Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2016):

Miền biên ải (2)

Thứ năm, 03/03/2016 10:26

* Bài 2: Nhọc nhằn tuần mốc

(Cadn.com.vn) - Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc, Đồn trưởng Đồn biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu Nam Giang tỏ vẻ ái ngại khi chúng tôi đề đạt nguyện vọng theo chân Tổ công tác của đơn vị tuần tra mốc biên giới. Anh Lạc cảnh báo đây là công việc rất gian khổ và nguy hiểm, muốn tham gia phải có sức khỏe cực tốt. Thuyết phục mãi, cuối cùng anh Lạc mới đồng ý cho chúng tôi tham gia cùng Tổ tuần tra mốc 716 phân định ranh giới giữa H.Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông – Lào) và H.Nam Giang (tỉnh Quảng Nam – Việt Nam). Trước khi lên đường, Ban chỉ huy Đồn dặn dò CBCS biên phòng là phải hết sức để ý, giúp đỡ Nhà báo Công an Đà Nẵng hoàn thành nhiệm vụ.

CBCS ĐBP cửa khẩu Nam Giang tổ chức nghi lễ chào mốc 716.

8 giờ, từ ĐBP Cửa khẩu Nam Giang, chúng tôi di chuyển bằng xe máy vượt qua 18km đường nhựa quanh co, khúc khuỷu, với toàn dốc là dốc đến điểm tập kết tại Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Đắc Tà Oọc. Tại đây, Trung úy Dương Văn Hoàng, CBCS Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu được phân công làm Tổ trưởng chỉ huy tuần mốc 716 cùng đồng đội phục trang chỉnh tề, chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Theo kế hoạch tác chiến, từ Trạm cửa khẩu – nơi cắm cột mốc đại 717, chúng tôi sẽ cắt rừng, băng bộ 20km đến mốc 716. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại đây, tất cả sẽ tức tốc quay về đơn vị trước khi trời tối.

9 giờ, chúng tôi xuất kích. Ngoài Tổ trưởng là Trung úy Dương Văn Hoàng, đoàn chúng tôi còn có Thượng úy Đào Công Lương, Thiếu úy Zơ Râm Thân, Hiên Biên và 2 chiến sĩ Brơl Thuyên cùng Zơ Râm Toi. Men theo con đường công vụ được mở từ năm 2008 để đưa vật liệu lên xây mốc, chúng tôi vượt qua hàng chục con dốc cao dựng đứng, lau lách và dây rừng chằng chịt. Càng tiến sâu vào rừng, khí trời càng lạnh. Trên đường đi, chúng tôi phát hiện khá nhiều dấu chân thú hoang còn mới và bạt ngàn cây cổ thụ ngút ngàn tầm mắt. Thiếu úy Hiên Biên cầm rựa phát lối đi đầu, thiếu úy Zơ Râm Thân vai mang AK báng xếp thận trọng khóa đuôi. Sau 10km đầu tiên, tôi bắt đầu có cảm giác tê chân, trong khi các chiến sĩ biên phòng ai nấy đều bước đi rất chắc. Càng gần đến mốc 716, tim tôi càng đập nhanh và nhịp thở không còn đều. Một thoáng lo lắng lướt qua nhưng rồi tất cả vỡ òa cảm xúc mừng vui khi cột mốc 716, chủ quyền biên giới hiện ra trước mặt. Chúng tôi đứng nghiêm trang, lặng người bên cột mốc 716 phân định ranh giới giữa 2 quốc gia Lào và Việt Nam. Bao nhiêu mệt nhọc trên hành trình đi bộ 20 km đường rừng đến nơi này như tan biến. Chưa bao giờ hai tiếng “biên cương” đem lại cho chúng tôi nhiều xúc cảm đến thế.

Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng cùng tham gia tuần mốc 716.

