Báo Công An Đà Nẵng

"Mệt" vì được nghe nhạc miễn phí

Thứ sáu, 07/11/2014 11:40

(Cadn.com.vn) - Ở nhà thì hứng chịu những âm thanh quá "cỡ" được phát ra từ  tiếng karaoke của hàng xóm; tiếng chát chúa từ các máy mài, máy tiện của cơ sở sản xuất cơ khí, xưởng mộc, đá thủ công mỹ nghệ, đá granite; tiếng nhạc đinh tai nhức óc từ bộ loa lớn của các cơ sở kinh doanh... Ra đường thì "đón nhận" tiếng  còi hơi của xe tải quá khổ, rú ga vô tội vạ của những người tham gia giao thông, tiếng rao bán hàng rong... Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn cũng đã và đang trở thành một vấn đề đáng lưu ý trong quá trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị...

Ngoài việc khổ sở vì tiếng máy lẫn tiếng còi hơi đinh tai nhức óc của những chiếc xe tải, những chiếc xe gắn còi hơi, rồ ga để tăng tính "khủng bố" tinh thần của những "quái xế", người dân sống ở các tuyến đường lớn của Đà thành như: Lê Duẩn, Lê Lợi, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Điện Biên Phủ, Ngô Quyền, Lê Văn Hiến, Cách Mạng Tháng 8,...  còn phải "đón nhận" thêm những âm thanh hỗn độn phát ra từ những máy phát có công suất lớn của các cửa hiệu thời trang, quán cà-phê, karaoke của hàng xóm, siêu thị điện máy, tiếng máy cưa, máy mài, máy cắt, âm thanh chát chúa từ tiếng búa đập vào sắt, thép của các cơ sở cơ khí, sản xuất đá thủ công mỹ nghệ...

Rời cơ quan, chúng tôi dạt qua phố thời trang nằm trên đường Lê Duẩn để nắm tình hình về tiếng ồn nơi đây. Dù đã có phần "hạ nhiệt" so với mùa cao điểm nhưng hiện tại tiếng nhạc miễn phí của nhiều quán cà- phê, cửa hàng thời trang trên tuyến đường này vẫn còn làm người dân phải... khổ. Để thu hút sự chú ý của người đi đường và khách hàng, từ sáng đến khuya nhiều cửa hàng thời trang không ngại bật máy công suất lớn phát ra những âm thanh quá sức chịu đựng... Vừa đến giữa đường Lê Duẩn, chúng tôi đã nghe âm thanh đang "thổ" thình thịch phát ra từ hai chiếc loa to tướng của một cửa hàng lớn được đặt ngay phía trước và tha hồ "thổ" những âm thanh mà người dân chỉ biết đau tai, nhức óc chứ không thể hiểu được lời.

Bám trụ chưa đầy 5 phút chúng tôi đã không thể chịu đựng nổi nên đành tháo lui để tìm sự bình yên... Chúng tôi chưa kịp rẽ hết bùng binh Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, lại phải đón nhận một luồng âm thanh mới cũng không kém phần dữ dội được phát ra từ hai chiếc loa của một siêu thị điện máy. Đang cố đứng chịu đựng tiếng nhạc quá cỡ thì chúng tôi bắt gặp một cụ ông đã ngoài 70 tuổi đang lê bước đến. Khi chúng tôi hỏi đã gần trưa sao không ở nhà nghỉ ngơi mà lại ra đường thì ông lão trả lời nhanh: "Nghỉ gì nổi với hai bộ loa to tướng đó chứ. Đi tìm chỗ trốn nhưng cũng chưa biết trốn ở đâu cho được "an toàn"...".



Những chiếc loa "hành dân".

Giống như các cửa hàng khác, một siêu thị điện máy trên đường Nguyễn Hữu Thọ cũng phát huy tác dụng của những âm thanh mà chỉ có giới trẻ ham quán bar, vũ trường mới có thể thích thú. Do mới ra đời trong thời gian ngắn, để thu hút sự quan tâm của khách hàng, siêu thị này đã đặt hai chiếc loa với công suất lớn ngay lối vào và cứ thi nhau "đập" không biết mệt mỏi...  Bác Bảy (nhà gần siêu thị điện máy này) cho biết: "Từ lúc khai trương đến giờ, ngày nào chúng tôi cũng bị tiếng nhạc của siêu thị đó tra tấn cả. Ngày trước, tưởng mua được nhà ở mặt tiền có đường cái quan là ngon lành lắm, ai hay bây giờ mới nhận ra chọn lựa ấy quá sai lầm. Không buôn bán, mà ra ở mặt tiền thì chẳng khác nào tự nguyện chấp nhận "ngộ độc" tiếng ồn...".

