Báo Công An Đà Nẵng

Miền trăng tối - câu chuyện về tuổi thanh xuân nơi ấy

Thứ ba, 10/10/2023 07:57
Bìa cuốn sách Miền trăng tối.

Cuốn sách có dung lượng 224 trang gồm 12 chương, trang bìa xinh xắn với bức tranh có nền xanh cùng đôi nam nữ trong một đêm trăng nguyệt thực. Tiểu thuyết đã dẫn dắt độc giả đi qua một câu chuyện đời, chuyện tình đầy ám ảnh nhưng không kém phần lãng mạn.

Vũ Ngọc Giao là một cây bút nữ giàu nội lực, có truyện ngắn xuất hiện khá đều đặn trên các trang báo từ trung ương đến địa phương những năm gần đây. Ba tập sách trước đó của chị đã xuất bản: “Búp bê Matryoshka” (Tản văn - Truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn 2019); “Dòng chảy” (Hồi ký, chấp bút, NXB Hội Nhà văn 2022) và “Người đàn bà và chiếc dương cầm” đã minh định một phong cách viết dung dị, nhẹ nhàng nhưng buồn thương day dứt.

“Miền trăng tối” mượn lời kể chuyện của Hà Lam, một nữ phóng viên trẻ trong chuyến thực tế ở Thái Nguyên để viết bài phóng sự về những con suối ở miền bán sơn địa này để tái hiện lại câu chuyện xảy ra trên ngọn đồi năm ấy, nơi một nhóm thanh niên trí thức với tình yêu quê hương, yêu cuộc sống dâng tràn đã tình nguyện đến nơi đây và gửi lại một phần tuổi xuân tươi đẹp. Họ đã ra đi mãi mãi trong một tai nạn sụp đất khi tuổi đời mỗi người mới chừng đôi mươi. Lồng trong câu chuyện ấy là bi kịch tình yêu của hai nhân vật Đăng và San, cùng nỗi cô đơn bản thể của đứa bé trai mồ côi cha mẹ từ lúc mới lên ba, cho đến ngày cậu bé ấy trở thành một người đàn ông luống tuổi sống cô độc nơi cao nguyên Di Linh…

Để câu chuyện tình yêu thêm thơ mộng, Vũ Ngọc Giao đã chọn không gian, thời gian trong một đêm trăng đại ngàn, giữa tiếng suối róc rách như bản tình ca bất tận của rừng sâu. Nhà văn dành thiện cảm cho những chàng trai cô gái trong nhóm thanh niên tình nguyện ấy; dù phải sống cách biệt trên ngọn đồi, lao động vất vả nhưng tâm hồn họ thật lãng mạn. Họ vẫn chan chứa niềm yêu con người và cuộc đời; biết chia sẻ với nhau từng bữa cơm thiếu thốn chỉ có rau rừng và luôn nuôi dưỡng những ước mơ: Đăng và San mong chờ ngày hoàn thành nhiệm vụ để kết hôn, Chinh sẽ đi học tiếp để thành một họa sĩ, Cầm ước về nhà để cõng đứa em trai tật nguyền ra đồng thả diều, Phi muốn sau này trở thành một kiến trúc sư thiết kế những ngôi nhà đẹp tuyệt. Đáng tiếc, trong một lần đào hầm ban đêm để tránh nắng hè thiêu đốt, họ vĩnh viễn bị chôn vùi trong đất đá, chỉ một người còn sống sót. Vũ Ngọc Giao không hề cố ý khi nói về nỗi buồn chiến tranh, nhưng độc giả sớm nhận ra những cái giá quá đắt mà con người phải trả qua những mảnh đời của San, Cầm, Chinh, Phi, Đăng... và lớp lớp thanh niên mãi trinh nguyên ở tuổi hai mươi nơi cánh rừng trong những năm tháng khốc liệt ấy.

