Báo Công An Đà Nẵng

Miền Trung gồng mình chống chọi “phiên bản Xangsane”

Thứ ba, 15/10/2013 17:33

(Cadn.com.vn) - 4.343 tàu thuyền với 180.734 lao động được thông báo về hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh; 38.000 hộ dân miền Trung được đưa vào phương án sơ tán, di dời. Con số này cho thấy chính quyền, ngành chức năng các tỉnh miền Trung đã tiên liệu về tầm ảnh hưởng nặng nề của bão số 11 khi đổ bộ vào đất liền. Vậy là ngay sau khi kiệt quệ, đau thương với bão số 10, người dân miền Trung lại gồng mình với siêu bão Nari.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát và chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 11
tại Quảng Nam. Ảnh: Trần Tân

Di dời hơn 38.000 hộ dân

Trước những diễn biến phức tạp của bão số 11, ngày 14-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác các bộ, ngành đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão tại TT-Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Chiều qua, tại Núi Thành, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến khảo sát tình hình neo đậu, tránh trú bão của các tàu thuyền tại khu vực cảng cá An Hòa (xã Tam Quang), kiểm tra tình hình biển xâm thực, gây ra sạt lở tại các điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn đặc biệt sạt lở tại thôn Trung Toàn (xã Tam Quang). Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu trước mắt lãnh đạo tỉnh cần khẩn trương thực hiện các biện pháp di dời dân ở vùng nguy hiểm, về lâu dài, Phó Thủ tướng chỉ đạo địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đảm bảo an toàn cho tàu bè trú đậu và tính mạng của ngư dân trong thời gian tới.

Trước đó, trưa cùng ngày, kiểm tra công tác phòng chống bão tại KKT Dung Quất và một số địa phương trọng điểm thuộc các huyện phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi, trước thông tin số tàu thuyền của Quảng Ngãi còn trên các vùng biển gần 1.000 chiếc, với hơn 8.356 lao động, huyện đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 8 đến cấp 9, làm nhiều cây cối bị ngã đổ, H. Sơn Hà hiện có 5 điểm sạt lở đe dọa tính mạng hơn 100 hộ dân... Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi không được lơ là, khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào các nơi trú bão;  phải bám sát tình hình cụ thể ở từng địa phương để chỉ đạo quyết liệt và chủ động phòng chống nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra.

Người dân các vùng nguy hiểm của Đà Nẵng được sơ tán đến nơi an toàn chiều 14-10.
Ảnh: Công Hạnh

Cùng ngày Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban PCLB T.Ư đến TT- Huế và Đà Nẵng kiểm tra công tác phòng chống bão. Tại Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết cho biết: Trong thời gian từ ngày 10-10 đến nay, BCH PCLB và TKCN TP đã có 4 Công điện chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến của bão số 11. Tính đến chiều tối 14-10, Bộ CH BĐBP TP và Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng đã tổ chức thông báo cho tất cả các phương tiện tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Về công tác sơ tán dân, các địa phương đã rà soát, lên danh sách và lập kế hoạch sơ tán 11.000 hộ với 55.000 nhân khẩu, chủ yếu là địa bàn Q. Liên Chiểu, H. Hòa Vang, quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Đối tượng sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sinh sống tại các nhà không kiên cố, nhà liền kề, nhà tạm. Đến chiều tối cùng ngày, đã tổ chức sơ tán 8.000 hộ, 42.000 người theo phương châm tại chỗ.

Lực lượng xung kích Q. Sơn Trà ưu tiên sơ tán trẻ em, người già đến nơi an toàn. Ảnh: Công Hạnh

  Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý, hiện triều cường tại khu vực miền Trung đang dâng ở mức 1-1,5m cộng với sóng biển cao từ 3-4m nên khu vực ven biển sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, các lực lượng chức năng của Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung phải tiến hành sơ tán ngay người dân ở những khu vực trọng yếu. Bộ trưởng lưu ý, các ngành chức năng của Đà Nẵng cần phải có biện pháp gia cố ngay những trụ ăng-ten, trụ phát sóng nhằm tránh xảy ra tình trạng đổ gãy như bão số 10 gây ra ở Quảng Bình vừa qua. Bộ trưởng còn yêu cầu CA Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận tiến hành chốt chặn không cho xe lưu thông trên tuyến QL1A từ 18 giờ ngày 14-10, trong đó kiên quyết cấm ô-tô khách lưu thông, bố trí những địa điểm an toàn cũng như thực phẩm, nước uống cho hành khách nghỉ lại qua đêm.

