Báo Công An Đà Nẵng

Mẹ trong nỗi nhớ

Thứ tư, 24/03/2021 16:50

Chiến tranh đã lùi xa, các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) đã thành thiên cổ nhưng trong nỗi nhớ của những người con trai xứ Quảng, mẹ vẫn như còn đó, lặng lẽ và can trường.

Gia đình ông Đinh Văn Ba thắp hương cho các bậc sinh thành. Ảnh: H.V

Đôi vai nặng gánh nhà chồng

Sức khỏe giảm sút nhưng Trung tướng Nguyễn Văn Thảng - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5, không quên bất cứ hình ảnh nào về mẹ mình, Mẹ VNAH Hồ Thị Bút. 
Mảnh đất Cẩm Sa, Điện Nam Bắc (Điện Bàn) được xem là huyền thoại với số tướng lĩnh và liệt sĩ không nơi nào bằng. Bà nội Trung tướng Thảng là Mẹ VNAH Phạm Thị Chúc có 3 người con, 2 rể và 9 cháu nội, ngoại đều hy sinh. Đây là gia đình có liệt sĩ nhiều nhất nước. Sống trong truyền thống gia đình ngùn ngụt lửa cách mạng, bà Hồ Thị Bút (mẹ Trung tướng Thảng) can trường không kém mẹ chồng của mình. Chồng bà, người con trai kế của cụ Chúc đi hoạt động, bị chúng đánh đập dã man, sau này ông về nhà bệnh tật, mất sớm. Cả hai có con trai đầu là Nguyễn Văn Tuấn đầu quân ở Tiểu đoàn bà Thao, hy sinh năm 1968. Ba năm sau, người con rể của ông bà cũng ngã xuống ở mảnh đất quê hương. Huyện ủy tiếp tục cử Nguyễn Văn Thảng Em thay anh rể lãnh đạo xã trụ bám. Trong trận đánh ác liệt ở bến đò Lợi, Bí thư Thảng Em chỉ huy sáu dân quân Điện Nam đánh lui cả một tiểu đoàn của địch, bắn cháy hai xe bọc thép và một chiếc trực thăng. Hết đạn, anh cùng đồng đội tử thủ, bị chúng cắt đầu bêu ở cầu Vĩnh Điện, xác vứt xuống giếng ở Thanh Quýt để thị uy người dân. Bà Bút âm thầm đi tìm xác con về chôn cất mà không dám khóc vì tai mắt địch xung quanh. 

Nhớ về mẹ mình, Trung tướng Nguyễn Văn Thảng bồi hồi: "Mẹ tôi giống bà nội ở tính ít nói mà vô cùng điềm tĩnh, cứng cỏi. Có lần tôi hỏi mẹ: "Sao mẹ gan dữ vậy, đêm hôm đi lên tận Vĩnh Điện, Thanh Quýt tìm xác em con như vậy, địch phát hiện bắn chết thì sao". Mẹ nói: "Mẹ chết thì có sá gì. Dù giá nào cũng không thể để em con lạnh lẽo, bơ vơ. Em con đã chiến đấu như một người anh hùng để giải phóng quê hương thì tại sao ngã xuống lại không được mẹ ôm vào lòng, không được nằm trong đất của ông bà, tổ tiên của mình. Mà quan trọng nhất là mẹ đưa em con về, địch hết cớ dọa dẫm bà con, làm suy yếu cách mạng". Chao ôi, một người nông dân chân chất như mẹ tôi mà suy nghĩ lớn lao đến vậy".

Mẹ VNAH Hồ Thị Bút.   Ảnh: T.L 

Buổi chia tay nhớ mãi

Anh Đinh Văn Ba - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công ty Cổ phần xe khách và dịch vụ Thương mại Đà Nẵng bồi hồi khi nhớ về những người thân yêu. Đây có lẽ là một trong những gia đình đặc biệt nhất cả nước khi bà nội Phạm Thị Huệ của anh là Mẹ VNAH. Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Phấn, liệt sĩ cũng là Mẹ VNAH. Cha anh là Anh hùng LLVTND Đinh Châu (Nguyễn Hữu Đức), nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận 44 Quảng Đà, Thành đội trưởng Đà Nẵng hy sinh trong Tết Mậu Thân 1968. 

