Báo Công An Đà Nẵng

Mỏ cát băm nát sông Vu Gia

Thứ tư, 31/10/2018 09:59

Dòng sông Vu Gia chảy qua địa phận H. Đại Lộc (Quảng Nam) dài khoảng 20km nhưng có đến 19 mỏ cát được cấp phép khai thác. Mỗi ngày có hàng ngàn khối cát được hút khỏi lòng sông đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Về lâu dài, tác hại của việc “rút ruột” dòng sông đã được các nhà khoa học cảnh báo. Còn trước mắt, việc khai thác cát với mật độ dày đặc trên một dòng sông khiến cuộc sống người dân địa phương xáo trộn, gây mất ANTT, hiểm họa TNGT luôn rình rập...

Đại công trường hút cát bên cầu Hà Nha. 

Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Công Thanh, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc nhìn nhận: “Hiện trên địa bàn huyện có đến 19 mỏ cát được cấp phép là quá nhiều nhưng nguồn thu đem lại cho địa phương không được bao nhiêu. Nhiều doanh nghiệp cùng khai thác tạo nên sự xáo trộn, khó quản lý. Do vậy, theo quan điểm của huyện, những mỏ cát nào hết giấy phép khai thác sẽ không được gia hạn. Về lâu dài sẽ tập trung lại một đầu mối cho dễ quản lý”- ông Thanh nêu quan điểm.

Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 28 doanh nghiệp (DN) được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát, sỏi với tổng cộng 37 giấy phép, tổng trữ lượng khai thác 7,50 triệu m3, tập trung chủ yếu ở sông Vu Gia - Thu Bồn. Đặc biệt, chỉ riêng tại H. Đại Lộc có 19 mỏ cát có giấy phép hoạt động. Theo khảo sát của P.V, trên dòng sông Vu Gia đoạn từ cầu Hà Nha đến xã Đại Hiệp (giáp ranh với H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có chiều dài khoảng 20km nhưng dày đặc mỏ cát và các bãi tập kết cát, sỏi. Riêng đoạn khu vực cầu Hà Nha xuôi về hạ lưu khoảng 2km nhưng có đến gần chục điểm khai thác cát. Đứng trên cầu Hà Nha dễ dàng bắt gặp hàng chục chiếc xe múc đang cày xới cả đoạn sông như một đại công trường. Bên cạnh đó là hàng trăm phương tiện xe tải hạng nặng nối đuôi nhau chạy vào bãi chở cát. Nhiều xe tranh thủ tăng tốc để chạy được nhiều lượt trong ngày khiến TNGT luôn rình rập. Thực tế trong thời gian qua đã có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn H. Đại Lộc mà “thủ phạm” chính là những xe chở cát hạng nặng như loại xe Howo (còn gọi là xe hổ vồ)…

Việc tranh giành mỏ, bến bãi giữa những DN được cấp phép cũng gây mất ANTT tại địa phương. Điển hình như cuối năm 2017, Cty CP Trường Lợi (có mỏ cát tại xã Đại Hồng, H. Đại Lộc) gửi đơn tố cáo một nhóm đối tượng xăm trổ đầy mình do một người đàn ông có tên Thái “sa lem” đi xe ô-tô con dẫn theo một xe tải chở đất trấn áp bảo vệ và nhân viên Cty rồi đổ nguyên xe đất ra giữa đường bê-tông, chắn ngang không cho xe ra vào bãi cát. Những hành vi của nhóm đối tượng này cản trở quá trình hoạt động kinh doanh của Cty, nhân viên làm việc tại mỏ cát vô cùng hoang mang, sợ hãi…Về nguyên nhân sự việc, CAH Đại Lộc cho biết, trước đây Cty CP Trường Lợi xin khai thác mỏ cát ở Ngọc Kinh Đông có hứa hẹn sẽ cho ông Thái chung vốn nhưng sau đó, Cty CP Trường Lợi bán cổ phần lại cho Cty CP Phúc Thanh. Khi ông Thái đề nghị có phần trăm tại Cty CP Phúc Thanh nhưng không được chấp nhận nên đã có hành động như đã nói ở trên.

Điều đáng nói, dù các điểm khai thác cát trên được cấp phép nhưng trong nửa đầu năm 2018, qua kiểm tra thực tế hoạt động khai thác cát, sỏi đối với 19 DN (26 giấy phép), lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã lập 12 biên bản vi phạm hành chính, ban hành 8 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 389 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 2 tháng đối với một DN. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Cục Thuế Quảng Nam, những năm qua tình trạng thất thoát tài nguyên, thất thoát thuế trong lĩnh vực này còn khá lớn, cụ thể: đối với các DN khai thác cát tại TX Điện Bàn chưa khai thuế lên đến 7,6 triệu m3 cát; tại H. Duy Xuyên chưa khai thuế hơn 500 nghìn m3…

Xe tải hạng nặng trên địa bàn H. Đại Lộc nối đuôi nhau đưa cát đi tiêu thụ.

Theo các nhà khoa học, nếu lượng cát bị hút quá nhiều tại một vị trí thì mực nước tại đó và thượng nguồn sẽ bị giảm. Độ dốc đáy sông và mặt nước tăng lên nên vận tốc dòng chảy cũng tăng theo, gây xói lở đáy và làm lộ ra các chỗ nông khác ở khu vực thượng nguồn. Lòng sông bị hạ thấp còn dẫn đến mực nước ngầm hai bên bờ sông bị hạ, gia tăng tác động xấu của hạn hán; một số cây trồng ở hai bên có thể chết và tạo ra những thay đổi đến hệ sinh thái; ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt của dân cư. Ngoài ra, dòng sông bị tụt khiến chân công trình cầu cống bị lộ và nhanh chóng hư hỏng.

“Khai thác cát vượt mức sẽ làm tụt đáy sông, khiến bờ sông không ổn định dẫn đến xói lở. Dòng sông bị xói sâu ở một điểm, lượng cát từ thượng nguồn về sẽ đọng lại ở đây mà không chuyển được về cho hạ du. Lúc này dòng chảy sẽ lấy cát từ chỗ khác của lòng sông để bổ sung và gây xói lở. Khi lũ lớn, hiện tượng sạt lở càng nghiêm trọng, có thể đe dọa hệ thống đê điều…”- GS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cảnh báo.

Trần Tân