Báo Công An Đà Nẵng

Miền Trung-Tây Nguyên căng mình chống hạn (2)

Thứ sáu, 11/03/2016 11:40

* Bài cuối: Dự báo một mùa khô khốc liệt

(Cadn.com.vn) - Chưa bước vào thời điểm gay gắt của mùa khô nhưng Tây Nguyên đang đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng, ở một số địa phương hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu đã mất trắng, hàng nghìn héc-ta cây công nghiệp thiếu nước tưới nghiêm trọng. Và sẽ còn hàng nghìn héc-ta cây trồng bị đe dọa khi mùa khô 2015-2016 được dự báo là một trong những mùa khô khắc nghiệt với đợt El Nino kỷ lục kéo dài nhất trong vòng 60 năm qua.

Sông Ba đoạn qua H. Krông Pa trơ đáy.

Sông khô, đồng chết

Giữa cái nóng gắt của mùa khô Tây Nguyên, dòng sông Ba chảy qua 5 huyện, thị xã của Gia Lai giờ trở thành dòng sông "chết". Nước chảy lờ đờ, vài bước chân đã qua bờ bên kia. Dòng nước từ đây dẫn đến các kênh dẫn, hồ chứa đến trạm bơm đã trơ đáy. Bởi không chỉ nguồn nước của dòng sông bị thủy điện An Khê - Ka Năk tích nước, chuyển dòng mà còn ảnh hưởng của đợt hạn hán dự báo là kỷ lục trong mùa khô này. Trước đây, dòng sông Ba cung cấp nước cho hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc hạ lưu ở thị xã An Khê và các huyện Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa. Thế nhưng, từ ngày nhà máy thủy điện An Khê - Ka Năk tích nước ở thượng nguồn nhưng không trả nước về sông Ba mà chuyển dòng xuyên đèo An Khê về sông Kôn (Bình Định), sông Ba đã cạn nay càng cạn kiệt hơn.

Ngược sông Ba lên hồ chứa thủy điện Ka Năk (H. Kbang) và  hồ chứa An Khê (TX An Khê), mực nước đều xuống thấp kỷ lục dưới mực nước chết, nhiều chỗ cạn róc. Theo thống kê, mực nước tại hồ Ka Năk đã xuống thấp 12,4m, hồ An Khê là 3,3m so với mực nước dâng bình thường. Dù cam kết của phía thủy điện xả với lưu lượng 4m3/s nhưng cũng chỉ như "muối bỏ bể". Sông Ba đoạn qua thị xã An Khê, từ cầu sông Ba nhìn xuống chỉ còn lại những vũng nước đọng bốc mùi hôi thối. Tương tự, vùng hạ lưu sông Ba qua các huyện Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa cũng cạn kiệt nước. Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch- Bí thư Thị ủy An Khê cho biết: "Trước Tết, đoàn công tác của thị xã đi kiểm tra và phát hiện nhà máy thủy điện An Khê- Ka Năk mở cửa xả nước không đạt theo quy định 4m3/s. Đến thời điểm hiện nay, dòng sông Ba qua thị xã đã cạn nước ở nhiều nơi khiến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân chịu nhiều ảnh hưởng. Chúng tôi đã báo cáo và kiến nghị cấp trên có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu nước và ô nhiễm sông Ba. Đối với thị xã, chúng tôi tổ chức thống kê và vận động nhân dân tạm thời chưa gieo trồng ở những diện tích có nguy cơ bị hạn".

Theo thống kê của Phòng Kinh Tế TX An Khê, đến thời điểm này, hơn 60% diện tích cây trồng trong tổng số 10.000 ha của thị xã An Khê chịu ảnh hưởng của nắng hạn. Tại TX An Khê có 3 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu nhưng cũng đã dừng hoạt động gần 1 tháng nay vì thiếu nước. Hàng loạt diện tích đất trồng lúa ngay sát trạm bơm cũng bắt đầu cháy khô. 10,8 ha lúa tại cánh đồng Rộc Nhen, trong vùng tưới của Trạm bơm điện xã Tú An hư hại hoàn toàn...

