Báo Công An Đà Nẵng

Miền Trung kiệt quệ vì bão, lũ, lốc xoáy...

Thứ năm, 17/10/2013 10:10

* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Không được để người dân sống cảnh màn trời chiếu đất, đói khổ"

* 12 người chết và mất tích, hàng chục người bị thương, thiệt hại ước tính cả ngàn tỷ đồng

(Cadn.com.vn) - Chưa kịp khắc phục hậu quả của bão số 10, người dân miền Trung lại gồng mình chống chọi với bão, lũ và lốc xoáy. Dù đã quen thiên tai, nhưng khúc ruột miền Trung đang phải đối mặt với nhiều thách thức... trong thời gian tới.

 

Chưa kịp gượng bão, lốc xoáy và lũ đã hoành hành

* Ngày 16-10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký Quyết định 7039 về hỗ trợ đột xuất đối với hộ gia đình có người chết, người mất tích, người bị thương nặng phải vào viện, hộ chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có nhà đang ở bị thiệt hại do bão Nari và lũ sau bão gây ra.

Cụ thể, hỗ trợ mức 6 triệu đồng đối với hộ có người chết, mất tích; 3 triệu đồng đối với hộ có người bị thương nặng phải vào viện, 10 triệu đồng với hộ có nhà đang ở bị sập, trôi, tối đa không quá 4 triệu đồng với hộ có nhà đang ở bị tốc mái hoàn toàn và 1 triệu đồng đối với hộ có nhà đang ở bị tốc mái một phần. Riêng hộ chính sách (kể cả nhà ở của con Liệt sĩ) có nhà đang ở bị sập, trôi hoàn toàn thì mức hỗ trợ là 30 triệu đồng/hộ và UBND quận, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo sớm xây dựng lại nhà ở cho hộ chính sách để có nơi ở ổn định.

1 giờ 30 ngày 16-10, một trận lốc xoáy kinh hoàng quét qua xã Quảng Sơn, H.Quảng Trạch, Quảng Bình, làm 2 người chết tại chỗ là ông Mai Phụ (1963) và ông Phan Sơn (1963); 22 người bị thương nặng; hơn 200 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, gần 100% nhà bị tốc mái.

Cùng ngày, 2 cô giáo Nguyễn Thị Đinh Hương (1977, trú P.Đồng Sơn) và cô Nguyễn Thị Lộc (1974, trú xã Lộc Ninh) cùng quê Đồng Hới của Trường Tiểu học Liên Trạch (xã Liên Trạch, H.Bố Trạch) đã bị nước lũ cuốn trôi tại khu vực suối Mực khi đang trên đường đến trường.

Mưa lớn gây lũ ngập nhiều nơi tại huyện miền núi Minh Hóa, trong đó khu vực Phú Nhiêu thuộc xã Thượng Hóa bị ngập trong nước từ 1m đến 3m, đường Hồ Chí Minh bị ách tắc hoàn toàn. Các xã Yên Hóa, Quy Hóa, thị trấn Quy Đạt, Tân Hóa bị nước lũ cô lập, khoảng 70% nhà dân nước ngập sâu.

Tại H. Tuyên Hóa, các xã Thanh Hóa, Thanh Thạch, Mai Hóa, Đức Hóa, Văn Hóa, Tiến Hóa cũng bị ngập nặng... Theo thống kê sơ bộ, lũ đã cuốn trôi một ngôi nhà, toàn huyện có 207 nhà bị lũ quét hư hỏng nặng, 3.083 nhà bị ngập, trong đó 20 trường học và 671 nhà bị ngập sâu trong biển nước.

Từ tối 15 đến ngày 16-10, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng có gió lốc mạnh kèm theo mưa lớn gây ngập lụt tại nhiều thôn ở các xã: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng (Hương Sơn) làm khoảng 670 hộ dân bị ngập lụt, 3 ngôi nhà bị cuốn trôi. Đã có 3 người bị mất tích, trong đó 2 người bị lũ cuốn trôi là ông Hồ Hữu Lành (xóm 7, xã Sơn Diệm), anh Nguyễn Văn Oanh (18 tuổi, thôn Hạ Vàng, xã Sơn Kim 2) và 1 người khác cũng ở H. Hương Sơn hiện chưa rõ nguyên nhân.

Tại Hương Khê, chiều 16-10 đã có hơn 1.000 hộ dân ở 21 xã, thị trấn ngập trong nước và bị cô lập. Thân đập MaKa ở xã Hương Giang bị lở; tại chợ Gia thuộc xã Phú Gia, nước lũ ngập cao hơn 1,5m. Toàn H. Hương Khê đã phải di dời trên 100 hộ dân.

Nước lũ đang cô lập ở xã Thanh Hóa, H.Tuyên Hóa, Quảng Bình. Ảnh: XUÂN SƠN
Một ngôi nhà ở Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình bị lốc xoáy đánh sập. Ảnh: XUÂN SƠN
Người dân Hà Tĩnh sơ tán khỏi vùng lũ. Ảnh: VĂN TUÂN 

Ổn định cuộc sống người dân là cấp bách nhất

Ngày 16-10, sau khi đến kiểm tra nhiều vùng bị thiệt hại nặng do bão số 11 gây ra tại Quảng Nam và Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương.

Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết, nhờ chủ động, trong và sau bão, TP Đà Nẵng không có người chết ngoài 11 trường hợp bị thương. Toàn thành phố có 122 nhà sập hoàn toàn, chủ yếu là khu vực ven biển, ven sông; 178 nhà sập một phần, tốc mái hoàn toàn 1.134 nhà, tốc mái một phần 4.137 nhà (ước thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng). Ngoài ra, có 135 phòng học bị hư hại, tốc mái; 16 cột với 28,5km đường dây 22kV bị hư hại; ngã đổ 1.200 cây cột điện chiếu sáng.

Nặng nhất là hệ thống cây xanh với 40.000 cây gãy đổ (ước tính 260 tỷ đồng). Tổng thiệt hại do bão gây ra cho toàn TP ước tính 868 tỷ đồng, chưa kể các doanh nghiệp, cơ sở... Đồng chí Văn Hữu Chiến đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho Đà Nẵng 500 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại, giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, mong các Bộ, ngành T.Ư hỗ trợ để TP mở rộng âu thuyền để tàu thuyền tránh trú trong những mùa bão sau.

Ngôi nhà của chị Trần Thị Bích Ngọc (tổ 27, P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) bị sập hoàn toàn sau khi mẹ con chị vừa chạy ra khỏi nhà. Trong ảnh: Chị Ngọc gom góp
những gì còn lại trong ngôi nhà đổ nát của mình. Ảnh: CÔNG KHANH

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có 3 người chết; 21.206 nhà dân bị tốc mái, trong đó có 5.502 nhà tốc mái hoàn toàn, 15.704 nhà tốc mái một phần; 66 phòng học, 89 công sở bị tốc mái; 290 nhà bị sập, ngã đổ; 225m tường rào bị ngã đổ. Về nông lâm thủy lợi có 34.270ha cây công nghiệp và lâm nghiệp bị ngã đổ, 5.374ha rau màu các loại bị chìm trong nước; 47 chiếc ghe thuyền bị chìm và hư hỏng... tổng thiệt hại ước tính ban đầu 493 tỷ đồng.

Tại Quảng Ngãi, công tác di dời dân, chằng chống nhà cửa cũng được chính quyền địa phương chuẩn bị tốt nên không bị thiệt hại nhiều, không có người chết ngoài 6 người bị thương do bất cẩn. Bị nặng nhất là các huyện giáp Quảng Nam như huyện đảo Lý Sơn, Tịnh Sơn, Trà Bồng. Toàn tỉnh có có 9 nhà bị sập hoàn toàn và một phần, hơn 500 nhà bị hư hỏng, tốc mái; tốc mái 15 trường, 10 trạm y tế, chủ yếu nằm ở Lý Sơn; hàng trăm héc-ta hoa màu bị thiệt hại; 40.000m khối kênh mương thủy lợi bị trôi, tổng thiệt hại ước tính khoảng 65 tỷ đồng.

Riêng TT-Huế, có 2 người chết, do chủ quan. Toàn tỉnh có 17 nhà bị sập, 669 nhà bị tốc mái, 1.686 nhà bị ngập; hệ thống cây xanh đổ gãy nặng nề, nhất là trung tâm TP Huế. Do ảnh hưởng của hoàn lưu gió bão số 11, gây triều cường nên sóng đã đánh vào nhiều đoạn đê biển ở xã Hải Dương (TX Hương Trà) gây thiệt hại. Khắc phục sự cố, lực lượng BĐBP và dân quân tự vệ đã kịp thời dùng rọ sắt và hàng trăm bao cát để lấp những khu vực đê bị vỡ, lở...

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời hỏi thăm ân cần đến tất cả những người dân bị thiệt hại do bão, nhất là những hộ dân có người bị thương vong, sập nhà, thiệt hại khác về tài sản, đồng thời biểu dương chính quyền và nhân dân các tỉnh, TP đã rất chủ động trong việc đối phó, phòng ngừa bão số 11...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi bà con nhân dân tại H. Đại Lộc, Quảng Nam. 
Ảnh: Trần Tân

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ sẽ đề nghị T.Ư có phương án hỗ trợ cho từng địa phương và các ngành kinh phí để khắc phục hậu quả, giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trước mắt từng địa phương phải chủ động tính toán phương án, kinh phí khắc phục về hạ tầng giao thông, hệ thống cây xanh, hỗ trợ người dân khắc phục nhà cửa; chủ động hỗ trợ gạo, giống, thuốc cho những vùng đang rất cần cho sản xuất, trồng trọt, chữa bệnh... Nhấn mạnh về công tác cứu trợ, chữa bệnh, phòng dịch, Phó Thủ tướng lưu ý, không được địa phương nào để nhân dân sống cảnh màn trời chiếu đất, đói khổ.

Với việc hỗ trợ khắc phục các công trình kè đập, âu thuyền, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ NN&PTNT cùng các Bộ ngành có liên quan tổng hợp, đề xuất hỗ trợ kinh phí để các địa phương xây dựng, cải tạo, cải tạo rốt ráo, không để thiệt hại gây ra cho nhân dân sống cạnh những vùng này bị thiệt hại hơn trong những trận bão, lũ tiếp theo.

Nhóm P.V thời sự