Miền Trung gồng mình chống bão chồng lũ
Ngày 11-10, không chỉ tiếp tục hứng chịu những đợt mưa lớn kéo dài gây ngập lụt nặng, miền Trung còn gồng mình trước những "cú đấm" từ cơn bão số 6. Thiên tai hoạn nạn không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản mà nhiều nạn nhân cũng đã bị lũ nhấn chìm.
Người dân ven sông Túy Loan (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) phải đi lại bằng ghe thuyền. |
Đà Nẵng: 2 thuyền viên vẫn đang mất tích
Sáng 11-10, mực nước trên các sông Yên, Túy Loan (H. Hòa Vang) sau gần 1 ngày dâng cao do các hồ thủy điện đầu nguồn đồng loạt xả lũ đã có dấu hiệu chững lại và đang xuống chậm. Các khu dân cư ven sông nằm trong vùng trũng thấp ở các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Tiến và thôn Tây An (xã Hòa Châu) vẫn còn ngập chìm trong biển nước; người dân trong khu vực phải bơi ghe thuyền di chuyển. Nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn còn ngập sâu, các lực lượng chức năng phải tổ chức chốt chặn, nghiêm cấm người dân qua lại để đảm bảo an toàn.
Nhằm chủ động ứng phó "bão chồng lũ", các địa phương đã tổ chức di dời hơn 725 hộ dân (2.550 người) ở vùng thấp trũng, ven sông suối, đồi núi... đến nơi trú ẩn an toàn. Các tuyến giao thông nông thôn: ADB5 từ Hòa Liên đi Hòa Bắc, ĐH409 từ Hòa Tiến đi Hòa Khương có nhiều điểm bị sạt lở, các địa phương phải đặt biển cảnh báo... Riêng 2 trường hợp ông N.B.T. (1972, trú thôn 5, xã Hòa Khương) đánh bắt cá dưới chân đập hồ Đồng Nghệ (xã Hòa Khương) và anh N.V.N. (1992, tạm trú P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) cùng nhóm bạn đi "săn" kỳ nhông ở vườn ươm Đông Sơn (xã Hòa Ninh) đã bị nước lũ cuốn trôi trong ngày 10-10, đến chiều 11-10, các lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân.
Nước sông Yên dâng cao, chảy siết gây xói lở tuyến ĐH409 từ Hòa Tiến đi Hòa Khương (H. Hòa Vang, Đà Nẵng). |
Trong ngày, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cũng cho biết: tàu cá ĐNA-90988-TS hiện vẫn đang mất tích. Tàu cá này chạy từ bến cá Thọ Quang qua âu thuyền Thọ Quang để tránh lũ vào khoảng 6 giờ sáng 9-10, khi tàu chạy đến Mũi Đèn thì bị mất liên lạc. Lúc gặp nạn trên tàu có 2 ngư dân. Các đơn vị cứu hộ đang tiếp tục triển khai tìm kiếm.
Trước đó, khoảng 15 giờ 30 ngày 9-10, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II nhận được thông tin từ tàu cá ĐNa 07070 TS của Đà Nẵng trên hành trình vào nơi trú ẩn thì bị mất liên lạc từ 13 giờ cùng ngày tại khu vực Mũi Nghê (Sơn Trà). Trên tàu có 2 ngư dân là Nguyễn Văn Lý (56 tuổi, trú P. An Bải Bắc, Q. Sơn Trà) và Lê Văn Trưng (37 tuổi, trú P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu). Ngay khi tiếp nhận thông tin, trong đêm 9-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hồ Kỳ Minh đã điều động tàu thuộc Công ty CP Tàu lai Cảng Đà Nẵng xuất phát từ cầu cảng của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II cùng với 7 nhân viên cứu nạn của đơn vị này trực tiếp ra hiện trường để tìm kiếm, khẩn trương xác định vị trí ngư dân bị nạn để tổ chức ứng cứu trong thời gian sớm nhất. Qua nhiều giờ tìm kiếm, đến 20 giờ 55 tối ngày 9-10, các nhân viên cứu nạn hàng hải báo về là tìm thấy 2 thuyền viên và triển khai phương án ứng cứu.
