Miên man Trường Định
(Cadn.com.vn) - Thôn Trường Định, Hòa Liên, Hòa Vang, TP Đà Nẵng, ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Cu Đê hiền hòa, nơi tôi nhiều lần ghé thăm, đã nhiều đổi thay. Một cây cầu hiện đại vắt qua sông soi bóng trên dòng Cu Đê, điện, đường, trường trạm đã cơ bản, nhiều dự án phát triển kinh tế đang mở ra. Nhưng Trường Định vẫn còn đó với biết bao lo toan trong cuộc sống hiện tại hôm nay...
Ông Võ Văn Thành-Trưởng thôn Trường Định tâm sự, Trường Định có 250 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu, đời sống người dân gọi là "khá" thì chưa được, nhưng gọi là "ổn" thì tàm tạm...! Ổn, bởi gần chục năm qua người dân đã hết cảnh "đò giang cách trở", ổn bởi toàn thôn đã cơ bản xong hệ thống đường bê-tông nông thôn, điện sinh hoạt, trường học, trạm xá cũng đã cơ bản. Thế nhưng, đời sống gần 100% người dân nơi đây vẫn chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp ngay trên đồng đất quê mình. Nhiều dự án đã mở ra như chăn nuôi, trồng rau sạch... nhưng cũng mới chỉ manh nha, còn nằm trên "kế hoạch".
Ông Huỳnh Văn A-thành viên Tổ nuôi trồng thủy sản của thôn cũng góp chuyện, mấy năm gần đây Trường Định mở ra hướng làm ăn mới, đó là nuôi con tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Toàn thôn hiện đã có 30 ha diện tích ao hồ, với 30 hộ tham gia nuôi tôm, mấy năm trước thì còn tàm tạm, nhưng từ giữa năm 2014 trở lại đây, thời tiết thất thường, rồi "đầu ra" của con tôm cũng không tập trung, giá cả không ổn định, nên cũng "phiêu" lắm. "Đấy, ngoài con tôm thì cả thôn chỉ trông chờ vào hơn 80 ha đất sản xuất nông nghiệp, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa từ nguồn nước trời...". 80 ha đất sản xuất, cho hơn 200 hộ dân, trồng lúa một vụ, mỗi sào thu từ 4 đến 5 tạ lúa thì cuộc sống người dân chỉ "tàm tạm" chứ còn gì nữa!"-ông Thành nói thêm. Người xưa nói, làm nông nghiệp điều tiên quyết là "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống".
Không có nước sản xuất, mấy năm qua, bà con trong thôn đã nhiều lần kiến nghị chính quyền và ngành chức năng cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, để thay đổi vật nuôi, cây trồng, nhưng chẳng thấy phản hồi. Vậy cứ để diện tích đất ấy trồng lúa, trồng màu thì phải có nước, cho đến bây giờ Trường Định là thôn duy nhất ở Hòa Liên không có hệ thống kênh mương nội đồng. Ông Thành bảo, cách đây hơn 10 năm, nhà nước có đầu tư xây dựng công trình đập thủy lợi Trà Ngâm, nghe đâu do Sở NN-PTNT thành phố làm chủ đầu tư. Dự án khi mới triển khai, bà con Trường Định rất mừng, nhưng cũng nghe đâu, sau khi giải ngân vài tỷ đồng, công trình ngừng luôn từ đó tới nay.
Toàn bộ diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản ở Trường Định chưa có giấy tờ pháp lý. |
Ngoài sản xuất nông nghiệp, thôn còn gần 500 ha đất rừng sản xuất trồng cây lâm nghiệp, nhưng toàn bộ chưa được nhà nước làm giấy tờ đất đai cho người dân. Chưa xảy ra khiếu kiện, nhưng tranh chấp nhỏ đã xảy ra, rồi người dân không yên tâm sản xuất trên diện tích đất rừng của mình, trồng cây gì, nuôi con gì, vẫn cứ loay hoay năm này qua năm khác…Không chỉ đất rừng, gần 48 ha đất ao hồ nuôi trồng thủy sản, hiện cũng không một tờ giấy mang tính pháp lý, tất cả chỉ là mang tính "tự phát". Ông A cho biết, để đầu tư nuôi tôm, 80% số hộ nuôi tôm phải dùng "sổ đỏ" nhà đất để thế chấp ngân hàng, nếu năm nào cũng gặp khó khăn như năm nay, chắc chỉ còn nước bán nhà...
Câu chuyện ở Trường Định cứ miên man từ chuyện kênh mương nội đồng, đến giấy tờ đất rừng, đất ao, đất hồ nuôi tôm, đến chuyện người nông dân trăn trở làm ăn sao cho có hiệu quả, để nâng cao, cải thiện cuộc sống. Càng nghe sao lại thấy đúng là còn nhiều điều rất băn khoăn. Được biết, Hòa Liên cũng như toàn huyện Hòa Vang trong những năm qua đang triển khai mạnh mẽ Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Có lẽ những băn khoăn của bà con Trường Định đang rất cần chính quyền và ngành chức năng huyện và TP khẩn trương xem xét, có kế hoạch hỗ trợ, tháo gỡ để Trường Định vững bước đi lên.
Hồng Thanh