Anh Ba nghẹn ngào, thảng thốt: "Lúc ba về, bảo tôi và anh Lưu đi theo ba thì tôi mới 10 tuổi. Mẹ ở căn cứ vài ngày, chăm sóc mấy cha con rồi về vì bà là cán bộ phụ nữ xã, không thể bỏ phong trào mà đi. Bình thường mẹ rất cứng cỏi, vậy mà khi ấy nước mắt vòng quanh. Hình như bà linh tính có điều dữ nào đó sẽ ập đến gia đình mình. Tôi nhìn theo bóng mẹ với chiếc áo bà ba đen khuất dần, không nghĩ rằng đó là lần gặp mẹ cuối cùng. Cái dáng liêu xiêu đổ dài dưới chân dốc ám ảnh tôi suốt những năm dài. Ngay thời điểm ở trên núi tôi vẫn không nguôi nhớ mẹ, chỉ muốn chạy ào về quê. Nhưng tôi phải nghe theo lời tâm huyết của cha: "Con phải ra miền Bắc học tập, đây không phải việc của ba, của con mà là việc của nước non, Tổ quốc". 

Rồi cái ngày tiễn đưa cũng đến. Ba tháng vượt Trường Sơn, anh đặt chân lên miền Bắc trong lúc đó chiến trường miền Nam đang sục sôi đánh Mỹ. Chỉ vài tháng sau anh nghe sét đánh ngang tai: Trong một lần đi vận động chị em phụ nữ đấu tranh, mẹ anh đã hy sinh khi pháo địch dập đến. Anh Đinh Lưu còn mải miết ở chiến trường. Ba anh đang chỉ huy các cánh quân ở Quảng Đà. Chôn cất mẹ chỉ có các cô chú trong họ mà không có chồng con. Không bao lâu, anh Lưu, chiến sĩ thông tin cũng hy sinh trong một trận đánh. Tết Mậu Thân, ba anh ngã xuống ở cửa ngõ Đà Nẵng. Vậy là trong 2 năm 1967, 1968, anh mất 3 người ruột thịt, không còn ai bên đời. 

Ngôi nhà của mẹ trên nền đất cũ dẫu không ai ở vẫn là nơi anh cùng vợ và đứa con trai duy nhất đi về. Anh như thấy trước mắt mình, sau bao cuộc đấu tranh, có một người phụ nữ gầy gò, thui thủi vào ra một mình khi đêm đến và rồi hy sinh mà không kịp thấy chồng con.

Mẹ vẫn đợi các con về

Mẹ VNAH Lê Thị Kiến ở Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam có 5 người con thì 2 con trai cùng chồng hy sinh. Đại tá Nguyễn Văn Điệu - nguyên Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 5 nhớ về mẹ mình tràn ngập yêu thương. Ông nói: "Nhà tôi ở bị địch đánh dấu vào danh sách "đen" bởi có nhiều người theo kháng chiến. Vậy mà dù địch có nghi ngờ, khủng bố, chồng và 4 người con trai của mẹ tôi đều chiến đấu ngoan cường trên từng vị trí công tác". Người con trai đầu làm Huyện đội trưởng lúc ấy luôn là tấm gương sáng cho ba em trai noi theo. Đặc biệt em kế Nguyễn Năm (sau này được truy tặng Anh hùng LLVTND) là chính trị viên phó đại đội 1, Huyện đội Đại Lộc đánh giặc dũng cảm nổi tiếng. Cậu em trai út Nguyễn Duy Tập làm xã đội phó, cũng không thua anh, gan lì bám trụ. Bốn đứa con trai đều đi thoát ly. Cô con gái làm giao liên và bị giam ngục tù Côn Đảo (sau 1973 mới được trao trả). Nhà đông người, ngày nào không đủ gạo cơm cho đám con đang sức lớn vậy mà tất cả đi hết. Cứ đến bữa ăn bà lại nhớ các con da diết. Cái tang đầu tiên đến giữa những ngày đạn lửa là ông Nguyễn Kiến hy sinh khi địch càn và rồi các con lần lượt ngã xuống trong một năm. Đầu tiên là Nguyễn Năm, mấy tháng sau, cậu út Nguyễn Duy Tập, xã đội phó ngã xuống. Bà đã vượt qua những năm tháng đau thương khủng khiếp nhất trong sự đùm bọc của bà con vùng kháng chiến. Sau khi giải phóng Thượng Đức, bà được đưa về quê cũ, dựng nhà trên ngôi nhà cháy năm nào chờ đợi ngày các con đoàn tụ. Đất nước giải phóng, bà thỏa nguyện ước về một ngày độc lập và ra đi trong thanh thản... 

"Con dù lớn vẫn là con của mẹ / Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con" (Chế Lan Viên). Những người con của các mẹ VNAH xứ Quảng dẫu là sĩ quan cao cấp trong quân đội hay đứng đầu các doanh nghiệp vẫn luôn cho rằng họ thấy mình thật bé nhỏ trước sự hy sinh to lớn của mẹ mình. Và đó là tâm niệm để họ luôn sống xứng đáng với các bậc sinh thành.

HỒNG VÂN