Báo Công An Đà Nẵng

Miền Đông Ukraine chờ “bão lớn”

Thứ ba, 15/04/2014 10:10

(Cadn.com.vn) - Thời hạn chót mà chính phủ Ukraine đề ra để lực lượng ly khai hạ vũ khí và chấm dứt chiếm giữ các trụ sở chính quyền ở miền Đông đã trôi qua mà không có dấu hiệu đáp ứng nào.

Lúc 9 giờ (giờ Kiev) ngày 14-4, thời hạn chót do chính quyền Ukraine đưa ra, một phóng viên Reuters cho biết, quốc kỳ Nga vẫn tung bay trên trụ sở cảnh sát Slavyansk, một trong 2 tòa nhà bị phe ly khai chiếm giữ.

Mặc dù phe ly khai có nguy cơ đối mặt với cuộc trấn áp quân sự lớn, song họ đang chứng tỏ sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho bất kỳ hành động quân sự nào của chính phủ. Những người đeo mặt nạ vẫn tiếp tục gia cố các bao cát trước các trạm kiểm soát.

Một người ủng hộ Nga giơ cao biểu tượng chiến thắng tại trạm kiểm soát
của lực lượng ly khai ở thành phố Luhansk, miền đông Ukraine hôm 14-4. Ảnh: Reuters

VÌ SAO GIÁM ĐỐC CIA ĐẾN UKRAINE?

Đó là câu hỏi mà Điện Kremlin muốn Nhà Trắng có lời giải thích rõ ràng trong bối cảnh giới quan sát cho rằng, Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan là người khởi xướng chiến dịch trấn áp quân sự nhằm vào phe ly khai ở Ukraine. Những nghi ngờ từ phía Nga càng được củng cố khi Itar-Tass cho biết, ông Brennan có mặt tại Kiev bằng tên giả.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov  khẳng định: “Mỹ phải giải thích vì sao Giám đốc CIA lại bí mật đến Kiev”. Ngoại trưởng Lavrov cũng cáo buộc các nước Phương Tây đạo đức giả “quá chuẩn mực” trong cuộc khủng hoảng Ukraine. “Khi tình trạng bạo lực ở Quảng trường Độc lập chấm dứt với hàng chục người chết, họ (Ukraine) gọi là dân chủ; trong khi các cuộc biểu tình hòa bình đang diễn ra ở miền đông nam lại bị gọi là khủng bố”, ông Lavrov nhấn mạnh. Vì thế, theo vị thủ lĩnh ngoại giao Nga, các khu vực miền đông Ukraine nói tiếng Nga phải được tham gia vào quá trình soạn thảo hiến pháp sắp được đưa ra trưng cầu dân ý theo như đề xuất của phía Kiev về mô hình nhà nước nào cho Ukraine. Ông còn khẳng định, không có điệp viên nào của Nga ở miền đông Ukraine.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đẩy quan hệ Nga và phương Tây đến điểm thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, việc sử dụng vũ lực của Kiev có thể gây ra cuộc đối đầu mới với Nga. Trước tình hình dễ kích động hơn bao giờ hết, HĐBA LHQ phải tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ 10 về vấn đề Ukraine vào đêm 13-4 (sáng 14-4, giờ Việt Nam).

MIỀN ĐÔNG MUỐN NHƯ CRIMEA

Bất chấp việc chính quyền Kiev cảnh báo sẽ tung ra “một hoạt động an ninh toàn diện, bao gồm cả quân đội”, các phần tử ly khai vẫn cố thủ. Sau “thời hạn chót”, một chiếc xe tải chở nhiều lốp xe đến các trạm kiểm soát tự lập của phe ly khai để củng cố các rào chắn. Thêm nhiều bao cát được dựng lên. Tại thành phố Horlivka, ít nhất 100 phần tử ly khai tấn công trụ sở cảnh sát.

Một không khí khá nặng nề bao trùm khắp miền đông song người dân vẫn sinh hoạt và kinh doanh bình thường trong khi các trường học đều đóng cửa và các bậc cha mẹ được khuyên nên giữ trẻ trong nhà. Alexei Myzenko, một nhân viên ngân hàng 38 tuổi, vẫn đi làm việc như thường lệ, nhưng con ở nhà cho đến khi có thông báo mới. Một dược sĩ 62 tuổi tên Iryna Zemlyanskaya khẳng định: “Tôi vẫn sẽ làm việc. Họ (chính phủ) đã nói nhiều nhưng không làm được gì, giờ thậm chí không ai sợ nữa”.

Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchinov và các nhà lãnh đạo khác đổ lỗi cho Nga vì việc sáp nhập Crimea truyền cảm hứng cho các cuộc nổi dậy tại Slavyansk và các thành phố nói tiếng Nga. “Chúng tôi sẽ không cho phép Nga lặp lại kịch bản Crimea”, ông Turchinov cho biết. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, cục diện chính trị hiện nay cho thấy, Moscow vô can. Diễn biến tại miền đông đang chứng tỏ sự yếu kém của chính phủ tạm quyền. Việc Giám đốc CIA có mặt tại Kiev bằng tên giả cũng đang cho thấy bàn tay can thiệp của Washington.

Khả Anh