Báo Công An Đà Nẵng

Miền Tây giữa lòng hồ Khe Tân

Thứ ba, 22/03/2016 11:02

(Cadn.com.vn) - Trong khung cảnh chỉ có mây và núi, bao bọc bởi một vùng nước mênh mông trắng xóa, 9 năm nay, đôi vợ chồng "người miền Tây" cùng với 4 đứa con định cư sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng bè ngay giữa lòng hồ Khe Tân (Đại Lộc, Quảng Nam). Dù nghề nuôi cá còn nhiều rủi ro, thăng trầm nhưng cuộc sống của họ vẫn vui, êm ả trôi giữa dòng đời ngược xuôi.

Anh Trương Văn Lành là người lĩnh xướng mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ Khe Tân.

Trước mắt là mặt hồ nước êm ả, không một chút gợn sóng với không gian mênh mông, tĩnh lặng, thấp thoáng bóng những chú vạc, cò chốc chốc sải cánh bay cao và cả tiếng cá quẫy dưới hồ nước sâu thăm thẳm. Giữa sương mù sáng sớm mờ ảo, thấp thoáng ẩn hiện các lồng bè nuôi cá phía xa xa... Đang loay hoay tìm cách để đến đó thì một đứa trẻ mặc áo trắng,  khăn quàng đỏ nói í ới: "Mẹ ơi, có ai đó gọi cho qua sông với tề". Đang lui cui dưới thuyền, một người phụ nữ dáng người cao to ngẩng lên rồi chèo thuyền vào đón tôi. Trao đổi dăm ba câu, khi biết tôi là nhà báo, chị tự giới thiệu tên là Phan Thị Mai và vui vẻ cho biết cách đây không lâu cũng có một cô phóng viên trẻ lặn lội đến đây viết bài...

Quen sống chung với cảnh sông nước nên cách chèo đò của chị cũng thật lạ. Chị dùng chân để chèo nhưng rất khéo léo và nhịp nhàng. Giọng nói của chị âm ấm đặc sệt tiếng miền Tây nhưng cũng rẹt ri tiếng Quảng: "Tôi quê gốc ở Hà Nội, ngay từ nhỏ đã vào Đồng Nai sinh sống cùng gia đình giữa vùng sông nước mênh mông. Từ khi bén duyên với anh Lành, chúng tôi về đây ngụ cư đã 9 năm ni rồi. Quen với cảnh sông nước nên vợ chồng làm nhà ở kết hợp nuôi cá lồng bè sinh sống ngay giữa lòng hồ Khe Tân này". Lát sau thuyền đã cập vào "bến nhà". Trong nhà chất ngổn ngang các bao thức ăn cho cá. Thấy tôi chú ý đến hàng giấy khen dán phía cuối nhà, chị Mai bắt chuyện rất tự nhiên: "Giấy khen đó đều là của con tôi đấy. Tuy khó khăn về đi lại nhưng mấy đứa học giỏi lắm, nhất là thằng thứ nhì. Nó mơ ước được làm bác sĩ, chúng tôi rất vui nên luôn động viên và cố gắng chăm lo cho con thật tươm tất".

Anh Trương Văn Lành trò chuyện về nghề nuôi cá lồng bè cùng tác giả.

Kể về nghề nuôi cá lồng bè, anh Trương Văn Lành bắt chuyện rất tự nhiên với nụ cười hiền hậu, thân thiện: "Vì gia cảnh khốn khó nên tôi sớm bỏ học để mò cua, bắt ốc, cá... phụ giúp gia đình, nhưng cái đói, cái khổ cứ mãi đeo bám. Một mình vác ba lô rời quê hương, tôi vào Đồng Nai cầu thực với hai bàn tay trắng và ngọn lửa đam mê nghề nuôi cá. Sau hơn 20 năm thăng trầm, tôi trở về quê hương "an cư lạc nghiệp" bằng nghề nuôi cá lồng bè khá thành công". Nhưng có ai biết được lúc còn "chân ướt, chân ráo" khi về quê lập nghiệp, gia đình anh Lành đã từng "xất bất xang bang" vì... cá. Năm 2009, mẻ cá tràu (cá lóc) đầu tiên thất bại thảm hại với hàng tấn cá chết trắng. Nhờ sự động viên tinh thần, hỗ trợ kịp thời 4 bè cá giống cùng 10 triệu đồng của Huyện ủy Đại Lộc, anh đã cố gắng vực dậy.

