Báo Công An Đà Nẵng

Mexico - "ngư ông đắc lợi" trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Thứ ba, 07/01/2020 13:43

Theo thống kê của LHQ, Mexico đã xuất khẩu thêm 3,5 tỷ USD hàng hóa kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu vào mùa hè 2018.

Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto (trái), Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, ký hiệp định thương mại tự do mới tại Buenos Aires, vào ngày 30-11-2018.   Ảnh: AFP

Công ty nhựa Fuling Global đã công bố kế hoạch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Mexico, đầu tư 2 triệu USD vào một cơ sở mới ở Monterrey, đông bắc đất nước. Cty bắt đầu sản xuất ống hút giấy và cốc giấy cung cấp cho thị trường Mỹ kể từ năm 2019. “Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra gây bất ổn cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu của chúng tôi sang thị trường Mỹ, phân khúc lớn nhất của chúng tôi”, ông Guilan Jiang, Chủ tịch của Fuling Global, cho biết trong một thông cáo báo chí vào năm ngoái.

Theo thống kê của LHQ, Mexico đã xuất khẩu thêm 3,5 tỷ USD hàng hóa kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung bắt đầu vào mùa hè 2018, chủ yếu trong lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp, thiết bị vận tải và máy móc điện, theo báo cáo trên Dialogo Chino. Hôm 13-12, Tổng thống Trump xác nhận ông đã đạt được thỏa thuận sơ bộ và nếu được ký kết, sẽ cung cấp sự bảo vệ lớn hơn cho các Cty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Ông cũng sẽ cắt giảm một số thuế quan của Mỹ và hủy bỏ nhiều kế hoạch. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nói rằng những rắc rối này còn lâu mới kết thúc vì thuế quan sẽ kéo dài trong nhiều năm, và tiếp tục tạo ra sự không chắc chắn và làm giảm thu hút đầu tư.

Các chuyên gia nói rằng Mexico đã đạt được chỗ đứng trong xuất khẩu nhưng một báo cáo của LHQ cho rằng, sự gia tăng này là nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung. Vô số bài báo tuyên bố rằng Mexico rõ ràng là “người chiến thắng”. 2 năm trước và với chi phí gia tăng, các Cty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đã bắt đầu chuyển đến miền bắc Mexico và gần đây, các Cty Trung Quốc cũng bắt đầu chuyển đến đó, ông Adriana Eguia, cựu Giám đốc điều hành của Tập đoàn Phát triển Kinh tế Tijuana, cho biết. Lực lượng lao động đông đảo và giá nhân công rẻ, hiệp định thương mại tự do và sự gần gũi với Mỹ khiến các thành phố phía bắc Mexico thu hút nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vào tháng 7-2018, chính quyền Tổng thống Trump đã công bố mức thuế 25% đối với hơn 200 hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm máy bay và phụ tùng xe hơi, điện tử, hải sản và các thiết bị y tế. Một đợt tăng thuế khác vào tháng 9-2019 được áp dụng đối với quần áo, giày dép, tã lót. “Một Cty rất khó có thể cạnh tranh nếu phải trả mức thuế 25% để xuất khẩu sang Mỹ, vì vậy họ muốn chuyển đi nơi khác”, Alessandro Nicito, nhà kinh tế tại Hội nghị về thương mại và phát triển của LHQ (UNCTAD) cho biết. Vì vậy, nhiều Cty bắt đầu chuyển khỏi Trung Quốc. Nhiều Cty đã cân nhắc quyết định và chuyển các nhà máy của họ sang các nước lân cận ở Đông Nam Á như Việt Nam, Hàn Quốc... Nhiều Cty khác chọn Mexico vì gần Mỹ và thuế quan thấp. Điều này đã kéo theo sự tăng trưởng toàn cầu cho nhiều nước, trong đó có Mexico. Xavier Rivas, Phó Chủ tịch của PIMSA, một nhóm các nhà phát triển công nghiệp ở các bang biên giới phía bắc Mexico cho biết, điều này đang tạo ra một cơ hội cho các chủ doanh nghiệp Mexico. Khi một Cty đưa ra quyết định chuyển đến Mexico hoặc một quốc gia khác vì thuế quan, không có khả năng họ sẽ đảo ngược quyết định của mình.

Trên lý thuyết, Mexico là “người chiến thắng” trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng, nếu nhìn trong một bức tranh lớn hơn, người hàng xóm của Mỹ có thể gặp nhiều rắc rối. Quan điểm của ông Trump về “nước Mỹ trên hết” đã dẫn đến sự không chắc chắn trong nền kinh tế toàn cầu. Mức tăng xuất khẩu 3,5 tỷ USD của Mexico chưa bằng 1% trong số 450 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2018. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một trong nhiều ví dụ về việc Trump sử dụng chính sách thương mại như một con chip đổi chác. Hồi tháng 6-2019, ông Trump đe dọa tăng thuế nhằm gây áp lực với Mexico, buộc nước này phải hợp tác thực thi vấn đề nhập cư. Chuyên gia kinh tế Otaviano Canuto, một cựu quan chức của Ngân hàng Thế giới cho biết, việc sử dụng chính sách thương mại làm vũ khí cho các động lực phi kinh tế là một tin xấu. Cách tiếp cận chính sách thương mại này góp phần vào sự biến động thị trường toàn cầu. Sự không chắc chắn sẽ kéo theo sự suy giảm các khoản đầu tư, đặc biệt là trong sản xuất, ông Canuto giải thích.

AN BÌNH