Người dân Đà Nẵng  đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão chiều 14-10. Ảnh: Công Khanh

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, chiều 14-10, khi bão số 11 còn cách bờ biển Đà Nẵng, Quảng Nam, TT- Huế hơn 200km, nhưng gió đã cấp 7, cấp 8, điều này chứng tỏ bão có cường độ rất mạnh, thậm chí mạnh hơn bão số 10 vừa qua. Khi đổ bộ vào đất liền còn mạnh hơn cơn bão số 6 (Xangsane) hồi năm 2006. Tính đến 19 giờ ngày 14-10, các địa phương miền Trung đã cơ bản sơ tán xong 38.381 hộ với 155.000 người đến nơi an toàn. “Bão số 10 vừa qua đổ bộ vào đất liền ban ngày mà thiệt hại đã lớn, nên rất đáng lo ngại khi bão số 11 đổ bộ vào đất liền buổi đêm (khoảng 1-2 giờ sáng ngày 15-10), các ban ngành chức năng của TP Đà Nẵng hết sức cẩn trọng trong khâu triển khai phòng chống bão”, ông Hải nói.

Dự báo tình hình bão phức tạp và nguy hiểm, CATP Đà Nẵng đã hoàn thành công tác chuẩn bị và sẵn sàng ứng cứu nhân dân khi có lệnh. Tại các địa phương, lực lượng CA đã cùng với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời đến nơi an toàn. Chiều 14-10, 2 đoàn kiểm tra do 2 Phó Giám đốc CATP- Đại tá Nguyễn Viết Lợi và Đại tá Nguyễn Văn Chính- làm trường đoàn đã đi kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” tại các đơn vị, địa phương. BĐBP TP cũng đã phát lệnh trực chiến 24/24 giờ, bố trí thường trực 5 tàu, 7 ca nô, 8 ô-tô sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra, đồng thời huy động hơn 200 CBCS về các địa bàn trọng điểm để giúp nhân dân neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa.

CBCS Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) lên đường thực hiện nhiệm vụ chống bão.

Cũng trong ngày 14-10, Bộ tư lệnh Quân khu 4, Quân khu 5 cũng đã cử lực lượng nhiều đơn vị với ca nô, xe thiết giáp đến những vùng xung yếu hỗ trợ người dân sơ tán và sẵn sàng ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra. Bộ Quốc phòng cũng sẵn sàng máy bay trực thăng túc trực tại sân bay Đà Nẵng, sân bay Cam Ranh, sân bay Phú Bài để khi có lệnh sẽ lên đường làm nhiệm vụ.

Các tỉnh có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão trong khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã lên phương án chủ động triển khai sơ tán, di dời dân, tổng cộng 38.381 hộ/ 155.544 người của 35 huyện, thị từ các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn. Cụ thể, Hà Tĩnh bố trí kịch bản 2.967 hộ (bão cấp 8, cấp 9), 6.763 hộ (cấp 10, cấp 11) và 14.280 hộ (cấp 12 trở lên); Quảng Bình di dời 6.111 hộ/27.148 người, Quảng Trị 13.121 hộ/43.680 người, Đà Nẵng 11.000 hộ/55.000 người và Quảng Nam 4.686 hộ/18.674 người, TT-Huế 3.463 hộ/11.042 người. Đặc biệt, tại huyện Phú Vang, Phú Lộc (TT-Huế) - nơi được dự báo là vùng tâm bão, với 5.800 hộ với hơn 24.000 khẩu nằm trong vùng nguy hiểm. Huyện đang tập trung chỉ đạo để di dời hơn 3.000 hộ dân.

Ngư dân Đà Nẵng tất bật chằng chống tàu thuyền và đưa phương tiện đánh bắt lên bờ
tại vịnh Mân Quang và đường Hoàng Sa.

Cảnh báo về an toàn hồ đập

Tại TT- Huế, mặc dù tỉnh đã chỉ đạo các hồ thủy điện chủ động xả nước đón lũ nhưng lệnh này đã bị phớt lờ. Sáng 14-10, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Cao đã kiểm tra Nhà máy thủy điện Hương Điền (đóng tại TX Hương Trà) và phát hiện nhà máy này không chấp hành đúng yêu cầu của UBND tỉnh và công điện của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh về việc điều tiết xả nước hồ thủy điện. Ông Trần Kim Thành - Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, lúc 15 giờ ngày 13-10, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã yêu cầu nhà máy thủy điện Hương Điền xả nước xuống mức 56m để đón lũ nhưng  mực nước kiểm tra vào lúc 9 giờ ngày 14-10 là 57,9m. Ông Nguyễn Văn Cao khẳng định, việc nhà máy không chịu xả nước để đón lũ khi bão số 11 tràn vào có nguy cơ đe dọa đến vùng hạ lưu, đó là chưa kể đến việc an toàn của hồ đập.

