Báo Công An Đà Nẵng

Miền Trung quay quắt trong đại hạn (2)

Thứ ba, 24/03/2015 08:56

* Bài cuối: Ra sức chống hạn

(Cadn.com.vn) - Mới ra Tết, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã phải chuẩn bị các phương án tiếp nước tưới cho vụ Đông Xuân và Hè Thu, trước tình trạng nắng hạn và nhiễm mặn ngày một nghiêm trọng hơn.

Trồng hơn 2 ha ớt và 4 ha lúa nước năm nào cũng vậy vấn đề nước tưới luôn là nỗi lo thường trực của ông Ba (trú xã Duy Châu, H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam): “Mấy ngày trước trạm bơm Cù Bàn không hoạt động làm tui lo quá trời. Tuyến lạch dẫn nước từ sông Thu Bồn vào bể hút bị bồi lấp nghiêm trọng khiến cho việc vận hành gặp khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến đến việc này là do dòng nước thay đổi. May mà đã phát hiện và xử lý kịp thời không thì mấy héc-ta lúa của tui đi tong”.

Trạm bơm Túy Loan được dọn dẹp sạch sẽ chuẩn bị công tác chống hạn.

Được biết hơn 60 ha lúa tại xã Duy Châu đều lấy nước từ trạm bơm Cù Bàn. Ông Trần Ngọc Khanh (Phòng NN&PTNT H. Duy Xuyên) cho biết: “Hiện nay lượng nước tưới vẫn đủ dùng do thủy điện Sông Tranh 2 vẫn xả nước đều đặn. Tuy nhiên về lâu về dài thì chúng tôi vẫn lên phương án ứng phó. Bởi theo tình hình những năm trước khi vụ Đông Xuân kết thúc thì những tháng đầu của vụ Hè Thu sẽ là thời gian thiếu nước trầm trọng”.

* Theo số liệu từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mực nước các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên đang xuống dần. Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông chính ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đều thiếu hụt so với cùng kỳ năm ngoái từ 23-72%. Mực nước các hồ chứa cũng đạt khá thấp. Phần lớn các hồ chứa ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đạt từ 65-80% dung tích thiết kế. Mực nước các hồ thủy điện hầu hết ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,5-4,5m.

X. Nha

Năm nay toàn huyện Duy Xuyên sản xuất 15.000 ha cây trồng các loại trong đó diện tích lúa 7.600 ha. Để kịp thời tăng cường nước tưới tiêu trong trường hợp nắng hạn huyện đã kịp thời nạo vét khơi thông kênh mương, củng cố kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống hạn ở mỗi địa phương. Riêng với những trạm bơm bị nhiễm mặn tăng cường theo dõi chặt chẽ lịch thủy triều, quan trắc thường xuyên độ mặn để bơm lách triều.

Khác với vấn đề nắng hạn thì tình trạng nhiễm mặn trên các địa phương tỉnh Quảng Nam đã diễn ra nhanh và mạnh. Hơn 3 ha lúa đang làm đòng nhưng gia đình anh Trần Văn Mạnh (thôn Tứ Câu, xã Điện Ngọc, H. Điện Bàn) phải túc trực cả ngày ngoài ruộng bởi hiện nay mức độ nhiễm mặn đã vượt ngưỡng từ 3-3,5%. “Phần nắng hạn, phần thì ngập mặn. Làm có mấy sào lúa mà cũng không dễ chi ăn. Cứ bị nước mặn xâm nhập ri không khéo lúa bị chết yểu”, anh Mạnh than thở.

Ông Nguyễn Văn Đức - Giám đốc Chi nhánh thủy lợi H. Điện Bàn, Cty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Quảng Nam, cho biết: “Để kịp thời cứu nguy cho cây lúa, Chi nhánh thủy Lợi H. Điện Bàn đã cho đắp đập ngăn mặn và tăng cường quan trắc độ mặn, tuyệt đối không bơm nước có nồng độ mặn lớn hơn 0,8% vào đồng ruộng”.

