Báo Công An Đà Nẵng

Miền Trung khẩn cấp ứng phó với bão số 8

Thứ năm, 19/09/2013 06:36

* ĐÀ NẴNG KHẨN TRƯƠNG ĐƯA HẾT TÀU THUYỀN VÀO BỜ        

* NHIỀU HỒ THỦY ĐIỆN XẢ LŨ

* SẠT LỞ NGHIÊM TRỌNG CỬA BIỂN

(Cadn.com.vn) - Đêm qua (18-9) và sáng nay (19-9), bão số 8 với cường độ rất mạnh kèm theo mưa lớn đổ vào đất liền các tỉnh ven biển miền Trung, tâm điểm từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Trong thời điểm nín thở chờ bão ập đến, các địa phương ở miền Trung đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống lụt bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

  Nông dân H. Hòa Vang (Đà Nẵng) gặt lúa chạy bão. 

Đà Nẵng: Khẩn trương đưa hết tàu thuyền vào bờ

Ngày 18-9, mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền nhưng dọc tuyến đường Hoàng Sa, ngư dân các phường Mân Thái, Thọ Quang, Q.Sơn Trà đổ dồn ra biển dùng các cây đà dài kết hợp với tời kéo để đưa tàu, thuyền vào sâu phía bên trong và dùng dây buộc chặt vào những gốc dương to hoặc đưa lên vỉa hè để liên kết lại với nhau. Ông Nguyễn Ngọc Bích, trú tổ 12, ông Đinh Quới, trú tổ 21, P.Mân Thái, Q.Sơn Trà nói: "Đã là bão, dù lớn hay nhỏ đều không thể chủ quan. Bài học từ những cơn bão trước đây đã cho thấy điều đó".

Còn ngư dân Nguyễn Văn Điền, trú tổ 25, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà vừa cùng người nhà sau một hồi vật lộn với mưa to, sóng lớn đã đưa được chiếc thuyền ĐN 6807 vào sâu trong đất liền neo đậu an toàn đã bộc bạch: "Bão có chừa ai đâu. Tài sản của mình phải biết giữ gìn để còn làm ăn lâu dài. Bởi vậy, khi được chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Sơn Trà thông báo, gia đình tôi đã nhanh chóng bằng mọi cách đưa phương tiện vào bờ".

Các trận mưa liên tục làm ngã tư Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi (Đà Nẵng) ngập nặng trong chiều 18-9.

Chỉ huy CBCS ra giúp bà con ngư dân ở bãi ngang (Thọ Quang), Thượng tá Vũ Minh Thành, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Trà cho biết, đến 8 giờ 30 ngày 18-9, vẫn còn 20 phương tiện/179 lao động hoạt động trên biển chưa vào bờ nhưng đơn vị đã xác định được hết phương tiện ở các vùng biển xa. Hầu hết đã vào neo đậu tránh bão an toàn tại Cát Bà, Bạch Long Vĩ, sông Gianh, Cam Ranh, Lý Sơn.

Ngay trong ngày 18-9, 31 phương tiện, 105 thúng máy, thúng chai dọc bãi ngang từ P.Thọ Quang đến P.Mân Thái sẽ được di chuyển vào sâu trong đất liền neo đậu an toàn. Hơn 1.000 phương tiện vào neo đậu trú bão, 70 phương tiện khác đang neo đậu trên sông Hàn cũng đang tiếp tục di chuyển vào Âu thuyền Thọ Quang. Đến cuối giờ chiều, Đà Nẵng còn 64 phương tiện và 627 lao động hoạt động trên biển và đang di chuyển vào bờ.

Ngư dân P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà (Đà Nẵng) đưa tàu thuyền loại nhỏ vào nơi an toàn tránh bão.

Chính quyền các quận, huyện, các ngành cũng đang ráo riết đôn đốc người dân chằng chống lại nhà cửa, di dời vật dụng quan trọng đến nơi cao ráo. UBND P.Hòa Khánh Bắc bố trí lực lượng di chuyển người già, trẻ em, phụ nữ mang thai ở KV Hồng Phước (nơi thường bị chia cắt khi có mưa lớn) đến nơi an toàn trước 16 giờ ngày 18-9.

