch điều khiển cho tới bàn gia nhiệt, màn hình LCD... Máy có kết cấu vững chắc, chống chịu được va đập mạnh, hoạt động theo nguyên lý chồng từng lớp vật liệu lên nhau để tạo nên một vật thể hoàn chỉnh trong không gian 3D theo yêu cầu của người thiết kế. Để làm ra một sản phẩm in 3D từ máy này, người sử dụng thiết kế các sản phẩm 3D bằng các phần mềm chuyên dụng như Solidword, Pro-engineer, Sketchup..., sau đó xuất file có định dạng .STL, lưu vào thẻ nhớ SD card hoặc USB rồi cắm vào máy in thông qua bộ điều khiển LCD và biến trở để tiến hành in. Hoặc khi thiết kế xong sản phẩm, người sử dụng có thể điều khiển trực tiếp trên máy tính bằng sự kết nối qua cổng USB. Tùy vào kích thước và độ phức tạp của vật thể mà thời gian in có thể nhanh hay chậm.
Sản phẩm mẫu được in từ máy in 3D do các bạn sinh viên chế tạo. |
Bằng chiếc máy in 3D này, nhóm sinh viên đã cho in ra các sản phẩm nhựa với chất lượng tốt, mịn đẹp như mô hình tháp Eiffel, tượng Nữ thần Tự Do, logo khoa, logo trường, in bánh răng, khớp nối, bàn gá cơ động... Sản phẩm sau khi in có hình dáng và kích thước giống hoàn toàn như khi thiết kế ở phần mềm. "Nhóm vẫn muốn cải tiến để sản phẩm có chất lượng tốt hơn nữa, không phân biệt được cái nào là in bằng máy in đắt tiền, cái nào là in bằng máy do mình thiết kế, lúc đó mới thực sự hài lòng", Cao Đăng Khoa chia sẻ. Hiện tại, máy in 3D của nhóm chỉ áp dụng với nguyên liệu sợi nhựa. Nếu muốn in chi tiết bằng kim loại, bê-tông... thì chỉ cần đưa vào máy sẽ cho ra sản phẩm bằng chính thành phần đó nếu chế tạo tương tự.
"Quá trình làm ra sản phẩm còn mắc khá nhiều lỗi, nhóm phải suy nghĩ nhiều ngày và cải thiện từ từ mới cho ra được sản phẩm hoàn chỉnh như bây giờ", Trương Minh Vũ cho biết. Nhờ có sự quan tâm và hỗ trợ từ phía lãnh đạo nhà trường, các thầy cô trong Khoa và sự hướng dẫn trực tiếp của PGS.TS Trần Xuân Tùy - Giảng viên Khoa Cơ khí, đề tài về máy in 3D của các bạn đã đạt giải Nhất tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng 2015, giải Nhất - giải Công nghệ tại Triển lãm sản phẩm công nghệ ĐH Bách khoa Techshow 2015 do Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng và Sở Khoa học Công nghệ Đà Nẵng trao tặng.
Trước thành công này, nhóm sinh viên rất muốn nhân rộng và phát triển máy in 3D ra thị trường. Tuy nhiên, do điều kiện về vốn còn khó khăn nên ước mơ này của nhóm đành tạm gác lại.
Thảo Vy