Máy in cho người mù
(Cadn.com.vn) - Nếu nhắm mắt lại, bạn sẽ đọc sách thế nào? Câu trả lời là không thể? Hãy đặt mình trong hoàn cảnh ấy để biết chia sẻ với người mù. Nhưng, điều tuyệt vời là nếu người mù muốn, họ vẫn có thể đọc sách, những trang sách được làm ra bởi một chiếc máy in đặc biệt. Đây là sáng tạo đầy tính nhân văn của một nhóm học sinh lớp 12A5 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng).
Ba mẹ làm nghề photocopy, dịch vụ máy tính tại gia nên Nguyễn Thiện Nhân được tiếp xúc với mực in, máy tính từ khá sớm. Có lẽ vì lý do đó mà khi thi vào trường Lê Quý Đôn, cậu đã chọn học chuyên tin. Với đam mê sáng tạo, Nhân luôn ấp ủ dự định sẽ làm một công trình gì đó thật ấn tượng trong quãng thời gian học phổ thông. Điều thú vị là trong lớp có Nguyễn Trần Duy Kha cũng mê sáng tạo, sẵn sàng kết hợp cùng Nhân để chia sẻ đam mê.
Sáng tạo đầu tiên mà bộ đôi này kết hợp liên quan đến chuyên môn mà các em đang theo đuổi, đó là phần mềm giúp học tập thông qua công nghệ thực tế ảo. Với phần mềm này, các bài giảng sẽ được tích hợp thông qua công nghệ 3D, sinh động, cuốn hút, qua đó giúp học sinh tiếp cận bài học hiệu quả hơn. Với sáng tạo đầu tay này, năm 2014, bộ đôi đã rinh về nhiều giải thưởng giá trị như giải Nhất thi tin học thành phố, giải Nhì cấp thành phố và khuyến khích cấp quốc gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Các giải thưởng này là sự khích lệ rất lớn để Nhân và Kha tiếp tục tìm tòi các ý tưởng sáng tạo mới.
Nhân và Kha đang thử nghiệm chạy máy in cho người mù tại Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc dành cho thanh thiếu niên năm 2015. |
Dịp nghỉ hè vừa qua, Nhân tình cờ gặp một bạn học sinh khiếm thị, được nghe kể về quá trình học tập rất vất vả. Đặc biệt, bạn ấy rất muốn đọc sách, tài liệu, nhưng việc kiếm cho được một cuốn sách, các trang tài liệu bằng chữ nổi quả không dễ. Bạn ấy mong ước có một chiếc máy in nhỏ để có thể in được những bài học từ trên mạng Internet xuống ngay tại nhà mình. Câu chuyện của người bạn khiếm thị khiến Nhân rất trăn trở.
Cậu nghĩ mình phải làm cho được một chiếc máy in nhỏ để người mù có thể đặt tại nhà và in tài liệu đọc được một cách dễ dàng, thuận tiện. Chia sẻ ý tưởng với Kha, cả hai đã suy tính rất nhiều trước khi quyết định sẽ mày mò làm ra chiếc máy in nhỏ dành cho người mù, dù biết rằng đây là công việc không hề dễ dàng. Việc đầu tiên, cả hai đến trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) để tìm hiểu quá trình học tập của các bạn khiếm thị, các loại sách, tài liệu chữ nổi mà các bạn thường dùng. Từ các kiến thức thu thập được, cả hai bắt tay ngay vào sáng tạo.
Để làm một chiếc máy in cần các phần cơ bản là bộ truyền động rút giấy di chuyển, bộ di chuyển đầu kim, các bo mạch được lập trình để điều khiển hoạt động của máy. Về lập trình không phải là thách thức lớn với cả hai, song khó khăn thực sự nằm ở phần cơ khí. Nhân chia sẻ: "Lúc đầu tụi em tự gia công phần cơ khí, máy in vẫn hoạt động, nhưng độ chính xác không cao. Trong khi người mù đọc bằng cảm giác từ các đầu ngón tay nên đòi hỏi độ chính xác cực cao. Về sau tụi em nghĩ ra cách lấy bộ truyền động của máy in bình thường đã hư hỏng để ghép vào. Sau đó, tụi em hoàn thiện thêm các chi tiết và lập trình cho máy chạy. Kết quả đã thành công ngoài mong đợi".
Sau 3 tháng mày mò, chiếc máy in dành cho người mù đã được Nhân và Kha hoàn thiện với các tính năng vượt trội. Điều đặc biệt của máy in này nằm ở bộ phần mềm, nó giúp cho người dùng có thể lưu giữ lại, chia sẻ cho nhau nội dung (khác với những máy chỉ hiển thị các ký tự chữ nổi lên trên một thiết bị rồi sau đó mất đi, người sử dụng sau này muốn xem lại rất khó). Mặt khác, với bộ phần mềm này, chỉ cần chụp ảnh trang sách hoặc tài liệu, nó sẽ tự động giúp người dùng chuyển thành dạng văn bản, người dùng có thể chỉnh sửa lại nội dung trước khi in. Thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh đều có thể sử dụng máy in để in tài liệu cho người mù.
Ngay sau khi hoàn thiện, chiếc máy in này đã được gửi tham dự Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2015 và đã giành được giải Ba. Đánh giá về sáng tạo này, hội đồng giám khảo cuộc thi đã nhấn mạnh đặc biệt tới tính nhân văn của sản phẩm. Đồng thời, với mức chi phí sản xuất chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng, khá phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Việt Nam hiện có 409 ngàn người mù (thế giới 39 triệu người mù) nên nhu cầu đọc sách, tài liệu với người mù rất lớn và thiết thực. Bởi vậy, việc tạo ra một máy in rẻ tiền, nhỏ gọn, phù hợp với điều kiện dùng của cá nhân người khiếm thính là một sáng tạo hữu ích, đầy tính nhân văn.
Hải Quỳnh