Tại P. Hòa Xuân, Cẩm Lệ, 8 hộ (20 khẩu) tại KV Tùng Lâm, 26 hộ ở Lỗ Giáng và Cổ Mân do bị ảnh hưởng bởi dự án Khu liên hợp TDTT và 5 hộ (11 khẩu) ven sông KV Cẩm Nam cũng được sơ tán đến nơi an toàn trước 15 giờ chiều. H. Hòa Vang huy động phương tiện, lao động giúp dân thu hoạch dứt điểm hơn 50ha lúa còn lại và rà soát, di dời các hộ dân nằm ven sông, ven suối có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.

Riêng Hòa Liên là địa phương nằm trong vùng trũng thấp, có nhiều dự án đầu tư đang thi công san lấp mặt bằng, ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, nên huyện yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; đồng thời theo dõi, quản lý phương án xả lũ của hồ Hòa Trung, Đồng Nghệ không để ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân...

CAP Xuân Hà, Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) giúp nhân dân ven biển chằng chống nhà cửa.

Quảng Nam: Nhiều hồ thủy điện xả lũ

Tại Quảng Nam, tình hình bão lũ hết sức phức tạp. Mưa bão khiến nhiều tuyến đường giao thông sạt lở nghiêm trọng, nhiều địa phương bị cô lập. Đến chiều 18-9, mưa to khiến đường lên 4 xã biên giới giáp Lào bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Đến cuối ngày hôm qua, việc đi lại từ trung tâm huyện lên 4 xã vùng cao là Ch'um, Gary, Axan, Tr'hy bị chia cắt tại nhiều điểm. Mưa lớn liên tục cũng khiến một số khu dân cư và đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua H. Tây Giang bị sạt lở buộc ngành chức năng phải di dời khẩn cấp 258 hộ dân, trong đó tại xã Dang có 120 hộ phải di dời.

Tại ngầm Sông Trường trên tuyến ĐT616, thuộc địa phận xã Trà Sơn, H. Bắc Trà My, từ sáng 18-9, nước lũ đã dâng cao, chia cắt hoàn toàn đường lên H. Nam Trà My. Các xã vùng cao Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân, Trà Giáp, Trà Giác và Trà Ka (Bắc Trà My) cũng bị cô lập, hàng trăm người và phương tiện bị mắc kẹt ở hai phía cầu ngầm này. Mưa lớn cũng gây ngập, thiệt hại nặng cho nông nghiệp. Tại cánh đồng Bà Trảng thuộc xã Tam Phú (TP Tam Kỳ) hàng chục héc-ta lúa hè thu đang vào vụ thu hoạch bị chìm trong biển nước. Sáng 18-9, hàng trăm nông dân đang hối hả, vật vã trong nước, trong mưa để gặt lúa. Sở NN&PTNT cho biết, trên địa bàn khu vực miền núi có khoảng 1.700ha lúa hè thu và hơn 100ha lúa gieo sạ trễ ở đồng bằng chưa thu hoạch bị thiệt hại.

Trước diễn biến phức tạp, sáng 18-9, UBND tỉnh tiến hành cuộc họp khẩn bàn các phương án nhằm ứng phó với cơn bão số 8 đang tiến gần đất liền. Lo ngại lớn nhất là nguy cơ vỡ đập các hồ thủy điện. UBND H. Đại Lộc cho biết, hiện lưu lượng nước về hồ thủy điện A Vương là 1.070m3/s, nhưng thủy điện cho rằng Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia chưa cho xả lũ, không vận hành phát điện. Nếu lũ dưới hạ du ở mứa báo động 2 lúc đó thủy điện A Vương xả với mức 3.000-4.000m3/s chắc chắn sẽ lụt lớn, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và của như năm 2009.

Ông Lê Phước Thanh-Chủ tịch UBND tỉnh bức xúc: "Mới vào mùa mưa lo gì thiếu nước mà tích sớm. Không xả nước cũng phải xả. Nếu để đến lúc hạ du nước đang cao, kết hợp với thủy triều lớn lúc này thủy điện mới xả thì còn gì để nói. UBND tỉnh sẽ sớm có công văn đề nghị chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện yêu cầu này".

Đến chiều 18-9 thì hai thủy điện Đăk Mi 4 và Sông Bung 5 cũng đã chịu xả lũ về hạ nguồn sông Vu Gia với lượng nước rất lớn. Cụ thể từ 15 giờ 30 đến 16 giờ ngày 18-9, thủy điện Đăk Mi 4 đã xả lũ với lượng ước là 700m3/giây, còn thủy điện Sông Bung 5 xả lũ với mực nước là 500m3/giây. Vào thời điểm xả lũ mực nước ở sông Ái Nghĩa xấp xỉ báo động 2 nên khiến nước sông dâng rất nhanh, chiều 18-9, H.  Đại Lộc đã tổ chức sơ tán gần 500 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải khẳng định, công tác PCLB hết sức cần thiết và gấp rút. Cần phải lưu ý đến khu vực Cù lao Chàm, việc đi lại trên biển của các tàu thuyền để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, nhất là các công trình trọng điểm, như cầu Cửa Đại, các đơn vị thi công cần kiểm tra đảm bảo được sự an toàn, khẩn trương chuẩn bị các công tác để đối phó. BĐBP tỉnh cũng đã kêu gọi được 480 tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.

