Miền Nam Thái Lan chìm trong bất ổn
3 tỉnh cực nam của Thái Lan đã phải đối mặt với một cuộc xung đột gay gắt trong 15 năm qua, vốn khiến hơn 7.000 người thiệt mạng.
Lực lượng an ninh chính phủ điều tra tại hiện trường vụ tấn công ở tỉnh Yala vào sáng 6-11. Ảnh: AFP |
Giới chức an ninh ngày 6-11 cho biết, các đối tượng được cho là phần tử nổi dậy ly khai đã sát hại ít nhất 15 thành viên lực lượng tình nguyện phòng vệ làng và làm 4 người khác bị thương trong vụ xả súng đêm 5-11 tại một trạm kiểm soát an ninh ở khu vực miền Nam có đa số người Hồi giáo sinh sống của Thái Lan.
Vụ xả súng lớn nhất trong nhiều năm qua
Vụ tấn công xảy ra vào khoảng 23 giờ 20 ngày 5-11, đánh dấu một trong những ngày đẫm máu nhất trong cuộc nổi dậy kéo dài 15 năm ở miền nam Thái Lan.
Theo AFP, những kẻ tấn công ở tỉnh Yala cũng sử dụng các thiết bị nổ và rải đinh trên đường để kìm chân lực lượng truy quét trong vụ việc được chính quyền miêu tả là vụ xả súng lớn nhất trong nhiều năm qua. Người phát ngôn lực lượng an ninh khu vực, Đại tá Pramote Prom-in cho biết, những kẻ tấn công đã lấy súng trường M-16 và súng ngắn từ các trạm kiểm soát. “Vụ này có khả năng do lực lượng nổi dậy gây ra. Đây là một trong những vụ tấn công lớn nhất trong thời gian gần đây”, ông nói. Ông Pramote cho biết thêm, 12 người thiệt mạng tại hiện trường, 2 người khác chết tại bệnh viện và 1 người khác thiệt mạng vào sáng 6-11. Chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Một đội rà phá bom mìn được phái đến hiện trường vào sáng 6-11 để điều tra và khống chế một thiết bị nổ do những kẻ tấn công bỏ lại trước khi chạy thoát. Chỉ huy quân đội miền Nam nói với các phóng viên, những kẻ tấn công đang nhắm mục tiêu “điểm yếu”. “Đây là hành động tấn công nhằm mục tiêu khiến người dân Thái Lan sợ hãi”, ông Pornsak Poonsawasdi nói. Trong tuyên bố đưa ra sau vụ tấn công, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha nhấn mạnh, thủ phạm phải “được đưa ra công lý”.
“Ăn miếng trả miếng”
3 tỉnh cực nam của Thái Lan đã phải đối mặt với một cuộc xung đột gay gắt trong 15 năm qua, khi các chiến binh Hồi giáo Malay-Malay đấu tranh đòi quyền tự trị nhiều hơn từ nhà nước Thái Lan. Hơn 7.000 người thiệt mạng trong các cuộc xung đột này.
Các cuộc xung đột mang đặc trưng bởi các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” thường nhắm vào các biểu tượng của nhà nước Thái Lan và lực lượng an ninh của họ. Nhưng dân thường ở cả cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo ở đây cũng thường bị cuốn vào cuộc chiến. Bạo lực đổ dồn vào các điểm du lịch, như năm 2012 khi một loạt vụ đánh bom xe xảy ra ở Hat Yai của tỉnh Songkhla đã giết chết 13 người. Các sự cố nhắm vào các điểm du lịch như thế này đã ít hơn trong những năm gần đây, nhưng các vụ tấn công đã trở nên “dữ dội hơn”, chuyên gia quân sự Don Pathan cho biết.
Cuộc tấn công mới nhất này đánh dấu nỗ lực phối hợp lớn nhất “trong một thời gian kéo dài”, xảy ra chỉ vài ngày sau khi Bangkok tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN, vốn quy tụ lãnh đạo các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới cùng với hàng trăm nhà báo nước ngoài. “Nó (cuộc tấn công) là một lời nhắc nhở rằng chúng vẫn còn ở đây”, ông Don Pathan nói thêm.
Các thành viên thuộc lực lượng tình nguyện phòng vệ làng hiếm khi thu hút phiến quân “trừ khi họ vượt qua ranh giới và trở thành một phần của bộ máy an ninh chính phủ”, ông nói thêm. Vụ việc mới nhất gây phẫn nộ trong khu vực là cái chết vào tháng 8 của Abdulloh Esormusor, một người đàn ông Hồi giáo bị quân đội giam giữ và bỏ lại trong tình trạng hôn mê sau khi bị thẩm vấn tại một nhà tù khét tiếng ở Thái Lan. Vài ngày sau khi Abdulloh bị giam giữ, 4 người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào đêm khuya tại một tiền đồn quân sự, làm dấy lên đồn đoán về một hành động trả đũa của các phiến quân. Một tuần sau, một số quả bom nhỏ đã phát nổ ở Bangkok, khiến 4 người bị thương khi thành phố tổ chức một hội nghị lớn có sự tham dự của các nhà ngoại giao hàng đầu, bao gồm cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Chính quyền Thái Lan cáo buộc tội cho quân nổi dậy miền Nam - mặc dù không có nhóm nào nhận trách nhiệm về các vụ tấn công.
KHẢ ANH