Nhớ lại thời điểm đó, anh Lành trầm ngâm: "Khi nuôi cá bằng lồng bè làm từ gỗ, để hạn chế ánh sáng trực tiếp chiếu vào cá nên tôi bọc xung quanh bằng bạt nhựa (vì giống cá tràu rất nhạy cảm với ánh sáng-P.V). Lúc đó đàn cá đang bị bệnh, chỉ một chút bất cẩn trong kỹ thuật cho ăn và chữa bệnh mà tôi mất trắng hơn 2,7 tấn cá tương đương với 300 triệu đồng chỉ trong tích tắc". Từ thất bại đó, anh chuyển sang nuôi cá lồng (điêu hồng, cá leo) mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hằng năm vài trăm triệu đồng. Vốn có kinh nghiệm, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi cá, đồng thời động viên anh em trong gia đình mở rộng quy mô. Lòng hồ Khe Tân chính là nơi khởi phát hình thức nuôi cá lồng (điêu hồng, lóc) của Đại Lộc với khoảng 86 lồng được thả nuôi (năm 2015 - P.V). Với hiệu quả kinh tế rõ rệt, hình thức nuôi cá lồng như đang đánh thức tiềm năng phát triển cho nhân dân vùng B Đại Lộc.

Với vai trò là người "lĩnh xướng" hình thức nuôi cá lồng bè, từ năm 2009, anh Lành đã cùng với anh em trong gia đình đầu tư  nuôi cá lồng bè với tổng số 86 lồng cá điêu hồng, cá leo. "Mọi người hay nhầm cá nuôi thịt không ngon bằng cá tự nhiên. Nhưng với nguồn thức ăn chất lượng, kiểm soát hằng ngày đã cung cấp đầy đủ chất đạm cho cá, giúp cá phát triển tốt và thịt chắc hơn", anh Lành tâm sự. Nhờ vậy, không chỉ các nhà hàng, khách sạn mà cả người tiêu dùng đều rất ưa chuộng nên đến tận nơi để mua. Từ đó, để phát huy thế mạnh của địa phương, Đại Lộc đã triển khai nhiều mô hình thí điểm như nuôi cá bống tượng, tôm càng xanh, cá chình trong ao tại Đại Chánh, Đại Hiệp; mô hình nuôi cá lóc, cá trê trong bể xi-măng... Từ năm 2012, Phòng NN&PTNT H. Đại Lộc, đã hỗ trợ trực tiếp 3 mô hình nuôi thí điểm cá nước ngọt theo cơ chế "Nông dân làm, Nhà nước hỗ trợ" với các mô hình nuôi cá điêu hồng tại thôn Xuân Tây (Đại Tân), nuôi cá điêu hồng thả lồng trên bàu Thạch Bộ (Đại Hòa) và bàu Sấu (Đại Đồng). Thế nhưng, kết quả từ những mô hình nuôi thí điểm này chưa thực sự hiệu quả như sự kỳ vọng.

"Với kỹ thuật nuôi an toàn và hiệu quả, tôi tự tin với chất lượng mỗi lứa cá bán ra. Nhưng mỗi khi xuất bán với hàng tấn cá, tôi luôn bị động và bị thương lái ép giá. Thời gian tới, tôi sẽ chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhất là các thị trường truyền thống", anh Lành cho biết. Vấn đề này lãnh đạo H. Đại Lộc cũng đã sớm nhìn ra và đang chủ động tìm hướng đi rộng mở hơn.

Tân Sinh