Báo Công An Đà Nẵng

Minh “bớp” và đại án Canh Thân (2)

Thứ bảy, 04/04/2015 11:21

* Kỳ cuối: Sát hại 3 đồng bọn để đầu hàng

 

LẬT LẠI HỒ SƠ:

(Cadn.com.vn) - Ngoài tội ác đã gây, trong khoảng thời gian ẩn náu, nhóm Minh "bớp" còn viết tờ rơi mệnh danh "Mặt trận trung trực và lực lượng yêu nước" kêu gọi đồng bào nổi dậy chống Cộng sản, cướp chính quyền, đánh chiếm CAH Quế Sơn, giết cán bộ... Nhận thấy tính chất vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, ngay khi nhận được tin, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo lực lượng CA và Tỉnh đội phối hợp với chính quyền H. Quế Sơn, xã Quế Phước truy bắt bằng được nhóm bạo loạn, giết người. Trực tiếp Trưởng ty, Phó Giám đốc CA chỉ huy cùng gần 100 chiến sĩ lên đường.

Chân dung kẻ thủ ác

Trong lúc nhận định lại tình hình, nhân thân Minh "bớp" cũng được lực lượng CA xác minh, phân tích kỹ. Minh có 3 người em cùng mẹ khác cha. Trận lụt lịch sử năm 1964, 2 người em và mẹ Minh bị chết, cha dượng và em trai kế được dân làng cứu sống. Riêng Minh lúc đó đi học tại Trường Cao đài ở Tam Kỳ (Quảng Nam) nên không hề hấn gì. Minh theo học hết lớp 9 rồi về nhà chăn trâu. Một thời gian, Minh đi lính dù Sài Gòn trong quân đội thuộc chế độ cũ, sau chuyển qua lính biệt kích, biệt động, nghĩa quân quận Đức Dục. Minh là tay sai đắc lực cho Nguyễn Tú Lạc - tên Quận trưởng Đức Dục khét tiếng gian ác lúc đó và từng giết người không ghê tay. Minh vừa giỏi võ nghệ, vừa là tay thiện xạ "bách phát bách trúng". Đặc biệt, mãi cho đến khi hòa bình lập lại, Minh "bớp" vẫn khiến dân làng khiếp vía khi trên cổ đeo lủng lẳng nhiều chiếc tai người phơi khô. "Chiến lợi phẩm" này được Minh thu từ những lần giết du kích. Minh từng tuyên bố, đeo tai người để "ngủ khỏi giật mình".

Sau năm 1975, Minh bị đưa đi cải tạo, về lại địa phương, làm nông, lấy vợ và có 2 con. Có giai đoạn Minh được địa phương trọng dụng, cho vào vị trí thống kê nông nghiệp, ghi biểu mẫu thuế... Thế nhưng, do nhậu nhẹt, ăn chơi sa đọa, Minh bị đuổi việc. 3 đối tượng Dũng, Luyến và Lực cũng có tính cách ngông cuồng, không coi pháp luật ra gì.

Sát hại đồng bọn

Trở lại với án mạng gây ra, khi giết chết tổng cộng 11 người, Minh cướp được 7 cây súng. Theo Ban chỉ huy cuộc vây bắt đánh giá, vị trí đối tượng trú ngụ thuộc 3 dãy núi kề cận, địa hình hết sức phức tạp nên lực lượng đánh án phải dùng bản đồ để định vị mới tường tận từng vị trí ngọn đồi, khe suối. Trong khi đó, Minh có kinh nghiệm trong chiến trận, am hiểu địa hình, bắn tỉa tốt, đang hung hăng rất nguy hiểm. Do đó, phải tiêu diệt bằng được, nếu không y sẽ còn gây nhiều thương vong cho người dân và các chiến sĩ. Chiến thuật đánh án được Ban chỉ huy đưa ra là ban ngày tổ chức truy lùng, ban đêm mai phục, dàn trận bao vây các ngọn núi chính. Những ngọn núi lân cận, lực lượng quân đội cũng dần xiết vòng vây, áp sát đối tượng...

Ông Đỗ Xuân Lập kể lại cuộc vây bắt Minh "bớp" ở núi Bằng Trĩ.

Đêm thứ 3, 4, 5 trôi qua căng thẳng, các lực lượng không rời vị trí, mặc cho trời mùa đông mưa phùn rất lạnh. Ông Đỗ Xuân Lập - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Cách mạng nhân dân thôn 5, xã Quế Phước lúc bấy giờ, nhớ lại: đến 20 giờ ngày 24-1-1980, tức đêm thứ 6, các tổ công tác đang quan sát, theo dõi mục tiêu thì đột nhiên từ trên đỉnh đồi phát ra 3 tiếng nổ liên tiếp. Lúc này, vòng vây vẫn kiên nhẫn đợi qua đêm. Đến ngày 25-1-1980, các lực lượng chức năng nhận lệnh "tấn công", quyết không kéo dài thời gian nữa. Nhưng bất ngờ Minh "bớp" xuất hiện, giơ tay từ trên núi đi xuống xin hàng.