Đến chiều 11-10, nhiều nơi của TP Tam Kỳ (Quảng Nam), QL1A vẫn còn ngập sâu. |
Quảng Nam: 3 người chết, 2 người mất tích
Trưa 11-10, UBND TX Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể hai vợ chồng ở địa phương bị nước lũ cuốn trôi. Trước đó chiều 10-10, vợ chồng anh L.T.Q (1994) và chị L.T.H.S (1997, trú thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, TX Điện Bàn) đi đám cưới người thân ở xã Duy Hòa (H. Duy Xuyên). Sau khi đi ăn cưới trở về, khi đi qua đoạn đường ĐT609B (thuộc xã Đại Hòa, H. Đại Lộc, Quảng Nam), vợ chồng anh Q. không may bị nước lũ cuốn trôi. Nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã cử lực lượng chức năng phối hợp cùng người dân tìm kiếm nạn nhân. Đến sáng 11-10, thi thể của vợ chồng anh Q. được tìm thấy cách vị trí bị cuốn trôi khoảng 50m.
Tại TP Tam Kỳ cũng xảy ra vụ tai nạn đuối nước trong lúc bơi ghe. Ngày 9-10, ông Huỳnh Tấn L. (1959, trú TP Đà Nẵng) về thăm nhà ba mẹ tại khối phố Phú Sơn (P. An Phú, TP). Đến trưa 11-10, ông L. một mình chèo ghe trên địa bàn khối phố Phú Sơn thì gặp vùng nước sâu khiến ghe lật, ông L. mất tích. Nhận thông tin, lực lượng chức năng P. An Phú và TP Tam Kỳ có mặt để tìm kiếm, sau đó vớt được thi thể ông L., bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Sáng cùng ngày, người dân địa phương phát hiện tàu cá mang số hiệu QNa-90499 (chủ tàu là ông Nguyễn D., 47 tuổi, trú xã Tam Hải, H. Núi Thành, Quảng Nam) bị lốc xoáy đánh chìm khi đang neo đậu trên sông Trường Giang. Qua xác minh từ gia đình, tối 10-10, ông D. cùng con trai là anh Nguyễn Phúc Đ. (23 tuổi) ra ngủ lại để trông coi tàu cá và mất tích. Hiện chính quyền địa phương đã triển khai lực lượng cứu hộ để tìm kiếm 2 cha con ông D. Tuy nhiên, do nước sông đang chảy rất xiết nên công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn...
Nhiều nhà dân ở xã Quảng Phú, H.Quảng Điền (TT-Huế) ngập sâu trong lũ. |
TT- Huế: 4 người chết và mất tích; hơn 53 ngàn ngôi nhà chìm trong lũ
Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ, đến chiều 11-10, trên địa bàn có 3 người chết. Các nạn nhân gồm: ông Dương Phước Hải (31 tuổi, trú TT Phong Điền, H.Phong Điền) bị mất tích tại Hồ Bàu Sen khi đi bắt chim, bị lật thuyền và sau đó được tìm thấy thi thể. Ông Phạm Văn Long (25 tuổi, trú TT Sịa, H.Quảng Điền) bị chìm đò. Ông Đinh Như Hùng (21 tuổi, trú xã Phú Hồ, H.Phú Vang) bị trượt chân đuối nước. Hiện, còn 1 người mất tích là cháu Võ Văn Nhật Huy (6 tuổi, trú P.Tứ Hạ, TX.Hương Trà) chưa tìm thấy. Ngoài ra, có 7 người khác bị thương... Do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp nên tỉnh TT-Huế đã có thông báo tiếp tục cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày 12 và 13-10. Hiện, Điện lực TT-Huế đã xuất tuyến 60% nguồn trên địa bàn, những vùng cao có điện; các huyện ngập nặng bị Phong Điền; Quảng Điền, Hương Trà; Phú Vang, Hương Thủy và một số khu vực TP. Huế bị mất điện hoàn toàn.
Mưa lũ trong những ngày qua khiến hầu hết các tuyến đường tỉnh đã ngập sâu, tắc giao thông, ngành giao thông đã rào chắn hạn chế đi lại. Hệ thống đường ở các huyện, thị xã hầu hết cũng ngập úng, bị cô lập. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, tỉnh TT-Huế đã quyết định xuất cấp mỳ tôm từ nguồn dự trữ lương thực phòng chống thiên tai cấp tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho hộ di dời phòng tránh mưa lũ trên địa bàn. Trong đợt lũ đặc biệt lớn, toàn tỉnh có 53.385 nhà bị ngập lụt từ 0,5-1,8m, trong đó TX Hương Trà hơn 11.000 nhà bị ngập, H.Quảng Điền hơn 16.000, H.Phong Điền hơn 8.000, TP.Huế hơn 2.500 nhà dân.
