Mềm dẻo trong giáo dục pháp luật cho trẻ chưa ngoan
(Cadn.com.vn) - Thiếu niên làm trái pháp luật (LTPL), vi phạm pháp luật (VPPL) là một thực tế tại các địa phương và đã tác động tiêu cực đến tình hình ANTT, đời sống gia đình và làm lệch lạc nhân cách của đối tượng vi phạm. Để giúp các em nhận thức đúng, không VPPL, nhiều năm qua, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, hội đoàn thể tích cực cùng gia đình giúp đỡ, tuyên truyền, giáo dục đối với các em thiếu niên lầm lỡ. Q. Ngũ Hành Sơn là một trong những địa phương của TP Đà Nẵng đã làm tốt công tác giáo dục, giúp đỡ thiếu niên VPPL tiến bộ, trở thành công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
Là đơn vị "chủ công" trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ thiếu niên chưa ngoan, VPPL và LTPL trên địa bàn, CAQ Ngũ Hành Sơn xác định đây một trong những chương trình, công tác trọng tâm hàng đầu của đơn vị. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 24/CT-TU của Thành ủy Đà Nẵng, CAQ tích cực phối hợp với các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể và chủ động tham mưu, thực hiện nhiều chương trình hành động đã góp phần không nhỏ vào thành tích chung trong việc giáo dục, giúp đỡ thiếu niên VPPL tiến bộ.
Lãnh đạo CAQ Ngũ Hành Sơn tặng phương tiện học nghề cho một số trường hợp tiến bộ. |
Trong 5 năm qua, CAQ thường xuyên bố trí CBCS đến từng phường, phối hợp tổ phòng chống tội phạm và CSKV CA các phường rà soát, lên danh sách số thiếu niên VPPL và có nguy cơ làm trái, để kịp thời giáo dục, giúp đỡ. Chính vì vậy, việc phát sinh đối tượng VPPL và thiếu niên làm trái được giám sát, quản lý thường xuyên, chính xác và đầy đủ. Từ đó, kịp thời có biện pháp phối kết hợp cùng các đoàn thể và gia đình quản lý, tuyên truyền, uốn nắn các em để không vi phạm pháp luật. Theo Thiếu tá Lê Đức Phấn, Đội CSĐTTPVTTXH-CAQ, các em thiếu niên thường thích tò mò, muốn khám phá nên dễ dẫn đến các hành vi lệch chuẩn.
Ở độ tuổi này cũng xuất hiện các biểu hiện tâm lý ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của các em như: dễ cáu giận, phản kháng, thậm chí thô bạo, ngang ngược... Những đặc điểm đó là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiều hành vi mang tính bạo lực của trẻ em, đưa đến hậu quả nghiêm trọng. Nắm bắt được tâm lý của các em nên các CBCS Đội CSĐTTPVTTXH đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc làm sai trái của các em để tuyên truyền, đối thoại, giáo dục pháp luật cho các em một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, thông qua các buổi họp tổ dân phố, các buổi sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư để trao đổi với bà con nhân dân về những hậu quả do thiếu niên VPPL gây ra trong thời gian qua, từ đó giúp các gia đình cần quan tâm giáo dục con cái...
"Tuyên truyền pháp luật, giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến là một công việc khó, đòi hỏi sự kiên trì và vào cuộc một cách thật sự, vì mỗi em một hoàn cảnh khác nhau và đa số phải sống trong môi trường ít được gia đình quan tâm, giáo dục. Để công tác đạt hiệu quả, Đội CSĐTTPVTTXH và CA các phường trên địa bàn quận đã chú trọng cụ thể hóa nội dung tuyên truyền, không mang tính cứng nhắc. Đồng thời, xác định rõ đối tượng quản lý là trẻ em nên các CBCS luôn thận trọng, lấy sự gần gũi, mềm dẻo để tâm tình như những người bạn thực sự. Qua đó, giúp các em có niềm tin vào những người đang giúp mình định hướng lại con đường đi, từ đó sẽ từ bỏ ý định thực hiện các hành vi sai trái", Thượng tá Ngô Đình Thu, Phó trưởng CAQ Ngũ Hành Sơn cho biết.
Trong 5 năm qua, Đội CSĐTTPVTTXH CAQ Ngũ Hành Sơn đã rà soát, lập danh sách quản lý 73 lượt đối tượng là thiếu niên chưa ngoan, VPPL trên địa bàn quận, qua giáo dục, cảm hóa đã có hơn 50 em tiến bộ. Nhờ sự tiếp cận gần gũi, thiết thực và mềm dẻo trong công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật, thời gian qua, thêm nhiều em đã có sự tiến bộ rõ rệt, biết chăm lo học hành, có ý thức vươn lên. Mới đây, qua khảo sát, nhận thấy 3 thiếu niên trên địa bàn quận VPPL được đưa vào quản lý theo Chỉ thị 24 của Thành ủy nay đã tiến bộ, có nhu cầu học nghề và trở lại trường học nên CAQ Ngũ Hành Sơn đã hỗ trợ kinh phí và phương tiện trị giá 12 triệu đồng cho các em.
Được cảm hóa, giáo dục thành người tốt, nay được giúp tạo công ăn việc làm, em Trần Đông bày tỏ: "Em từng có hành vi VPPL nhưng từ khi được các chú CA quan tâm giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ em biết được việc nào đúng, việc nào sai nên em quyết phấn đấu để thành người tốt. Không chỉ vậy, các chú CA còn giúp đỡ, hỗ trợ em máy móc, thiết bị để em làm nghề tự lo cho bản thân và phụ giúp gia đình.... Em hứa sẽ chăm chỉ làm việc và trở thành một công dân tốt".
Tương tư, em Lê Trần Trúc Quỳnh cũng đã nhận thức được việc làm trước đây của minh là sai trái, vi phạm pháp luật sau khi được các chú CA phân tích, giáo dục. "Em rất hối hận về những lỗi lầm của mình. Em sẽ sửa sai và xin hứa sử dụng 4 triệu đồng được CAQ hỗ trợ để học nghề hớt tóc thành thạo để tự lo cho bản thân và gia đình...", em Quỳnh nói. Còn em Nguyễn Quốc Cường bày tỏ quyết tâm trở lại trường lớp học tập thật tốt, xứng đáng với sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người...
Thời gian tới, CAQ Ngũ Hành Sơn tiếp tục phối hợp với các cấp, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn quận đẩy mạnh công tác quản lý, quan tâm, giáo dục, giúp đỡ các thiếu niên chưa ngoan, VPPL đang quản lý để các em còn lại được tiến bộ. Đồng thời rà soát những đối tượng có nguy cơ cao VPPL để đưa vào quản lý; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên hư. Ngoài ra, cũng sẽ tổ chức các buổi đối thoại, tọa đàm giữa phụ huynh, trẻ em VPPL để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp quản lý, giáo dục, cảm hóa để uốn nắn các em để các em không VPPL.
T.Dũng