Báo Công An Đà Nẵng

Mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Giải phóng Đà Nẵng: "Chỉ 3 ngày thôi!"

Thứ tư, 26/03/2014 10:30

(Cadn.com.vn) - Ngày 27-3-1975 Đại tướng Tổng Tư lệnh điện chỉ thị: “Tình hình Đà Nẵng rất khẩn trương. Cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thẳng vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất”. Và, “thời hạn” mà Đại tướng giao cho Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Đà Nẵng là 3 ngày.

Sau khi hai chiến dịch quy mô nhỏ diễn ra đồng thời là chiến dịch giải phóng Quảng Ngãi – Tam Kỳ (còn gọi là chiến dịch Nam Ngãi) và chiến dịch Trị Thiên do cấp Quân khu triển khai thực hiện thắng lợi ở Huế và Tam Kỳ, Quảng Ngãi, ngày 25-3-1975, Bộ Tổng tham mưu do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng tư lệnh quyết định mở thêm chiến dịch Quảng Nam – Đà Nẵng, lấy mật danh Mặt trận 475.

Đây là chiến dịch do Bộ trực tiếp tổ chức, điều hành và được mở ra trong quá trình phát triển cuộc tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, bởi nó không có trong kế hoạch tác chiến được định ra trước đó, nhằm chớp thời cơ tấn công đánh tan rã quân Sài Gòn đang co cụm tại Đà Nẵng. Bộ Tư lệnh chiến dịch bấy giờ, đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng được chỉ định làm Tư lệnh nhưng lại đang ở Hà Nội, đồng chí Chu Huy Mân Tư lệnh Quân khu 5 làm Chính ủy nhưng lại đang chỉ huy tác chiến ở Quảng Nam nên phải hội đàm qua vô tuyến điện. Đà Nẵng lại là một căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ hai miền Nam của địch, sau thắng lợi của quân giải phóng ở hai đầu Huế và Tam Kỳ, tàn quân Sài Gòn co cụm về đây, nâng tổng quân số lên đến 75.000 quân.

Viên tướng Ngô Quang Trưởng Tư lệnh Quân đoàn 1 - Vùng 1 chiến thuật đang hô hào “tử thủ” và y tính toán rằng đối phương sau khi thu quân ở Huế, có tổ chức đánh Đà Nẵng được cũng phải mất đến 1 tháng. Đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5 sau này trong hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng” cũng viết là lúc ấy ông nghĩ cũng phải mất một tháng để chuẩn bị đủ lực lượng hình thành thế trận nhiều hướng tiến công mới giải phóng được Đà Nẵng. Với Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn, dù đã xác định tinh thần phải đánh dứt điểm trong thời gian sớm nhất nhưng khi thông qua quyết tâm, được Tổng Tư lệnh hỏi: “Thời gian dự kiến đánh dứt điểm là bao lâu?”, ông báo cáo xin cho được 7 ngày, nhưng không được Đại tướng đồng ý, ông  lại xin còn 5 ngày, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh: “Chỉ 3 ngày thôi!”.

Thấy Tư lệnh Lê Trọng Tấn còn do dự chưa dám nhận, Đại tướng nổi nóng: “Nếu không phải anh là Tư lệnh thì tôi đã ra lệnh rồi!”. Ngày 27-3-1975, Đại tướng Tổng tư lệnh chỉ thị qua bức điện: “Tình hình Đà Nẵng rất khẩn trương. Cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thẳng vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất”.

Quân đội Sài Gòn tháo chạy khỏi Vùng 1 chiến thuật. Ảnh:T.L

Tinh thần trên được Bộ Chỉ huy chiến dịch truyền xuống chỉ huy các cánh quân. Ngay trong ngày 27-3, ở hướng bắc lực lượng Sư đoàn 325 của Quân đoàn 2 sau khi chọc thủng tuyến phòng thủ từ Phú Gia đến Lăng Cô, chặn đường rút quân của địch, liền vượt đèo Hải Vân nhanh chóng đánh tuyến phòng thủ Thủy Tú, Nam Ô, cảng Phú Lộc rồi phát triển vào thành phố. Khoảng trưa ngày 29-3 lực lượng đi đầu của quân đoàn đã đến Ngã ba Cai Lan. Ngay sau đó, lực lượng này vượt cầu Trịnh Minh Thế tiến thẳng ra Sơn Trà. Một lực lượng khác của Quân khu 2 là Sư đoàn 304 chia làm hai cánh, một từ phía tây nam đánh chiếm dãy Sơn Gà, thị trấn Ái Nghĩa, theo đường 14 đánh chiếm quận lỵ Hiếu Đức, trường huấn luyện tân binh Hòa Cầm rồi tiến xuống hội quân với Trung đoàn Ba Gia của Sư đoàn 2 tại sân bay Đà Nẵng.

Cánh còn lại ở hướng tây bắc tiến quân trong hành tiến đánh chiếm Phước Tường, Hòa Khánh, Sở chỉ huy Sư đoàn 3 của quân Sài Gòn. Ở hướng nam, lực lượng Sư đoàn 2 của Quân khu 5 tuy bị địch cho máy bay phá sập cầu Bà Rén và cầu Câu Lâu nhưng vẫn nhanh chóng khắc phục, nhất là tại cầu Câu Lâu được nhân dân huy động ghe thuyền, bè chuối lần lượt đưa gần 4.000 bộ đội qua sông, cùng các trung đoàn 96 và trung đoàn 97 Mặt trận Quảng Đà phát triển theo hai cánh, một vượt cầu Đỏ tiến thẳng vào trung tâm thành phố, đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn không quân và sân bay Đà Nẵng cùng với Tòa thị chính, quân vụ thị trấn, đài phát thanh; một cánh theo hữu ngạn sông Hàn tiến ra Sơn Trà chặn đường rút lui ra biển của địch. Trong nội ô thành phố, đêm 28-3, công nhân nhà máy đèn đã nổi dậy giành quyền làm chủ, bảo vệ nhà máy. Sáng 29-3, tự vệ mật Đà Nẵng phá nhà lao giải thoát cho 700 tù chính trị bị địch bắt giam. Đến 15 giờ ngày 29-3-1975, Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.

 Như vậy là chiến dịch giải phóng Đà Nẵng đã diễn ra nhanh chóng, chỉ trong 32 giờ, đúng thời gian mà Đại tướng Tổng Tư lệnh đã chỉ thị. Đồng chí Võ Chí Công kể lại: “Khi đã giải phóng Đà Nẵng chúng tôi báo cáo về Trung ương, nhưng có người không tin. Tôi điện cho Bộ Chính trị và anh Ba (tức Tổng Bí thư Lê Duẩn) lúc 5 giờ 30 chiều 29-3 nói: “Toàn bộ quân đội, chính quyền địch bị tan rã, sụp đổ, Đà Nẵng giải phóng hoàn toàn và tôi đã ở trong Đà Nẵng”.

Tổng Bí thư Lê Duẩn khen ngợi: “Tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch. Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất, mạnh nhất của địch mà bị ta đánh sập có ý nghĩa quyết định và báo hiệu Sài Gòn sẽ bị sụp đổ không còn lâu nữa”. Liền ngay sau thắng lợi của chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, ngày 30-3-1975 Quân ủy Trung ương điện cho Quân khu 5 phải nhằm thời cơ thuận lợi nhất, hành động kịp thời để giải phóng quần đảo Trường Sa. Ngày 1-4-1975 Bộ Chính trị quyết định rút ngắn thời gian giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, trước mùa mưa.

Ngô Văn Minh
(còn nữa)