 

Học sinh đồng loạt nghỉ học dù đã đến trường:

Ngay trong buổi sáng 14-10, học sinh trên địa bàn TP Đà Nẵng và Quảng Nam đã được thông báo nghỉ học chiều 14 và hết ngày hôm nay (15-10). Tại các trường mầm non, ngay khi chưa kết thúc buổi sáng giáo viên đã điện thoại liên lạc với phụ huynh đón con em. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 10, mưa to, gió lớn, nhiều phụ huynh sau khi đón con vào cuối giờ chiều đã không thể về nhà.

Liên quan đến tình hình vận hành của các nhà máy thủy điện, tại Quảng Nam, Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam đã có công văn đề nghị các chủ hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 xả nước đón lũ. Được biết, hiện 32/73 hồ thủy lợi tại Quảng Nam đã đầy nước. Để tăng dung tích phòng lũ và giảm lũ cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh yêu cầu các hồ chứa thủy điện A Vương và Đăk Mi 4 vận hành điều tiết hạ mực nước hồ xuống cao trình trên 376m đối với hồ A Vương và 255m đối với hồ Đăk Mi 4 trước 17 giờ ngày 14-10 để tăng dung tích phòng lũ và giảm lũ cho hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn.

Tại Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh, Phó BCH PCLB & TKCN tỉnh cùng đoàn công tác tiếp tục kiểm tra an toàn các hồ đập, công trình thủy lợi. Phó BCH PCLB và TKCN tỉnh nhấn mạnh các đơn vị tổ chức rà soát phương án đảm bảo an toàn các hồ đập, thủy lợi, thủy điện. Đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn phải triển khai bố trí lực lượng, phương tiện vật tư để chủ động đối phó xử lý khi có sự cố. Các hồ phải chủ động vận hành xả nước phù hợp với tình hình thực tế, theo hướng xả sớm để giảm lũ cho vùng hạ du.

Theo Trung tâm PCLB miền Trung và Tây Nguyên, đến ngày 14-10, có 5/44 hồ chứa thủy lợi các địa phương ven biển và 5/13 hồ chứa tại Tây Nguyên qua tràn. Đặc biệt, từ Quảng Bình đến Bình Định có tới 28 hồ chứa nằm trong nguy cơ mất an toàn khi lượng mưa trong một hai ngày tới rất lớn.

Đã có thiệt hại ban đầu

Trong ngày 14-10, trên QL1A đoạn qua tỉnh TT-Huế đã xảy ra 2 vụ lật xe gây tai nạn do đường trơn. Cụ thể, khi đang lưu thông từ Quảng Bình vào Đà Nẵng qua địa bàn thị trấn Phong Điền (H. Phong Điền), xe khách BKS 73B-00158 đã bị lật nhào, trên chiếc xe có 5 trong tổng số 10 hành khách bị thương hiện đang được điều trị tại BV Đa khoa tỉnh TT-Huế. Cùng thời điểm này, cách đó khoảng 1km, xe tải BKS đang lưu thông hướng Nam- Bắc cũng bị lật. Rất may, tài xế và phụ xe chỉ bị xây xát nhẹ.

Hãng hàng không Vietnam Airlines cho hay, do ảnh hưởng của bão số 11, có tổng cộng 14 chuyến bay đi và đến Đà Nẵng và TP Huế đã phải hoãn trong ngày 14-10 với hơn 2.000 hành khách. Cùng với Vietnam Airlines, các hãng hàng không khác như JP, VietJet Air cũng phải hủy nhiều chuyến bay đi và đến Đà Nẵng.

Cũng tại TT-Huế, chiều 13-10, mặc dù trên vùng biển Lộc Vĩnh sóng rất to và mưa lớn nhưng  2 em Nguyễn Hoài Nam Nam và Nguyễn Văn Bảo (15 tuổi, trú xã Lộc Vĩnh, H. Phú Lộc), anh em cô cậu ruột rủ nhau đi câu cá và bị sóng lớn cuốn trôi. Đến cuối giờ chiều 14-10, mặc dù lực lượng BĐBP, chính quyền địa phương và gia đình đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa tìm thấy thi thể của 2 em.

Trong khi đó tại Bình Thuận, do ảnh hưởng của cơn bão số 11, vùng biển đảo Phú Quý có mưa kèm theo gió giật, biển động mạnh đã nhấn chìm tàu mang số 539 (công suất 10 CV) và tàu mang số 263 (công suất 14 CV) đang đậu ven bờ vào sáng 14-10. Rất may không có thiệt hại về người. Sau khi nhận được tin báo, chính quyền xã Long Hải khẩn trương triển khai lực lượng dân quân thường trực và bộ đội đóng quân tại địa phương, đồng thời huy động nhân dân cùng phương tiện cơ giới, tiến hành trục vớt, đưa 2 tàu bị nạn vào bờ.

NHÓM P.V THỜI SỰ