"Miếng mồi ngon" ở Châu Phi
(Cadn.com.vn) - Khi cuộc xung đột ở Nam Sudan vượt qua mốc 1 năm, Trung Quốc lần đầu tiên chuẩn bị triển khai quân đội đến nước này trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Điều này phản ánh sự thay đổi trong chính sách không can thiệp của Thủ tướng Chu Ân Lai đưa ra tại Hội nghị hòa bình Bangdung năm 1955. Ý nghĩa thực sự của việc triển khai 700 binh sĩ đến chiến đấu tại Nam Sudan là gì? Đây có phải là minh chứng của việc Bắc Kinh sử dụng quân đội để bảo vệ lợi ích thương mại trong khu vực? Hay Trung Quốc đang mở mặt trận mới cạnh tranh với Ấn Độ, quốc gia đang đảm bảo an ninh chính tại Châu Phi dưới lá cờ của LHQ?
Kiểm tra ảnh hưởng của Ấn Độ
Trung - Ấn ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn tài nguyên Châu Phi để thúc đẩy kinh tế phát triển. Và có vẻ như, động thái lần này của Trung Quốc cũng nhằm mục đích kiểm tra ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực.
Trước khi Nam Sudan bùng nổ bạo lực sắc tộc và chính trị vào tháng 12-2013, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đầu tư hàng tỷ USD vào các mỏ dầu, cung cấp 5% nhu cầu dầu cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2014, sản lượng dầu suy giảm do bạo lực khiến Bắc Kinh nỗ lực làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn ở Nam Sudan thông qua các nỗ lực ngoại giao, mặc dù vẫn chưa đạt được thành công như mong muốn. Động thái này cho thấy sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc chủ động sử dụng quân đội để bảo vệ lợi ích thương mại, đồng thời nâng cao vị thế tại LHQ (Trung Quốc là nước đóng góp lớn nhất cho lực lượng gìn giữ hòa bình trong số 5 thành viên thường trực của HĐBA).
Những đóng góp mới nâng tổng số binh sĩ Trung Quốc phục vụ cho Các nhiệm vụ của LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) lên hơn 1.000 người. Trong khi đó, Ấn Độ hiện có hơn 8.000 nhân viên quân sự được triển khai tại hàng loạt các cơ quan đại diện của LHQ, thể hiện uy tín và sức mạnh trước thế giới.
Trung- Ấn đang tranh giành ảnh hưởng tại Nam Sudan bất ổn. Ảnh: Diplomat |
"Cuộc nội chiến" của Châu Á
Tuy nhiên, sự hiện diện của Ấn Độ ở Nam Sudan không đơn giản là nỗ lực để giành được những đặc ân của LHQ mà là vì những lợi ích kinh tế của nước này. Bên cạnh các lợi ích thương mại khác, các Cty Ấn Độ có cổ phần 25% trong 2 Cty dầu mỏ Nam Sudan cũng như một đường ống dẫn dầu. Những lợi ích dẫn đến quyết định của chính phủ Ấn Độ duy trì đóng góp cho sự phát triển của LHQ, bất chấp bạo lực ở Nam Sudan và việc mất 7 nhân viên trong năm qua.
Lợi ích về thương mại là rất khó đo lường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Bắc Kinh có lợi ích thương mại đáng kể trong khu vực, đặc biệt là trong các hình thức đầu tư để đổi lấy tài nguyên. Cam kết triển khai 2.200 quân của Bắc Kinh trên khắp Châu Phi cho đến nay chỉ là đóng góp nhỏ trong việc đảm bảo lợi ích. Mặt khác, nếu xem xét những lợi ích của Ấn Độ trong lĩnh vực thương mại với các nước Châu Phi, tổng số đóng góp của New Delhi trên lục địa này có vẻ như khá buồn tẻ so với Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong khu vực mà lợi ích thương mại có thể quyết định thách thức đối với trật tự chính trị và an ninh tại đây. Cả Trung - Ấn Độ đều bị cuốn vào cuộc chạy đua để bảo đảm các tuyến đường biển ở khu vực Ấn Độ Dương. Sự cạnh tranh này bao gồm rất nhiều thứ, từ những nỗ lực ngoại giao nhằm giành lấy quyền đi lại cho các tàu thương mại và hải quân để tiến hành tuần tra và diễn tập chung với các nước trong khu vực, ngoài việc tiến hành các hoạt động chống cướp biển trên Vịnh Aden.
Và bây giờ, sự cạnh tranh này đã lan sang Châu Phi.
An Bình
(Theo Diplomat)