Vừa thấy lực lượng CA, Minh nói tỉnh bơ: "Đừng lo, mấy người trên nớ em bắn chết sạch rồi". Đúng như lời Minh, tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 3 đối tượng Dũng, Luyến, Lực đều đã tắt thở. Tại đây, tang vật vụ án thu gồm 7 khẩu súng các loại, một số đạn, lương thực...

Bà Lê Thị Bình, người may mắn thoát chết kể lại vụ việc.

Trả giá

Sau này ra tòa, cũng như trong quá trình điều tra trước đó, Minh "bớp" đều cho rằng, khi ở trên núi nhóm của y nhìn thấy rõ từng chiến sĩ CA mật phục bên dưới. Nhiều lần "mấy người kia" (ý nói 3 đồng bọn y) định bắn tỉa nhưng Minh can lại. Minh còn cho biết: "Do mấy đứa kia xúi mới hành động như vậy thôi". Khi HĐXX hỏi: "Sao lại bắn đồng bọn?", Minh chối tội: "Vì Dũng nghĩ ra chuyện viết và rải truyền đơn. Chính nó chủ mưu xuống đánh Ban Chỉ huy tiền phương, sau đó xuống huyện để làm lớn chuyện, đánh đồn CA. Do đó, tôi mới nảy ý định đi nói với Lực để hai cậu cháu thông đồng bắn hai đứa kia. Bắn xong, tôi nghĩ phải tiêu diệt cậu Lực thì mới ra hàng được...". Với những lời khai này, Minh cho rằng mình "đã có công".

Tuy nhiên, qua đấu tranh, tội ác của Minh dần được làm rõ. Do biết bị bao vây khó thoát, Minh bàn với Lực bắn chết Luyến và Dũng để xuống hàng, rồi đổ cho "tụi nó xúi". Sau đó, Minh giết luôn cả Lực. Lúc đó thấy trời tối nên Minh không dám ra hàng vì sợ bị tiêu diệt, phải đợi đến sáng hôm sau.

Về động cơ gây án, Minh khai, từng thù hằn với cán bộ ở thôn, xã nên mới thành lập băng nhóm đi cướp bóc, bắn giết cán bộ nhằm thị uy. Một số nạn nhân là người thân của cán bộ, Minh gây án trong trạng thái hăng tiết chứ không chủ đích tước mạng sống của họ. Cụ thể, trước án mạng 1 ngày, Minh ăn nhậu, không có tiền trả nợ nên rủ Lực trộm tiền. Đối tượng y nhắm tới là nhà cha dượng của mình. Bị mất tài sản, cha dượng Minh báo chính quyền xã. Qua điều tra, Minh khai với chính quyền xã là đã trộm cắp tài sản của rất nhiều người khác. Theo đó, chính quyền buộc Minh và đồng bọn đến ngày 20-1-1980 phải mang tiền, tài sản trả lại cho các nạn nhân. Nhưng gần đến ngày hẹn vẫn không có tiền, Minh bàn với đồng bọn mượn súng đi cướp. Nhờ lừa được một du kích xã, nhóm Minh "bớp" có được súng trong tay và gây tội ác...

Ngày 17-7-1980, Nguyễn Minh bị đưa ra xét xử sơ thẩm với nhiều tội danh: "Bạo loạn, giết người, cướp tài sản xã hội chủ nghĩa, cướp tài sản công dân". Dù Minh "bớp" khai do bị xúi giục, đổ tội cho những đồng bọn đã chết, nhưng tòa nhận định: Hành vi tổ chức, cướp vũ khí, giết 11 người dân và cán bộ, giết thêm 3 đồng bọn để bịt đầu mối, chạy tội... đã rõ ràng, hết sức dã man. Theo đó, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Minh án tử hình. Minh kháng cáo, ngày 29-10-1980, TAND Tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm, y án tử hình đối với Nguyễn Minh.

Chưa dừng lại ở đây, sau khi vào trại giam của Bộ CA phía Nam, Minh đã cướp súng, khống chế để trốn trại khiến 2 chiến sĩ hy sinh. Chạy lên Tây Nguyên, Minh "bớp" giết thêm 1 người dân nữa. Như vậy, đối tượng này đã cướp đi 17 mạng người. Một thời gian sau, Minh bị bắt lại.

B. Bình - B. Lâm