Báo Công An Đà Nẵng

Nghĩa tình với những người con xa quê

Mệnh lệnh từ trái tim (Bài cuối)

Thứ ba, 19/12/2023 08:29
Cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh tham gia đoàn công tác liên ngành Bộ Công an, Bộ Ngoại giao triển khai bảo hộ công dân Việt Nam ở Myanmar làm việc với chính quyền nước bạn bàn phương án sơ tán công dân Việt Nam từ Myanmar về nước.

1. Đây là chuyến bay thứ 9 và cũng là chuyến bay đặc biệt nhất trong lần sơ tán công dân Việt Nam về nước. Bởi trong chuyến bay này, ngoài các công dân Việt Nam còn có 5 công dân là người nước ngoài từ Myanmar đi cùng chuyến bay do Việt Nam thuê riêng, quá cảnh tại sân bay Nội Bài để đi tiếp về nước.

Không giấu được sự xúc động, chị Nguyễn Thị A (trú tại Hà Nội), một công dân Việt Nam được đưa về nước chia sẻ: “Trước thời điểm được sơ tán về nước, tôi đã viết đơn gửi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar nhờ giúp đỡ. Tôi không ngờ lại được sớm trở về đoàn tụ cùng người thân”. Trước đó, nghe theo lời của một số đối tượng môi giới, chị A xuất cảnh sang Myanmar lao động. Trong thời gian làm việc ở nước sở tại, chủ sử dụng lao động đã giữ hộ chiếu của chị… Vì thế, khi chiến sự xảy ra, chị không có giấy tờ để về nước; cuộc sống ở trong vùng chiến sự vừa thiếu thốn lại luôn phải nơm nớp lo sợ bởi "tên bay, đạn lạc", chị mong ngóng từng giây, từng phút để được về nước.

"Nhiều ngày qua, tôi và những người Việt Nam mong chờ từng giây từng phút để được trở về quê hương, đất nước. Tôi cảm ơn Chính phủ đã quan tâm, hỗ trợ kịp thời; đồng thời cảm ơn các cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh và các thành viên của đoàn công tác…", chị A xúc động chia sẻ.

Được gặp lại người thân sau bao ngày sống trong lo âu, thấp thỏm và chờ đợi, ông Nguyễn Văn H (trú tại Lào Cai) rơm rớm nước mắt: "Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Chính phủ và các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an đã đưa con tôi về nước…" . Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông biết tình hình chiến sự tại Myanmar diễn biến phức tạp. Vì lo lắng, ông liên lạc với con trai thì biết rằng do không có hộ chiếu nên đang bị mắc kẹt tại Myanmar. Những ngày sau đó, cả gia đình ông đều "ăn không ngon, ngủ không yên", thấp thỏm lo âu. Nỗi lo ấy ngày một lớn hơn cùng với các lần mất liên lạc với con trai tăng lên… Sau đó, ông biết rằng con trai của mình đã được làm hộ chiếu và đang chờ được sơ tán về nước thì vô cùng vui mừng.

Chứng kiến những giọt nước mắt và nụ cười của ngày đoàn viên, Thượng tá Lương Đình Kháng, Phó trưởng Phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Cục Quản lý xuất nhập cảnh và các thành viên của đoàn công tác cũng cảm thấy rưng rưng.

Anh nhớ lại, thứ bảy ngày 2/12, đoàn công tác của Nhóm công tác về bảo hộ công dân Việt Nam tại Myanmar có 7 người gồm có 4 cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh cùng với cán bộ của Cục Đối ngoại, Cục Cảnh sát hình sự và Cục CSĐT tội phạm về ma tuý, Bộ Công an nhận lệnh lên đường. Với các cán bộ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh thì đây là chuyến công tác đặc biệt; bởi đây là lần đầu tiên họ làm nhiệm vụ phỏng vấn, thu thập thông tin, xác minh phục vụ đưa công dân sơ tán trở về không phải tại thực địa mà lại ở một "địa bàn" nhạy cảm, chiến sự phức tạp.

Trước đây, cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã thực hiện các chuyến đưa người từ Ukraine và Lybia nhưng tình hình hoàn toàn khác. Trong lần này, không thể tổ chức các chuyến bay thẳng từ Myanmar về Việt Nam mà phải di chuyển bằng đường bộ về cửa khẩu biên giới… Mọi thủ tục phải được tiến hành trong thời gian một ngày. Để đảm bảo yêu cầu, phía Việt Nam phải cung cấp danh sách công dân, hộ chiếu và phương án chi tiết, cụ thể để đưa công dân về nước. Lúc này, ngoài yêu cầu công việc, trách nhiệm đối với công dân Việt Nam trở nên quan trọng hơn hết bởi mỗi cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì và các thành viên của tổ công tác hiểu rằng nếu chậm trễ thì nguy cơ mất an toàn của công dân Việt Nam tại Myamar sẽ càng cao.

