Báo Công An Đà Nẵng

Mê hoặc Sâm Ngọc Linh...

Thứ ba, 22/06/2021 17:12

Sau một năm trở lại “thủ phủ sâm Ngọc Linh” (xã Trà Linh, H. Nam Trà My, Quảng Nam), chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước những ngôi nhà đồ sộ nằm dọc đường lên các vườn sâm. Những cái tên như ông Du, ông Lượng, ông Hạnh... mỗi năm thu hoạch hàng chục tỷ đồng từ sâm Ngọc Linh không còn xa lạ với người dân địa phương.

Những ngôi biệt thự mọc lên dưới chân núi Ngọc Linh. 

Những ngày giữa tháng 5, trời nắng như đổ lửa. Thế nhưng khi đặt chân đến vùng núi Trà Linh, cái nóng dường như tan biến. Thay vào đó là khí hậu mát mẻ, se lạnh. Mùa này, hầu như chiều nào Trà Linh cũng đổ mưa. Người dân địa phương cho hay, do thời tiết nơi đây ảnh hưởng của khí hậu Tây Nguyên nên sáng nắng, chiều mưa. Bởi vậy, thời điểm này cũng là mùa tỉa lúa của người đồng bào Xê Đăng nơi đây. Theo phong tục bao đời nay, cứ nhà nào chọn ngày tỉa lúa thì dân trong làng đến giúp. Rẫy nhỏ thì 5-7 người, rẫy lớn đến cả năm bảy chục người. Họ làm theo kiểu trả công - ngày hôm nay anh làm cho nhà tôi thì hôm sau tôi lại đến tỉa lúa cho nhà anh. Cứ thế… người dân nơi đây sống với nhau rất tình cảm. Để đãi khách tỉa lúa cho nhà mình, tùy vào số lượng người nhiều hay ít, gia chủ sẽ chuẩn bị gà, vịt, heo… để đãi khách bữa cơm cuối ngày. Và trong bữa tiệc đó, không thể thiếu những ché rượu cần đầy mê hoặc…

Song, ở khu vực núi Ngọc Linh này, có thứ còn mê hoặc lòng người hơn cả rượu cần. Đó chính là sâm Ngọc Linh. Bởi vậy, những năm gần đây, nhờ sự trợ giúp của Nhà nước, hầu như nhà nào ở dưới chân núi Ngọc Linh cũng tham gia trồng sâm Ngọc Linh với hy vọng thoát nghèo. Không những thoát nghèo, mà trong đó có nhiều hộ đến nay trở thành “đại tỷ phú” mà nhiều tỷ phú ở đồng bằng khó mà sánh kịp.

Phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng trò chuyện với ông Hồ Văn Du bên ngôi nhà mới xây.

Điển hình đó là ông Hồ Văn Lượng (thôn 2, xã Trà Linh). Mùa sâm Ngọc Linh năm vừa qua, ông Lượng thu hoạch được 400 lon hột. Mỗi lon tầm 1.000 hạt, mỗi hạt giá thị trường 100 ngàn đồng, vị chi mỗi lon có giá khoảng 100 triệu đồng. Như vậy riêng hạt sâm Ngọc Linh ông Lượng đã thu về 40 tỷ đồng/năm. Đó là chưa nói đến thu hoạch lá và củ sâm được bán ra mỗi khi gia đình cần tiền.

Ở vùng này, không ai biết được ông Lượng có tổng cộng bao nhiêu héc-ta sâm Ngọc Linh. Đó là điều bí ẩn và thiêng liêng đối với người dân nơi đây. Họ coi vườn sâm như nguồn sống, không cho bất cứ người lạ nào vào, ngoại  trừ những người họ đặc biệt tin tưởng. Có nhiều tiền, ông Lượng xây nhà, mua sắm ô-tô cho bản thân và con cái. Nếu như năm 2016, ông xây cho gia đình mình một lúc 3 cái nhà trị giá gần chục tỷ đồng ở làng cũ thì nay ông tiếp tục xây thêm gian nhà liền kề hơn chục tỷ nằm ngay đường lên vườn sâm. “Nhà ở làng cũ xa vườn sâm quá nên không thuận tiện. Nay nhà nước mở đường lớn lên đến gần vườn sâm, nên tôi phải xây nhà trên này cho con cái ở để chăm sóc vườn sâm thuận lợi hơn”. ông Lượng hồ hởi.

Những vườn sâm trên núi Ngọc Linh.

Nhìn gian nhà đồ sộ của ông Lượng nằm lưng chừng đồi, không ai nghĩ người đàn ông người Xê Đăng này lại là chủ nhà. Cách đó vài trăm mét là ngôi nhà của gia đình ông Hồ Văn Huấn. Để có được mặt bằng xây nhà này, năm ngoái ông Huấn đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây bờ kè. Tuy nhiên mùa mưa cuối năm đã làm bờ kè sạt sở nhiều đoạn. Do vậy năm nay ông Huấn tiếp tục xây dựng bờ kè kiên cố hơn. Nhìn những lớp bờ kè với các khối bê-tông dày nửa mét, ta-luy cũng được đổ bê-tông kiên cố có thể thấy được quy mô đầu tư của gia chủ. Chưa kể đến ngôi biệt thự hai tầng đang trong giai đoạn hoàn thiện mà trị giá gia chủ tiết lộ không dưới 5 tỷ đồng. 

Chỉ riêng bờ kè, ông Hồ Văn Huấn đã mất kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Trên đường đi, chúng tôi thấy một biệt thự mới vừa “mọc” lên nên tấp vào hỏi thăm. Thì ra đây là ngôi nhà của vợ chồng ông Hồ Văn Du. Ông Du không còn xa lạ gì với chúng tôi, bởi ông được xem là một trong những người trồng sâm lâu năm nhất ở Trà Linh. Trong những chuyến công tác lên đây, chúng tôi đều ghé thăm nhà ông để hỏi thăm sức khỏe và những câu chuyện về sâm. Thế nhưng lần này, ngôi biệt thự đồ sộ trên đã làm chúng tôi phải giật mình. “Nhà này mình làm đúng một năm. Bắt đầu khởi công tháng 3-2020, làm đến cuối năm thì gặp mưa lũ lớn nên phải dừng lại. Không kịp có nhà mới để ăn Tết. Ra Tết thợ tiếp tục làm. Đến tháng 3 vừa rồi thì bàn giao mình vào ở”- ông Du hồ hởi nói.

- Nhà này mình làm hết bao nhiêu ký sâm vậy “bố”?

- Không trả bằng sâm đâu, mình trả bằng tiền mặt đó. Hết 3 tỷ đồng!

- Ở nhà này so với nhà ván trước đây thì nhà nào sướng hơn?

- Nhà này chứ. Mùa hè ở mát lắm, còn mùa đông thì ấm. Vợ chồng tôi thích lắm!...

Có thể thấy, Trà Linh đang đổi thay từng ngày. Những bản làng tranh tre, nứa lá nay đã dần thay bằng tường xây, mái ngói. Và tất cả những thứ họ có được như ngày hôm nay chính là nhờ vào thứ mê hoặc lòng người – sâm Ngọc Linh. 

TRẦN TÂN

Tháng 9-2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của Nam Trà My với 30.000ha, đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Đầu tháng 6-2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia. Nam Trà My hiện có 1.500ha sâm Ngọc Linh và hơn 1.500 hộ dân thuộc 7 xã đang đăng ký trồng thêm 2.500ha; hiện có hàng chục doanh nghiệp trồng hàng trăm héc-ta sâm. Giá sâm củ giao động từ 100 đến 200 triệu đồng, tùy thuộc lớn, nhỏ.