Tại "rốn lũ" H.Phong Điền ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện cho biết, ngay trước khi bão lũ xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương triển khai cho dân chủ động lương thực, thực phẩm từ 3-5 ngày để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ kéo dài. Tuy nhiên, 3 ngày qua, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nước ngập hầu hết các địa phương vùng thấp trũng, ven sông nên nhiều lương thực, thực phẩm dự trữ của dân bị ướt, hư hỏng, trôi... Ngay sau khi tiếp nhận nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh với 3.000 thùng mì và 18.000 kg gạo trong ngày 11-10, huyện đã hỗ trợ ngay về cho các địa phương; đồng thời yêu cầu các địa phương đưa về kịp thời hỗ trợ cho dân. "Huyện đã phân công tổ ứng cứu kèm phương tiện thuyền ghe về chốt tại địa bàn khu dân cư để chủ động và kịp thời ứng cứu, đưa các bà mẹ mang thai, những người đau bệnh nặng lên Trung tâm Y tế huyện hoặc BVT.Ư Huế cơ sở 2. Tổ chức các đoàn cứu trợ khẩn cấp đối với các hộ di dời, các gia đình gặp khó khăn..."- ông Bình thông tin. Lũ lớn cũng đã tràn qua khu vực 34 ha nuôi cá của người dân ở TX Hương Thủy, nhiều sản lượng cá đã bị cuốn trôi. Hàng trăm ha hoa màu của H.Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang... bị hư hại.
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh trong ngày 11-10 cũng đã chỉ đạo lực lượng quân sự, biên phòng có phương án đảm bảo an ninh, an toàn tài sản đối với chiếc tàu Jakartaa trôi dạt vào bờ biển bãi Chuối (thuộc TT Lăng Cô, H.Phú Lộc). Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đánh giá, đề xuất phương án ứng phó với sự cố tràn dầu. Trước đó, vào sáng ngày 10-10, lực lượng biên phòng tỉnh TT-Huế trong khi tuần tra, kiểm soát địa bàn đã phát hiện chiếc tàu này trôi dạt vào. Qua xác minh, tàu hàng treo cờ Đài Loan, thân dài khoảng 70 m, rộng 30 m, cao 25m với 7 tầng.
"Rốn lũ" Tân Ninh, H. Quảng Ninh (Quảng Bình). |
Quảng Bình: 2 người chết và mất tích
Sau 3 ngày mưa lũ, Quảng Bình đã có 1 người chết là anh Nguyễn Văn Quang (1973, trú tại xã Xuân Thủy, H. Lệ Thủy) là nạn nhân bị lũ cuốn trôi từ chiều ngày 8-10, 1 người mất tích là chị Hồ Thị Liêu (1973, trú tại xã Dân Hóa, H. Minh Hóa) hiện lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm. Ngoài ra, theo thông tin xác nhận từ Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, H. Quảng Ninh, người dân địa phương vừa phát hiện 1 thi thể đàn ông khoảng 45-50 tuổi (chưa rõ danh tính) bị trôi dạt vào bờ biển. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp y, chính quyền xã Hải Ninh đã tổ chức mai táng cho nạn nhân.
Toàn tỉnh có hơn 14.700 nhà dân bị ngập sâu với mức nước từ 0,5 - 3m, trong đó nặng nhất là H. Lệ Thủy trên 9.000 nhà, Quảng Ninh trên 4.000 nhà; nhiều thôn bản bị cô lập, chia cắt hoàn toàn. Để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng chức năng đã di dời 266 hộ (H. Tuyên Hóa 148 hộ, Lệ Thủy 59 hộ, Quảng Ninh 54 hộ, thành phố Đồng Hới 5 hộ) về nơi an toàn; đồng thời, rà soát kiểm tra những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các vùng núi, sông suối, ven biển sẵn sàng các phương án di dời hàng nghìn người dân đến nơi tránh trú an toàn. Lực lượng chức năng luôn túc trực 24/24 để tiếp tế lương thực và ứng phó với các sự cố xảy ra, đồng thời sẵn sàng các phương án di dời hàng nghìn người dân ở nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn.
Thống kê thiệt hại ban đầu, toàn tỉnh có khoảng 877 ha nuôi trồng thủy sản, 90 lồng cá, 314 ha cây trồng hàng năm, 1146 ha hoa màu, 12 ha lúa của người dân bị hư hại nặng, 2 tàu cá bị chìm và hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết do nước lũ...
Nhóm P.V