Sau khi hoàn thành công việc phát quang, làm vệ sinh mốc và các nghi lễ chào mốc, giới thiệu mốc từ chiến sĩ cũ cho chiến sĩ mới..., chúng tôi chỉ tạm nghỉ đúng 15 phút rồi tất cả rút quân. Chặng đường về với tôi là cực hình. Trời về chiều, từng đàn vắt lá đánh hơi người lao ra, bám vào cổ tôi lúc nào không hay. Lúc này hai chân tôi như tê dại, không còn tuân theo ý muốn. Phát hiện ra điều này, Thiếu úy Thiếu úy Zơ Râm Thân bám sát theo tôi để hỗ trợ. Với kinh nghiệm đi rừng lâu năm, Zơ Râm Thân luôn bắt chuyện và động viên để tôi quên đi mệt nhọc.

Đúng 16 giờ, sau hơn 4 tiếng đồng hồ  vừa đi vừa nghỉ, tôi và Thiếu úy Zơ Râm Thân mới về đến điểm tập kết. Mang những trải nghiệm trong chuyến chinh phục mốc 716 trao đổi với CBCS ĐBP Cửa khẩu Nam Giang cùng  ĐBP Đắc Pring, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện rất gian lao và tự hào của CBCS biên phòng trong việc tuần tra mốc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Thiếu úy Zơ Râm Thân bảo,  mốc 716 mà chúng tôi vừa đi tuần là mốc gần nhất, dễ đi nhất trong loạt 10 mốc đơn vị anh đảm trách (từ 716 đến 726). Với Zơ Râm Thân, hầu như chuyến tuần mốc nào anh cũng tham gia. Thường thì mỗi chuyến đi tuần, lực lượng BĐBP và Dân quân phải chuẩn bị lương thực trong vòng 10 ngày. Từ điểm xuất phát, đoàn di chuyển đến gần mốc, chọn vị trí gần bờ suối để cắm trại nấu cơm tối nghỉ qua đêm. Sáng ra, đoàn dậy nấu cơm thật sớm chuẩn bị cho bữa trưa rồi đi đến mốc làm nhiệm vụ, sau đó tiếp tục di chuyển đến gần mốc kế tiếp cắm trại nghỉ qua đêm. Di chuyển liên tục như vậy cho đến khi tuần tra khắp các mốc thuộc đơn vị quản lý.

Do di chuyển chủ yếu bằng đi bộ, đối mặt với hiểm nguy rình rập như: thú dữ, rắn, vắt, muỗi, bệnh tật... nên CBCS tham gia phải là người có sức khỏe cực tốt. Nhiều tình huống phát sinh trong quá trình làm nhiệm vụ như: bị rắn độc cắn, chân bị bong gân, thời tiết mưa bão đột ngột... khiến nhiều chuyến công tác không được như ý. Ngoài sức khỏe, CBCS tham gia phải có kỹ năng đi rừng và xử lý tình huống cực tốt. CBCS ĐBP Đắc Pring nhớ mãi chuyến tuần tra song phương cùng với phía bạn Lào. Sau hơn 10 ngày tuần khắp các mốc từ 727 đến mốc 735, trên đường về đến gần làng Pêtapooc (thuộc xã Đắc Pring) thì trời đột nhiên mưa lớn. Lũ đầu nguồn đổ về cuồn cuộn, toàn tổ công tác cách làng 1 con suối nhưng không tài nào sang được. Mặc dù mưa như trút nước nhưng CBCS phải sử dụng kỹ năng nấu cơm trong mưa để chống đói và tìm cách vượt suối trở về đơn vị an toàn.

Trải nghiệm tuần mốc biên cương, chúng tôi hiểu được sự gian lao, vất vả nhưng rất đỗi tự hào của các chiến sĩ biên phòng nơi tuyến đầu Tổ quốc. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngoài nỗ lực bản thân, trong họ còn có sự hy sinh to lớn để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ký sự: Nguyên Thảo
(còn nữa)