Đáng chú ý có 15 tàu đang trên đường vào bờ, nhưng BĐBP chỉ liên lạc được 3 tàu, còn 12 tàu với 159 lao động chưa liên lạc được. Sở GD&ĐT đã có văn bản 1153/SGDĐT-VP yêu cầu thủ trưởng các đơn vị cho học sinh nghỉ học từ chiều 18-9. Ngành chức năng ở Quảng Nam cũng lưu ý vấn đề an toàn hồ đập và nguy cơ sạt lở trên các tuyến QL1A đang sửa chữa, tuyến QL đi miền núi, cấm đò ngang hoạt động từ ngày 19-9; chủ động sơ tán dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn và dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu theo phương châm "4 tại chỗ"...

Gặt lúa chạy lũ ở vùng đông xứ Quảng.

TT-Huế: Sạt lở nghiêm trọng cửa biển

Chiều tối 18-9, 58 hộ dân với 310 nhân khẩu ở xóm Ghềnh thuộc xã Hải Dương (TX Hương Trà) được di dời khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở bờ biển xã Hải Dương. Tất cả số hộ dân này tạm thời lánh nạn tại trụ sở UBND xã và các trường học trên địa bàn xã Hải Dương. Bà Nguyễn Thị Út (52 tuổi), một người dân trong vùng di dời nói: "Mấy ngày nay sóng rất lớn, bờ biển sạt lở ăn sâu vào đất liền, rất dễ mở ra cửa biển mới; vì vậy người dân ở xóm Ghềnh rất hoang mang"... Đến ngày 18-9, hơn 30 CBCS của lực lượng BĐBP tỉnh thuộc cán bộ Đồn Thuận An, CAX Hải Dương cùng chính quyền địa phương và người dân xã Hải Dương tiếp tục dùng kè, rọ đá... để gia cố, chống xâm thực bờ biển đoạn xóm Ghềnh và Cồn Đâu (xã Hải Dương).

TT-Huế cũng gánh thêm những thiệt hại nặng nề khác, rạng sáng 18-9, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại Km 74 + 150 trên tuyến đường QL 49A đi huyện miền núi A Lưới (TT-Huế). Tổng khối lượng đất bị sạt lở ước tính 3.000m3, gây chia cắt giao thông trên tuyến đường này. Đến chiều 18-9, việc khắc phục sạt lở vẫn chưa xong, đường vẫn còn bị chia cắt. Hiện, trên toàn địa bàn TT-Huế có mưa vừa đến mưa to, mực nước ở các sông ở mức báo động 1, báo động 2; trong đó sông Hương đang ở báo động 2. BĐBP tỉnh cũng đã kêu gọi, hỗ trợ giúp 1.874 phương tiện tàu thuyền vào bờ neo đậu an toàn.

Quảng trị: Hạn chế thấp nhất thiệt hại

Tính đến chiều 18 - 9, BĐBP Quảng Trị đã thông báo và kêu gọi 2.508 tàu thuyền địa phương vào nơi trú tránh an toàn, trong đó có 3 tàu trú tránh địa bàn Quảng Bình, Đà Nẵng và Nghệ An với 19 lao động. Hiện cũng có 31 tàu thuyền ngoại tỉnh vào Quảng Trị trú tránh với 208 lao động.

BĐBP Quảng Trị giúp dân kéo thuyền vào nơi trú tránh. 

Đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra tình phòng chống lụt bão khu vực ven biển, nhất là động viên bà con thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái (H. Vĩnh Linh) nơi vừa xảy ra trận lốc xoáy khiến 18 nhà bị tốc mái.

Cũng vào rạng sáng 18 - 9, một trận lốc đã "xoáy" 11 mái nhà khác tại địa bàn H. Triệu Phong. Đại tá Nguyễn Đình Hà, Phó chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cho biết thêm đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương để chủ động đối phó với tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 8, sẵn sàng cứu giúp nhân dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng tránh lụt bão, lũ quét tại vùng núi... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.