Bên cạnh câu chuyện tình yêu, tình đồng đội giữa đại ngàn, ngòi bút Vũ Ngọc Giao luôn xoáy vào nỗi đau thân phận và niềm cô đơn bản thể của con người. Đọc hàng loạt truyện ngắn của chị, ta sớm nhận ra điều đó. Trong “Miền trăng tối”, có một nhân vật phụ được Vũ Ngọc Giao ký thác, gửi gắm. Người cha một mình trong căn nhà nơi cao nguyên xa thẳm, quanh năm chỉ vào ra với mảnh vườn, sửa soạn mọi thứ tốt nhất để đón cô con gái yêu trở về sau mỗi chuyến đi. Đêm đêm, trên chiếc giường cô quạnh, ông chỉ biết làm bạn với chiếc radio cũ kỹ và chiếc khăn choàng, kỷ vật duy nhất của mẹ ông để lại, luôn được xếp ngay ngắn bên gối… Thuở lên ba, cậu bé đã phải mồ côi, cha cậu chết vì thảm họa trên ngọn đồi kia; mẹ cậu bị ám ảnh bởi những gì đã từng chứng kiến nên cũng qua đời. Cậu bé lớn lên trong sự cưu mang của bà ngoại và những người dân bản. Lên mười sáu tuổi, bà ngoại mất, người thanh niên ấy bắt đầu tự lực kiếm sống và chuyển đến làm việc nơi cao nguyên xa xôi. Cô đơn và khổ đau đến tận cùng, nhân vật vẫn giữ được vẻ đẹp bản ngã, một mình nuôi dạy cô con gái duy nhất trở thành một phóng viên yêu nghề, xông xáo. Sau này, người đàn ông ấy đã trở lại ngọn đồi thiêng để tìm hài cốt người cha và đồng đội với mong ước cha mẹ ông và những người bạn được nằm gần nhau.

Những dòng đầu tiên trong tiểu thuyết “Miền trăng tối” có chút ma mị “Bầy quạ quàng quạc lượn về đậu trên nhánh cây gầy. Năm mươi năm sau hay mãi mãi, nơi này vẫn là ngọn đồi chết… từ đêm trăng ấy”, song đây là cách dẫn dắt để cuốn người đọc theo bước chân của người kể chuyện. Bên cạnh đó, Vũ Ngọc Giao cố ý tạo không khí pha trộn giữa thực và mộng qua hai giấc mơ nối tiếp nhau của Hà Lam khiến các tình tiết truyện ngày càng rõ nét. Thủ pháp đồng hiện, kết cấu đan xen giữa quá khứ và hiện tại; cách miêu tả cảnh hợp lý và giàu tính điện ảnh. Nhà văn đã chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ bối cảnh để nhân vật xuất hiện trong mỗi không gian và mang một màu sắc riêng biệt; trong đó khung cảnh cánh rừng có ngọn đồi thiêng được miêu tả một cách kỹ lưỡng. Cách khắc họa nhân vật từ ngoại hình đến nội tâm thật tinh tế; người đọc sớm nhận ra San - cô gái Tày duyên dáng với “ánh mắt có một ngọn lửa tình đang cháy”, thiếu nữ Cầm sống u uẩn, tâm hồn khép kín với những giằng xé về nội tâm: “chúng ta ai cũng có một thời thanh xuân tươi đẹp, chỉ là chúng ta chọn nó. Tôi không hối hận khi đã đến nơi này nhưng hơn một năm qua, nơi này thật sự đã bào mòn tôi…” , một đứa trẻ con “tâm hồn nó tựa như chia hai nửa, một nửa ánh sáng và một nửa bóng tối”… Đặc biệt, kết cấu mở ở đoạn cuối truyện đã thể hiện một cái nhìn đầy chất nhân văn của tác giả, đồng thời gieo vào lòng người đọc niềm tin về tình yêu thương giữa người với người, về đạo lý hướng về cội nguồn vẫn còn mãi, bất chấp quy luật nghiệt ngã của thời gian.

Nguyễn Thủy