Trước diễn biến nhiễm mặn nguồn nước và nguy cơ nắng hạn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND yêu cầu các ban ngành địa phương có phương án phòng chống mặn, nắng hạn nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất. Bên cạnh đó các địa phương cũng đã chủ động lên phương án, khơi thông kênh mương, đắp bờ tận dụng đối đa lượng nước từ ao hồ sông suối chống hạn.

Tại H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng, địa bàn trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Ngọc Thới -Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Trong năm 2015, Hòa Vang dự kiến gieo sạ  hơn 5.090ha đất nông nghiệp. Toàn diện tích nêu trên có hơn 500ha phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước các hồ đập nhỏ, giếng bơm, hơn 1.000ha có nguồn nước tưới tiêu chủ động, nhưng trước tình hình thời tiết thất thường như hiện nay, dự báo việc sản xuất sẽ rất bấp bênh. Qua khảo sát tình hình thực tế, nếu tình hình nắng nóng kéo dài, số diện tích đất nông nghiệp đang sản xuất canh tác cần phải chống hạn vụ đông xuân 2014-2015 là 329 ha, vụ hè thu 2015 sẽ là 556ha.

Dự tính kinh phí phục vụ cho công tác chống hạn  trong cả năm là 1.049.179.000 đồng, trong đó vụ đông xuân  là 308.847.000 đồng; vụ hè thu là 740.332.000 đồng. Hiện nay, Phòng NN&PTNT  Hòa Vang đã phối hợp với các địa phương, đẩy mạnh, vận động tuyên truyền và hỗ trợ cho nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt chú trọng chuyển đổi những diện tích đất lúa ở khu vực không chủ động được nguồn nước sang các loại cây trồng có khả  năng chịu hạn như, đậu xanh, bắp lai, mè, dưa hấu...

Ông Lê Văn Sâm-Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi  Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát đánh giá của công ty, lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 3-2015 trên địa bàn Đà Nẵng và một số vùng phụ cận Quảng Nam chỉ đạt 45ml, so với cùng kỳ năm 2014 là 80-90ml, như vậy là rất thấp. Trong năm 2015 này, công ty chịu trách nhiệm cung cấp nước cho vụ đông xuân 1.764 ha,  vụ hè thu  là 1.817 ha bao gồm  diện tích chủ yếu ở Đà Nẵng và một số vùng phụ cận Quảng Nam như  Đại Lộc, Điện Bàn.

Ngay từ đầu năm 2015, Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi  Đà Nẵng đã xây dựng phương án chống hạn trên địa bàn mình quản lý. Cho đến thời điểm hiện nay, đã khảo sát, xác định các khu vực tưới tiêu  sẽ phải chịu hậu quả của tình hình khô hạn, để sẵn sàng ứng phó. Đến nay, 1.850 ha đất nông nghiệp vụ đông xuân cơ bản đảm bảo đủ nước.

Ông Lê Văn Sâm cho biết thêm, dự toán kinh phí chống hạn  trong mùa khô năm 2015 này sẽ là 1.658.619.000 đồng, bao gồm kinh phí nạo vét hồ, kênh, đắp đập ngăn nước thời vụ và kinh phí nhiên liệu. Khó khăn nhất của công ty hiện nay, nếu nắng hạn xảy ra nghiêm trọng, chi phí,  giá thành sản xuất sẽ cao, dự kiến sẽ phát sinh từ 400 đến 500 triệu đồng tiền điện phục vụ các trạm bơm so với định mức. Hiện tại nguồn kinh phí dự  trù phát sinh này công ty chưa  dự trù được từ nguồn nào. Nắng nóng khô hạn dự  báo sẽ còn kéo dài, phức tạp, chính quyền các địa phương cùng ngành chức năng, đơn vị liên quan đã và đang sẵn sàng ứng phó.

Hồng Thanh – Hà Dung