Mẹ Thứ trong tôi
Tôi có may mắn được chứng kiến cuộc sống đời thường của mẹ Thứ những năm tháng cuối đời. Đó là thời gian tôi từ Đà Nẵng về công tác ở Đài Truyền thanh Điện Bàn (Quảng Nam). Ấn tượng sâu đậm có lẽ trong đời tôi chưa từng gặp một người mẹ Việt Nam Anh hùng nào lại đẹp lão đến vậy. Từ lần đầu tiên ấy rồi những lần sau đó tôi vẫn thường chạy xe máy về thăm mẹ. Đúng là, tuổi hạc sương mai, tuổi già như chuối chín cây. Tôi đã trực tiếp nhìn thấy mẹ mỗi ngày một yếu dần, với chiếc xe lăn, đẩy quanh diện tích mấy chục mét vuông trong nhà, rồi ngày mẹ nằm mỏng tang trên giường như chiếc lá khô…
Và ngày những dải vải trắng se sắt thắt vào thân những cây mít, cây cau, cây nhãn trong vườn để tang cho mẹ.
Còn nhớ trước ngày mẹ Thứ mất hai năm, người lãnh đạo cao nhất Đảng ta lúc đó trong lần về Quảng Nam đã đến xóm Rừng, thôn Thanh Quýt để thăm mẹ Thứ.Cầm tay mẹ, vị lãnh đạo đã xúc động nói: "Mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho chúng con vững bước. Mẹ là mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Mẹ Thứ lúc đó cũng như bây giờ và mãi mãi về sau là bà mẹ Việt Nam Anh hùng chịu nhiều hy sinh nhất và cũng sống lâu nhất trong số những bà mẹ Việt Nam Anh hùng của đất nước. Thật sự, tôi không bao giờ hiểu hết những khắc nghiệt mà mẹ đã trải qua, những hy sinh mất mát quá sức chịu đựng của một con người mà mẹ đã gánh chịu. Những nỗi đau không biết có nỗi đau nào hơn thế nữa. Còn có nơi đâu trên trái đất này, còn có người mẹ nào như mẹ Thứ ở Quảng Nam. Vì độc lập tự do của dân tộc mẹ đã hiến dâng cả đàn con cho đất nước…, và rồi tất cả nỗi đau đều dồn nén vào lòng mẹ. Mẹ Thứ đã vĩnh viễn ra đi cách đây gần 14 năm vào thời điểm tôi không thể nào quên được. Đó là 10 giờ sáng 14-12-2010.
Hay tin mẹ mất, từ mọi miền khắp đất nước, hàng đoàn người nhẹ nhàng đến để tiễn mẹ về với cõi vĩnh hằng, về gặp các con, cháu của mẹ. Đúng là từ nhỏ đến lớn, tôi mới chứng kiến một đám tang mà các con của mẹ từ miền châu thổ sông Hồng đến tận Cà Mau đã về với mẹ bằng tấm chân thành, nghĩa cử thật đẹp đẽ. Mẹ mất cả tháng rồi mà vẫn còn những đoàn người có lẽ vì bận rộn công việc mới sắp xếp được thời gian để đến viếng mẹ.
Ai đó nói rằng, từ ngàn đời qua, niềm hạnh phúc tự hào lớn nhất của mỗi chúng ta chính là tổ quốc anh hùng và những người mẹ anh hùng. Thế hệ hôm nay được hưởng hạnh phúc trong hòa bình mới hiểu rằng, không gì có thể đền đáp hết công lao to lớn và đức hy sinh cao cả của các mẹ, những người đã âm thầm hiến dâng những gì quý giá nhất của đời mình cho nền độc lập tự do của đất nước.
Chiến tranh lùi xa, gần 1/2 thế kỷ, mọi miền quê đâu đâu cũng trở mình với cuộc hồi sinh kỳ vĩ trên những mất mát đau thương mà cả dân tộc đã phải gánh chịu. Song đó chưa phải là dấu chấm hết cho những câu chuyện, những số phận đã đi qua chiến tranh. Hòa bình như một nốt nhạc trầm để lắng lại cả một thời hoa lửa, lắng lại những khúc ca bi tráng một thời…
Bởi trong mỗi xóm thôn, dưới bóng cây đa, bến nước, sân đình, yên bình như một khúc ca dao ấy có biết bao bà mẹ lần lượt tiễn hết người con này lại đến người con khác ra trận …, nhưng khi đất nước hòa bình thì không một ai còn, để trở về với mẹ. Những người mẹ bằng xương bằng thịt, có thật trên cuộc đời mà như huyền thoại.
Ngôi nhà của mẹ Nguyễn Thị Thứ ở xóm Rừng năm xưa nay đã là di tích lịch sử. Cùng với các tấm hình những người con của mẹ, giờ đây chính giữa gian thờ có thêm tấm hình của mẹ ấm cúng trong làn khói hương, trong nghĩa tri ân mà cháu con cũng như người dân ở mọi miền đất nước khi về với khúc ruột miền Trung, về với mảnh đất Quảng Nam nơi “chôn nhau cắt rốn” của mẹ.