Đốn hạ kịp thời cây xanh trên tuyến QL9 (TP Đông Hà, Quảng Trị) do bị mối ăn gốc
vào sáng 18-9.

* Theo báo cáo của BCH PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình, đến 6 giờ ngày 18-9, đã có 3.638 tàu cá (trên tổng số 3.745 tàu thuyền hoạt động trên biển) với 14.087 thuyền viên đã vào bờ trú, tránh bão an toàn.

Hiện còn 107 tàu với 884 lao động đang hoạt động trên biển nhưng chủ yếu gần bờ. Tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các đoàn kiểm tra về các xã ven biển thuộc H.Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh và TP Đồng Hới để chỉ đạo công tác PCLB. Trong khi đó, theo thông tin từ BQL Cảng cá sông Gianh, hiện đã có hơn 180 tàu cá của ngư dân vào neo trú tại đây, trong đó có 27 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi và 39 tàu cá của ngư dân Bình Định.

* Chiều 18-9, ông Đặng Đức Thứ - Giám đốc Cty Công viên cây xanh Đà Nẵng cho biết, để chủ động trước mùa mưa bão, Cty đang đẩy nhanh tiến độ cắt tỉa cây xanh tại các tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn thành phố.

Các khu vực được ưu tiên cắt tỉa, chống dựng là tuyến đường ven biển, đường họng gió như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Sắc, Hoàng Sa - Trường Sa, Bạch Đằng... Triển khai từ đầu tháng 7, đến hiện tại, các đội trực thuộc Cty đã hoàn thành việc cắt tỉa hơn 6.000 trong tổng số 13.000 cây xanh nằm trong kế hoạch cắt tỉa để đối phó với mùa mưa bão.

* Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 8 kèm theo mưa lớn, ngày 18-9, Sở GD-ĐT TPĐN đã có công văn gửi đến các đơn vị, trường học, Phòng GD-ĐT các quận, huyện về phương án chủ động phòng chống bão. Theo đó, trong buổi chiều 18-9, HS các bậc học thuộc địa bàn H. Hòa Vang được nghỉ học. Và ngày 19-9, tất cả HS của TPĐN được nghỉ học cả ngày để đảm bảo an toàn. Được biết, tùy theo tình hình mưa bão, Sở GD-ĐT TP sẽ quyết định cho HS đi học hoặc nghỉ học vào những ngày tiếp theo.

* Sáng 18-9, Trung tướng Lê Chiêm - Tư lệnh Quân khu đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan Quân khu, triển khai nhiệm vụ ứng phó bão số 8. Tư lệnh Quân khu ra lệnh thành lập Sở Chỉ huy dã chiến tại Sư đoàn 315 để kịp thời chỉ đạo các lực lượng ứng phó, đồng thời yêu cầu các đơn vị thường xuyên nắm chắc tình hình mưa bão, duy trì 100% quân số trực 24/24.

Sau cuộc họp, Quân khu tổ chức 3 đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị tại các nơi trọng điểm cơn bão sẽ đi qua. Tư lệnh Quân khu đã trực tiếp kiểm tra phương án ứng phó bão tại Lữ đoàn TTG574, Sư đoàn 315, Lữ đoàn CB270 và một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh QK5 kiểm tra công tác ứng phó bão số 8.

* Ông Ngô Tấn Cư, Phó Giám đốc Cty Điện lực Đà Nẵng cho biết, ngày 18-9, Cty đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra thực tế hiện trường lưới điện cũng như công tác chuẩn bị ứng phó với bão của 5 Điện lực, Đội QLVH 110kV, Xí nghiệp Điện - Cơ và Đội Thí nghiệm - đo lường.

Qua kiểm tra, yêu cầu các đơn vị túc trực thực hiện chỉ đạo của BCH phòng chống lụt bão của Công ty; phân công nhân lực trực điện thoại 24/24 để kịp thời nắm bắt các thông tin; tập trung xử lý các tồn tại trên lưới trước 16 giờ ngày 18-9 và sau 17 giờ phân công nhân lực trực chỉ huy tại chỗ; chú trọng các vị trí ngập cục bộ để tiến hành xử lý dứt điểm; liên lạc và nắm số điện thoại của các Ban chỉ huy PCLB địa phương, sẵn sàng phối hợp khi có sự cố xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng vật tư thay thế, máy phát điện, tháp đèn chiếu sáng, lương thực, thuốc men...

Tổ P.V Thời sự-Chính trị