Báo Công An Đà Nẵng

Miên man nắng dã quỳ

Thứ hai, 06/11/2023 15:16

Tự dưng, tôi nhận được cú điện thoại của một đồng nghiệp ở Hà Nội, bảo rằng: "Chú còn giữ bức ảnh dã quỳ nào không? Gửi ngay cho anh mấy bức. Nhớ dã quỳ và Đà Lạt quá!". Tôi đùa, tưởng nhớ thương gì lại đi thương nhớ dã quỳ, có mà dở người! Tất nhiên, không thể thất hứa với bạn, tôi vội xách máy ảnh thoát khỏi thành phố, hướng về phía ngoại ô, đi tìm những vạt quỳ vàng dát cuối triền thung.

Đà Lạt dợm bước vào mùa khô, nắng vẫn se se ấm và trong, nhưng sương mù thì ngày càng thưa vắng. Đang chạy xe lòng vòng trên các con phố để hướng về phía ngoại ô, chẳng hiểu sao nơi tận cùng sâu thẳm ký ức tôi bỗng len lén một nỗi hoài nghi mơ hồ: Đà Lạt sẽ còn lại gì, nếu thiếu sương và hoa dại? Chắc hẳn thành phố sẽ rất buồn khi suốt ngày chỉ nhìn thấy rặt những luống hoa ngay hàng thẳng lối và được trồng quy củ trong nhà kính của các nhà vườn ứng dụng công nghệ cao? Tâm trí tôi thừa sức hiểu những loài hoa sang trọng đó mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho người trồng hoa. Nhưng tâm hồn tôi thì hoàn toàn ngược lại, không mảy may xúc cảm với những luống hoa ngay hàng thẳng lối, và lòng tôi cũng chẳng thể nào lớn hơn thêm khi ngắm nhìn những loài hoa có phần "khôn" ấy.

Màu nắng dã quỳ.

Tôi vốn là thằng bé con biết buồn sớm. Mới tý tuổi đầu đã thích nghĩ ngợi viển vông hoang vu. Có lẽ vì thế mà tôi yêu dã quỳ. Yêu loài hoa biểu trưng của lòng trung thành, nhiệt huyết và cống hiến. Một loài hoa không mang màu chán nản, nở đầm đìa trong miên man, rờm rợp và bừng nở cả trong cô đơn, thinh lặng. Dẫu chỉ là một gốc sót lại trên mảnh đất đầu thừa đuôi thẹo, hay ken dày trong mê man những đồi cao lũng thấp, thì dã quỳ vẫn phởn phơ sức sống mãnh liệt đến hoang tràn. Tôi tìm thấy mình trong cái cách bừng nở và cả trong cách tàn úa của dã quỳ. Tôi yêu dã quỳ bằng khát vọng đất bazan.

Đây rồi, những đóa hoa đang bừng lên giai điệu quê nắng, nở hoang tràn cả một miền hoang thẳm gió. Chẳng biết sắc dã quỳ có màu vàng nắng là vì mặt trời hóa thân hay do đất lửa bazan đang đốt đuốc đại ngàn để tỏa ấm chốn sương mù trong những ngày đông giá? Trong một lần lang thang cùng nhà thơ Vương Tùng Cương - hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, khi ông mới đặt chân đến Đà Lạt, tôi đã thấy ông hạ bút viết về dã quỳ: "Vàng đến mê man làm sao ta cưỡng nổi/ Đắm đuối hoa núi đã trăng kề".

Ông chia sẻ rằng, mỗi lần trông loài hoa này nở, ông có cảm tưởng trời đất Tây Nguyên như đang khoác lên mình vương miện của mùa thu lộng lẫy sắc nắng. Bất chợt, nhà thơ Vương Tùng Cương ngẫu hứng đọc luôn hai câu thơ: "Em bên đường cháy màu hoang vắng/ Qua bão giông rồi em vẫn chờ ta".

Vâng, có thể thế thật! Cuộc sống hiện đại gắn chặt con người vào những mảng bê tông cốt thép, vào tiện nghi đủ đầy, vào thế giới ảo, đầy những mờ phai và lãng quên, thì những giây phút được cô đơn lang thang trên những con đường dã quỳ lầm bụi, gió ràn rạt thổi cũng có thể xem như một cuộc trở về với tự nhiên tính vậy.

Từ xưa xa, loài hoa này đã được người dân Tây Nguyên coi là loài hoa báo nắng. Dã quỳ nở là mùa khô về. Gió cao nguyên càng hào phóng, lồng lộng thổi chừng nào, thì sắc dã quỳ càng viên mãn, bung tỏa chừng ấy. Dã quỳ như được mặc định để chống lại sự số hóa, vô cảm hóa trong thời đại văn minh hậu công nghiệp. Có lẽ vì thế mà không gian sống của dã quỳ đang ngày một bị thu hẹp và mất dần. Những đồi hoang, lũng dại dần được thay thế bằng những dãy nhà cao tầng, những khu resort chất ngất và…dã quỳ tiếp tục bị đẩy ra xa, xa mãi. Giờ đây, trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, dã quỳ không đủ sức để phô diễn sức sống rạo rực, mạnh mẽ nữa và cũng không còn lợp nắng miên man, không còn trải thảm ken dày như trước nữa. Song, dã quỳ đúng hẹn vẫn nở, chỉ có điều nở trong thắc thỏm và âu lo.

Số phận của loài hoa vàng rực, hừng hực ánh mặt trời nơi vùng đất đỏ bazan, từng ấp ủ nỗi nhớ, niềm thương của bao người, giờ đang nở trong cô đơn bàng bạc, nở trong lạnh lẽo lang thang và bất định. Chẳng biết có ai người còn nhớ cái màu nắng dã quỳ không?

Tôi mê mải chụp ảnh dã quỳ cho đến khi tắt nắng, như thể để tìm một cái gì đó xa xôi trong ký ức, hay là để hưởng một giá trị thật, riêng có còn lại ở phía gió sương chìm lặng? Và rồi, tôi hiểu, con người cũng như cỏ cây, hoa lá cần phải trải qua nhiều giông bão tả tơi thì may ra những giá trị thật, riêng có mới hiển lộ. Ở thời khắc ấy, lòng tôi cũng trong suốt và run rẩy như hoa. Nhưng dù yêu cách mấy, tôi cũng chẳng dám bứt một cánh hoa. Vì tôi biết, dã quỳ chỉ cần rời khỏi cành là lập tức rũ héo.

Trịnh Chu