Cạnh nhà Mẹ Thứ là nhà bà Lê Thị Trị - con gái Mẹ, cũng là một bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Đảng, Nhà nước phong tặng vào ngày 30-4-2007. Bà Trị năm nay tuổi gần 100, sức khỏe yếu hẳn đi từ khi mẹ Thứ qua đời.
Sống cạnh mẹ Thứ lâu nhất, bà Trị là người chứng kiến những nỗi đau vô tận mà mẹ Thứ phải gánh chịu trong đằng đẵng mấy chục năm trường khi quê hương thân yêu chìm trong khói lửa bởi hai cuộc chiến khốc liệt. Bà Trị cũng mất chồng, mất con nhưng bà phải đè nén nỗi đau riêng để chia sẻ và là chỗ dựa tinh thần cho mẹ Thứ trước những nỗi đau gấp bội phần hơn và luôn dồn dập đến.
Nỗi đau tựa với nỗi đau! Bà Trị có lần tâm sự, bà có những nỗi đau riêng chung khó tách bạch nhưng bà nhận mình là nỗi đau nhỏ, nằm trong nỗi đau lớn hơn mà mẹ Thứ phải chịu đựng tất cả. Khi hay tin các em hy sinh bà Trị đều giấu mẹ, chọn lúc tinh thần kha khá mới tìm cách tin cho mẹ biết bởi sợ mẹ gục ngã.
Mẹ Thứ có cả thảy 12 người con gồm 11 trai và 1 gái đầu lòng đã nghe lời ru của mẹ, lần lượt lớn lên, thấm đẫm từng câu ca trong nhọc nhằn mà yêu thương. Rồi đến lúc Tổ quốc gọi, mẹ Thứ lần lượt tiễn các con đi… Trong cùng một năm 1948, Mẹ lần lượt nhận tin ba anh con trai đã hy sinh. Trong đó có hai cái tang chỉ cách nhau có 10 ngày. Mỗi lần nghe tin một đứa con hy sinh, mẹ cắn răng khóc thầm… Thế rồi mẹ lại tiếp tục tiễn sáu người con còn lại lên đường đi chiến đấu. Đau đớn thay, trong sáu người con của mẹ lại tiếp tục nằm xuống. Mọi mong mỏi của mẹ chỉ còn dồn vào anh Lê Tự Chuyển - biệt động thành Sài Gòn, nhưng sáng 30-4-1975, anh cũng đã hy sinh …
Sau chiến tranh, nhiều người lính Mỹ và gia đình họ đã trải qua “Hội chứng chiến tranh Việt Nam” thật khủng khiếp thì những phụ nữ như hai mẹ con mẹ Thứ vốn phải chịu tận cùng nỗi đau và sự mất mát - lại dường như rất thanh thản về với cuộc sống đời thường như hạt lúa củ khoai một đời chân chất với đồng đất quê nhà. Mẹ chẳng hề nuôi lòng hận thù, thay vào đó là niềm vui mừng vì đất nước được hòa bình, đạn bom đã ráo tạnh…
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ chính là để gửi gắm nỗi khát khao ngàn đời của các bà mẹ, của dân tộc Việt Nam về hòa bình, về sự bình yên cho cuộc sống, cho mọi nhà và con cháu mai sau. Khát vọng của mẹ là khát vọng mùa xuân vĩnh viễn mà nhân loại trên hành tinh này luôn hướng đến. “Những bà Bủ, bà Bầm, mẹ Tơm, mẹ Suốt…/Hàng nghìn mẹ Việt Nam anh hùng hóa thân vào chân dung mẹ Thứ/Thành tượng đài bất tử đóa hoa cương…” (Thơ Lê Anh Dũng)
Trong một bài thơ viết về mẹ Thứ “cảm xúc nơi tượng đài” tôi chợt nhớ mình đã viết những câu thế này về mẹ: “Chừ thì mẹ đã về đây, ơi trăm năm đời mẹ/ Cây dó hoá trầm, nỗi đau hoá ngàn mây/ Con mẹ đi xa, giờ có thêm các con của mẹ/ Tự đáy lòng mình cho con xin được gọi hai tiếng- mẹ ơi/ Xin dâng mẹ miếng trầu cau nhân ngãi/Của dân tộc mình trăm đắng nghìn cay/Yêu quê hương thiết tha như núm ruột/Bùn đất nâu sồng, đạo nghĩa thuỷ chung/ Lại một mùa xuân con về bên mẹ/Ơi người mẹ Quảng Nam, người mẹ của thế giới hoà bình/Vẫn nụ cười rạn chân chim khoé mắt/Giản dị rạ rơm, quê xứ của mình…”.
Tùy bút: Võ Văn Trường