Mẹ Teresa được phong Thánh
(Cadn.com.vn) - Ngày 4-9, hàng chục ngàn người hành hương đã đến Quảng trường St. Peter để chứng kiến Thánh Lễ và phong thánh cho Mẹ Teresa, người được tôn kính vì đã giúp đỡ người nghèo Ấn Độ và trở thành biểu tượng của Giáo hội Công giáo.
Giáo hoàng Francis chủ trì lễ phong thánh long trọng với sự hiện diện của 100.000 người hành hương và bức chân dung khổng lồ của Mẹ Teresa mỉm cười ở Quảng trường St. Peter. "Sau khi cân nhắc và nhiều giám mục tư vấn, chúng tôi khai báo và vinh danh Chân phước Teresa Calcutta là một vị thánh và ghi danh bà trong số các vị thánh, Giáo hoàng Francis cho biết. Giáo hoàng Francis cũng bày tỏ lòng kính trọng người phụ nữ mà ông coi như hiện thân của tầm nhìn về một "Giáo hội nghèo vì người nghèo".
Ảnh Mẹ Teresa được treo trên Quảng trường St. Peter. Ảnh: CNN |
Được ca ngợi trên toàn thế giới
Mẹ Teresa sinh năm 1910 với tên khai sinh là Agnese Gonxha Bojaxhiu. Bố mẹ bà là người Albania. Bà lớn lên tại khu vực mà hiện nay là thủ đô Skopje của Macedonia, một phần của Đế quốc Ottoman.
19 tuổi, bà gia nhập Dòng Đức Bà Lorette tại Ireland và vào năm 1929 bà được gửi đến Ấn Độ để dạy tại một trường học ở Darjeeling dưới cái tên Therese. Năm 1946, bà chuyển tới Kolkata để giúp những người khốn cùng và sau một thập kỷ, bà lập nhà tế bần và nhà dành cho trẻ bị bỏ rơi.
Năm 1950, bà lập Dòng Thừa sai Bác ái. Hình ảnh các nữ tu trong trang phục sari trắng-xanh đã trở thành quen thuộc trên toàn thế giới. Đến thập niên 1960, Dòng Thừa sai Bác ái lập các nhà điều dưỡng, trại mồ côi, và trại phong trên khắp Ấn Độ, rồi phát triển trên khắp thế giới. Đến lúc Mẹ Teresa qua đời, tổ chức từ thiện này đang điều hành 610 cơ sở truyền giáo tại 123 quốc gia, trong đó có các nhà tình thương có người mắc AIDS, cũng như bệnh nhân phong và lao, các bếp ăn từ thiện, các chương trình tư vấn cho gia đình và trẻ em, các trại mồ côi, và trường học. Dòng tu này hiện có khoảng 4.500 nữ tu trên toàn thế giới.
Mẹ Teresa nhận giải Nobel hòa bình năm 1979 vì những gì bà đã làm nhằm tôn vinh giá trị và phẩm giá con người, đồng thời truyền cảm hứng cho những nỗ lực giải quyết đói nghèo. Bà được thế giới tôn kính như một ngọn hải đăng về các giá trị Kitô giáo sự hy sinh và từ thiện. Bà qua đời năm 1997 sau khi dành cả cuộc đời chăm sóc cho hàng trăm ngàn người vô gia cư nghèo ở Kolkata.
2 phép lạ
Để được phong Thánh, trước đó, bà được Giáo hoàng John Paul II phong chân phước năm 2003. Để được điều này đòi hỏi Vatican phải công nhận hai phép lạ Mẹ đã thực hiện.
Người đầu tiên công nhận là một phụ nữ Ấn Độ tên Monica Besra. Năm 2002, bà này cho biết, mình đã khỏi bệnh ung thư buồng trứng 1 năm sau khi Mẹ Teresa qua đời nhờ cầu khấn Mẹ Teresa. Lần thứ hai, ông Marcilio Haddad Andrino, người Brazil cho biết vợ ông đã cầu khấn Mẹ Teresa nên các khối u não của ông biến mất. Trong cuộc họp báo tại Vatican hôm 1-9, ông Andrino cho biết: "Tôi vô cùng biết ơn nhưng không cảm thấy mình là người đặc biệt. Nếu không phải tôi thì cũng sẽ có người khác nhận được phép lạ. Mẹ Teresa không phân biệt những người cần giúp đỡ".
An Bình
(Theo AFP, AP)