"Chưa bao giờ hạn hán đến sớm như năm nay, nguồn nước ở trạm bơm cũng đã cạn hết rồi, giờ chỉ biết đứng nhìn ruộng lúa hư hết. Vụ này mất trắng rồi. Ông Lương Văn Hảo (trú thôn Cửu Đạo 2, xã Tú An) chua xót... Dự báo của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đến giữa tháng 2-2016, sẽ có hàng nghìn héc-ta lúa và cây trồng chết, trong đó hàng trăm héc-ta lúa mất trắng.

Tại Kon Tum, theo thống kê đến thời điểm hiện tại đã có hơn 73ha lúa tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy bị khô hạn, thiếu nước có nguy cơ mất mùa và 17ha cà-phê tại xã Ya Chim (TP Kon Tum) bị hạn hán. Còn tại Đắc Lắc, dù chưa có thống kê diện tích nông nghiệp bị thiệt hại nhưng khoảng 700 hộ ở các huyện Buôn Đôn, Ea Hleo, Krông Buk, Cư M'gar, Krông Bông đang thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Đó chỉ mới là con số thống kê bước đầu, có lẽ con số thiệt hại sẽ còn lớn hơn bởi mùa khô vẫn còn kéo dài khoảng 2 tháng nữa. Và năm nay, Tây Nguyên đang đối diện với một mùa khô khốc liệt.

Ruộng lúa cháy vàng.

Cà-phê "khát nước", cháy rừng rình rập

Cả mấy tháng nay, cả vùng không một giọt mưa, nguồn nước trong vùng trở nên cạn kiệt, người dân trồng cà- phê ở H. Ia Grai (Gia Lai) đứng ngồi không yên khi cây cà-phê đang vào vụ tưới kích cây ra hoa, đậu trái. Hàng loạt hồ chứa thủy lợi rộng hàng chục héc-ta chỉ sau vài ngày đã gần trơ đáy khi hàng trăm, hàng nghìn héc-ta cà-phê đồng loạt phải tưới. Những chiếc máy bơm hoạt động hết công suất. Vừa qua, nhiều hộ đã bỏ ăn Tết để tưới cà-phê. Hơn 3.600ha cây cà-phê, hồ tiêu thiếu nước tưới và chỉ trong tuần tới sẽ có hơn 4.000ha lúa, cây cà-phê, hồ tiêu cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán này. Và còn 2 tháng nữa mùa khô Tây Nguyên mới kết thúc, có lẽ con số thiệt hại sẽ còn cao gấp nhiều lần so với thời điểm này. Không chỉ diện tích nông nghiệp bị đe dọa nghiêm trọng, những cánh rừng của đại ngàn Tây Nguyên cũng đối mặt với nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo Cục Kiểm lâm Việt Nam hiện 12 tỉnh trong cả nước nằm trong mức độ cảnh báo cháy rừng cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm thì các tỉnh Tây Nguyên đều có. Đồng thời, theo kết quả điều tra tình hình cháy rừng của Chi cục Kiểm lâm vùng 4 (Cục Kiểm lâm Việt Nam), toàn địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên có hơn 1,2 triệu héc-ta rừng nằm trong trọng điểm cháy. Đặc biệt, tại Gia Lai, hơn 225.000ha trong tổng số 623.280,7ha rừng rơi vào tình trạng có nguy cơ cháy cao, tại Đắc Lắc có hơn 89.000ha rừng có nguy cơ cháy cao và rất cao.

Nhận định tình hình nắng nóng, khô hạn xảy ra trên toàn tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao, UBND tỉnh, các sở, ngành, Chi cục Kiểm lâm ở các địa phương của Tây Nguyên đã chủ động triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Nhiều đơn vị, lực lượng như kiểm lâm, cảnh sát PCCC, công an, quân đội cùng các sở, ngành, địa phương liên quan đã có kế hoạch phối hợp khi xảy ra cháy rừng. Đồng thời, nhiều phương án kiểm tra, PCCCR như: đốt có điều khiển, làm đường băng cản lửa, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền... Các đơn vị luôn chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng sẵn sàng chữa cháy. Nghiêm túc bố trí lực lượng PCCCR 24/24 giờ trong ngày để tuần tra canh gác lửa rừng tại các trọng điểm cháy và các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng nhằm kịp thời thông tin, chủ động khi xảy ra cháy rừng.

Minh Tân