2.Sau một chặng đường dài di chuyển, quá nửa đêm hôm đó, đoàn công tác do Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì phối hợp cùng với các đơn vị đã vào đến Tổng lãnh sự quán của Việt Nam tại Myanmar rồi nhanh chóng bắt tay vào công việc. "Công tác chuẩn bị lúc này là đặc biệt quan trọng. Chúng tôi phải thực hành trước các thao tác một cách thuần thục nhất để khi thực hiện nhiệm vụ tại thực địa mọi việc diễn ra suôn sẻ, đảm bảo thời gian ngắn nhất…, sơ tán công dân về nước", Thượng tá Kháng cho biết. Lúc này, công tác đảm bảo an ninh được đặt lên hàng đầu bởi ở thực địa, chiến sự có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Từ "mệnh lệnh của trái tim", tất cả đoàn công tác khẩn trương bắt tay vào công việc.

Để đến được thực địa, đoàn công tác phải di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau từ máy bay, tàu cao tốc và ôtô…, qua nhiều địa hình phức tạp. Cho đến bây giờ Thượng tá Lương Đình Kháng và các thành viên của đoàn công tác vẫn không thể quên được hình ảnh đầu tiên họ gặp khi có mặt ở thực địa. Đó là những gương mặt mệt mỏi, lộ rõ sự lo âu của những người Việt Nam đang kẹt ở vùng chiến sự. Nhiều người trong số đó đã không cầm được cảm xúc, ôm chầm lấy thành viên của đoàn công tác.

"Địa điểm chúng tôi thực hiện nhiệm vụ thuộc vùng chiến sự biên giới của Myamar; an ninh chỉ được đảm bảo theo giờ… Làm sao phải đưa bà con mình về nước trong thời gian sớm nhất, an toàn nhất theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Cục, đó là điều mà đoàn cán bộ chúng tôi tâm niệm"- Thượng tá Kháng cho biết.

Những người Việt Nam được sơ tán ở nhiều lứa tuổi và thành phần khác nhau, người già và cả trẻ con. Sau những ngày chiến sự, ai cũng mệt mỏi và hoang mang… Các trường hợp "mắc kẹt" tại Myanmar đều có tuổi đời rất trẻ, qua tìm hiểu, đa phần họ sang Myanmar vì mưu sinh. Đối với các trường hợp đã có hộ chiếu thì các thành viên của tổ công tác phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar tiến hành sàng lọc. Sau khi kiểm tra, khớp tên tuổi và địa chỉ với người thật thì trao hộ chiếu cho họ.

Trong những trường hợp này, các thành viên của đoàn công tác đặc biệt chú ý đến một phụ nữ vừa sinh con nhỏ được 2 ngày tuổi. Ngay sau khi nắm tình hình, đoàn công tác ưu tiên giải quyết trước trường hợp này, sau đó là các trường hợp sức khoẻ yếu… Ngoài các trường hợp đã được xét, duyệt cấp hộ chiếu từ trước, trong thời gian ở thực địa, đoàn công tác còn phải phỏng vấn trên 200 trường hợp để có dữ liệu, xét duyệt cấp hộ chiếu công dân về nước. Đây là số đi không có giấy tờ, mất hộ chiếu do chiến tranh thất lạc hoặc do chủ sử dụng lao động giữ hộ chiếu…

"Đây là lần đầu tiên, chúng tôi cấp hộ chiếu trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế. Giữa nơi chiến sự ác liệt, địa điểm là khu vực biên giới đang diễn ra giao tranh ác liệt của nước sở tại; an ninh chỉ được đảm bảo theo giờ. Phía bên trên là tiếng đại bác và tiếng súng nổ nhưng ở bên dưới, vẫn làm nhiệm vụ"- Thượng tá Kháng nhớ lại. Trong quá trình xử lý công việc họ cũng phải đối mặt với không ít vấn đề nảy sinh. Nhiều vấn đề, đoàn công tác phải gọi điện thoại về xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Cục. Địa điểm thực hiện nhiệm vụ là khu vực rừng núi, tứ bề bao phủ là núi nên nhiều lúc sóng điện thoại cũng không có…

Từ "mệnh lệnh của trái tim", mỗi thành viên của đoàn công tác đã thực hiện thành công nhiệm vụ mà Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an và Cục Quản lý xuất nhập cảnh giao phó. Qua đó, không chỉ sơ tán kịp thời hàng nghìn công dân về nước mà còn để lại hình ảnh đẹp về con người Việt Nam nhân hậu, đoàn kết, nghĩa tình.

Theo CAND