Báo Công An Đà Nẵng

Mịt mờ “giấc mơ EU” của Catalan

Thứ ba, 10/10/2017 09:09

Ngày 9-10, nhà lãnh đạo vùng Catalan của Tây Ban Nha, ông Carles Puigdemont đã tuyên bố vùng lãnh thổ tự trị này sẽ áp dụng một đạo luật trưng cầu ý dân, trong đó sẽ tuyên bố độc lập nếu kết quả trưng cầu cho thấy phe ủng hộ chiếm đa số. Và rồi sau đó, vấn đề đặt ra hơn nữa là việc giới chức Catalan đã kiên quyết cho biết, họ muốn vẫn là một phần của Liên minh Châu Âu (EU) trong trường hợp tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha. Nhưng xem ra con đường tiếp tục tư cách thành viên EU hoặc gia nhập liên minh này với Catalan rất mịt mờ.

EU hiện đã mắc kẹt trong tuyên bố cứng rắn rằng, một Catalan độc lập sẽ tự động bị buộc ra khỏi EU và phải đăng ký lại để được xem xét gia nhập khối này. Nhưng một số chuyên gia lại cho rằng, chủ nghĩa thực dụng vẫn có thể vượt qua tuyên bố này và rằng, EU sẽ vẫn chọn Catalan vì đây là khu vực giàu có nhất của Tây Ban Nha. Liệu EU có công nhận Catalan?

Thực tế cho thấy, căng thẳng về cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của vùng Catalan với chính quyền Tây Ban Nha đang khiến EU “phiền muộn” bởi khối liên minh này đang bước vào giai đoạn khởi động cho kế hoạch kết thúc tiến trình Brexit, cuộc khủng hoảng di cư và một tương lai tươi sáng cho EU. Cuộc khủng hoảng Catalan đã khiến EU kẹt giữa những quy định không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên và nhiệm vụ khó khăn là giữ vai trò như một người bảo vệ và đấu tranh cho việc thể hiện sự dân chủ và tự do.

Trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 1-10, vốn bị chính quyền trung ương Tây Ban Nha coi là trái phép, chính quyền Catalan tuyên bố, 90% người tham gia bỏ phiếu đã ủng hộ độc lập. Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ phiếu ở mức rất thấp, chỉ khoảng 40%. Ngoài ra, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã phán quyết cuộc trưng cầu dân ý này là trái pháp luật và theo quan điểm của EU, đó là một việc không thể chấp nhận.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã nói rõ rằng, Brussels chỉ tôn trọng một cuộc bỏ phiếu về độc lập nếu nó được tổ chức phù hợp với hiến pháp Tây Ban Nha. Nếu công nhận Catalan, hành động này đồng nghĩa với việc “hợp pháp hóa những kẻ ly khai”. Ngoài ra, EU lo ngại việc này sẽ tạo ra hiệu ứng domino khắp Châu Âu. Vì lẽ này, chắc chắn các nước thành viên EU sẽ không công nhận Catalan là một quốc gia nếu khu vực này vẫn kiên quyết tuyên bố độc lập.

THANH VĂN