Nếu người dân tại tuyến đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Thọ được nghe nhạc "miễn phí" thì nhiều người sống ở  tuyến đường Cách Mạng Tháng 8 (Q. Cẩm Lệ) và một số tuyến đường trên địa bàn P. Hòa Hải (Q. Ngũ Hành Sơn)... phải chấp nhận sống chung với tiếng máy cắt, máy mài của các cơ sở thủ công mỹ nghệ đá Non Nước, các cơ sở kinh doanh đá granite... Đứng trước Cty T.H (đường Cách Mạng Tháng 8) trong thời gian ngắn, chúng tôi đã liên tiếp bị tiếng máy mài, máy cắt chát chúa "dội" vào màng nhĩ. Mặc cho người dân khó chịu, những người thợ tại cơ sở này vẫn miệt mài làm công việc của mình. Theo hướng cầu Tuyên Sơn, chúng tôi tìm đến Chi nhánh Cty H.M (đường Cách Mạng Tháng 8). Dù đã đến giờ nghỉ trưa nhưng cánh thợ của cơ sở này vẫn hăng say cắt, mài và điều đó đồng nghĩa là người dân trong khu vực phải đón nhận những âm thanh "bất đắc dĩ"... Hằng ngày, nhất là vào những thời điểm các cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ nhận nhiều đơn đặt hàng, người dân tại một số khu dân cư trên địa bàn P. Hòa Hải phải nghe tiếng rít của máy mài, máy cắt, tiếng búa đục...



Tiếng rít của máy mài, máy cắt, tiếng búa đục làm người dân khiếp sợ.

Ở một khu dân cư mà nhà dân chỉ cách nhau một bức tường thì việc xuất hiện một cơ sở gia công đá mỹ nghệ đã là sự tra tấn mà đằng này một số  tuyến đường lại có hàng chục cơ sở sản xuất cùng một lúc. Vì vậy, để hạn chế bị bụi và tiếng ồn tấn công, nhiều người phải đóng kín cửa nhà để tránh nhưng cũng không thể chịu nổi... Một người đàn ông có nhà ở P. Hòa Hải, tâm sự: "Nếu ở nơi khác người dân đau khổ vì tiếng ồn từ nhạc, từ còi xe,... thì ở đây chúng tôi phải cực nhọc vì tiếng ồn và bụi đá của những cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ. Có ở đây và nghe thấy những thứ ô nhiễm này mới hiểu được sức chịu đựng của chúng tôi. Là hàng xóm với nhau nên nói thì cũng khó mà im lặng thì mình chỉ có khổ toàn khổ. Không ai có thể có cuộc sống yên vui khi suốt ngày phải đón nhận bụi đá bủa quanh, âm thanh chát chúa từ máy mài, máy cưa... cứ liên tục dội vào. Những ngày cúp điện, tuy khổ vì nóng nhưng bù lại... đỡ ồn. Tiếng ồn thật là ghê gớm, nó làm tôi không suy nghĩ gì được, không tha thiết muốn ở trong nhà. Có làm đơn kiện thì người ta nghỉ làm được ít lâu rồi tiếp tục đâu lại vào đấy, ồn hơn, bụi hơn, khổ hơn...".

Để tiến tới một "Thành phố môi trường", sạch đẹp, có nếp sống văn minh đô thị, không có lý do gì để tồn tại các cơ sở gây ô nhiễm tiếng ồn nằm lẫn trong các khu dân cư. Công tác này không đơn thuần chỉ để bảo vệ sức khỏe, bảo đảm năng suất làm việc, học tập nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn thể hiện ý thức của người dân trong quá trình xây dựng thành phố ngày càng hiện đại, văn minh. Ngoài những biện pháp cưỡng chế được thể hiện trên văn bản luật đối với các nhà máy, xí nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh... ý thức của mỗi người là rất cần thiết.

T.D