Báo Công An Đà Nẵng

Mồ côi tội lắm ai ơi!

Thứ tư, 28/10/2015 10:38

(Cadn.com.vn) - Trong danh sách tân sinh viên (SV) vượt khó đạt điểm cao mùa tuyển sinh 2015 do Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) cung cấp, tôi đặc biệt chú ý đến trường hợp của em Nguyễn Thị Minh Phương (1997), trẻ mồ côi sống tại Mái ấm 1/6 TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), SV lớp 15SNV Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Phương đỗ vào khoa Văn với số điểm khá ấn tượng: Văn: 7, Sử: 8,75, Địa: 7,5 . Tiếp xúc với em, không hiểu sao tôi lại  nhớ đến câu hát: “Mồ côi tội lắm ai ơi!”.

Trước khi tìm đến nhà trọ số 18-Phạm Như Xương (P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng), nơi Phương đang ở ghép cùng một nữ SV năm 3 khoa Địa lý cùng trường, qua liên lạc điện thoại với người quản lý Mái ấm 1/6 TP Buôn Ma Thuột, tôi phần nào biết về cuộc đời của em. Ngay lúc gặp Phương trong căn phòng trọ chật hẹp, em đã gieo vào lòng tôi một niềm thương mến rất lạ. Phương có dáng người nhỏ nhắn, giọng nói nhỏ nhẹ. Trên gương mặt đầy vẻ ưu tư, ấn tượng nhất là chiếc răng khểnh và đôi mắt buồn vời vợi kể cả khi cười...

Nguyễn Thị Minh Phương trong căn nhà trọ tại P. Hòa Khánh Nam.  

Cuộc đời Phương là chuỗi dài năm tháng thiếu hơi ấm và vòng tay yêu thương, chở che của cha mẹ. Em sinh ra tại tỉnh Lâm Đồng, khi mới lên 3 tuổi còn em trai được 1 tuổi thì cha bỏ nhà ra đi. Đau khổ, mẹ dắt chị em Phương về quê ở Nam Định gửi ông bà ngoại nuôi. Sau đó, bà quay vào Lâm Đồng tiếp tục cuộc mưu sinh, kiếm tiền gửi về cho ông bà ngoại lo cho 2 con. Năm 2008, Phương đang học lớp 5, em trai học lớp 3 thì mẹ được dì ở Đắc Lắc đưa về quê.

Lúc đó, em mới hay mẹ bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nửa tháng sau, mẹ Phương qua đời tại quê nhà. Do ông bà ngoại đã già yếu không kham nổi việc chăm 2 cháu, nên sau đó, 2 chị em Phương được dì ruột đưa lên Đắc Lắc nuôi. Nhà dì dượng nghèo, có 4 người con, sống bằng nghề nông nhưng vẫn cố gắng lo cho 2 chị em Phương ăn học.

Năm 2010, khi Mái ấm 1/6 thuộc Phòng LĐ-TB&XH TP Buôn Ma Thuột được thành lập, xét thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình dì ruột Phương, chính quyền địa phương khuyên nên gửi 2 chị em vào mái ấm này để Nhà nước chăm sóc, lo ăn học. Kể từ đó, chị em Phương vào ở hẳn ở mái ấm tình thương dành cho trẻ mồ côi này...

Tại đây, Phương trở thành chị cả, dưới em có 30 em mồ côi khác được chăm sóc, nuôi dưỡng. Ngày Phương đỗ vào Trường ĐHSP Đà Nẵng là ngày mái ấm vui như tết. Tiễn em xuống Đà Nẵng học, ngoài chiếc ba lô, bên trong đựng vài bộ đồ cá nhân cùng một số vật dụng sinh hoạt cá nhân do mái ấm sắm cho cùng 1.050.000 đồng tiền ăn của tháng đầu tiên xa nhà, hành trang quý báu nhất Phương mang theo là tình thương yêu mà các cô chú ở mái ấm, gia đình dì dượng dành cho mình.

Bà Minh Tâm- cán bộ quản lý Mái ấm 1/6 nghẹn ngào chia sẻ về trường hợp của Phương: “Bé Phương ngoan, hiền lành lắm. Tội nghiệp cho em! Số tiền 1.050.000 đồng là tiền ăn hàng tháng theo quy định Nhà nước lo cho trẻ mồ côi. Cũng may, em đăng ký học ngành sư phạm nên được miễn học phí, chớ không thì... Hành trình em đi học ĐH còn dài, với số tiền ăn hàng tháng chỉ có chừng đó thôi, không biết có đủ cho em trang trải mọi chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày hay không. Mái ấm thì không có tiền quỹ để có thể lo thêm cho em... Thương cho em mà không biết làm gì để giúp em đây”.

Khi Phương xuống Đà Nẵng nhập học thì KTX Trường ĐHSP hết chỗ trọ. Thấy em lơ ngơ tìm chỗ trọ, một nữ SV năm 3 khoa Địa lý cùng trường đã rủ em về ghép tại phòng trọ ở đường Phạm Như Xương. Sau khi tính cả điện nước, số tiền trọ hàng tháng Phương phải trả khoảng 450.000 đồng. Tôi ái ngại hỏi: “Tiền mái ấm gửi xuống chỉ có 1.050.000 đồng, sao đủ chi trả tiền ăn, tiền trọ, tiền tài liệu phục vụ cho học tập?”.

Phương từ tốn: “Dạ không! Số tiền mà mái ấm gửi xuống hàng tháng cháu chỉ dùng để chi phí sinh hoạt hàng ngày và mua tài liệu phục vụ việc học tập thôi. Còn tiền trọ thì cháu lấy từ tiền dì cho thêm khi xuống đây và tiền học bổng cháu để dành hồi còn học phổ thông. Hơn nữa, cháu vừa xin được việc làm thêm, mỗi tháng 900.000 đồng nên không sao đâu cô ạ!”.

Hỏi ra mới biết, số tiền học bổng mà em dành dụm gửi ngân hàng từ thời THCS đến nay cũng được 7 triệu đồng. Phương cất dành khi cần thiết mới rút ra dần. Thời gian đi làm thêm của Phương là từ 17 giờ 30 đến 22 giờ 30. Thấy tôi ái ngại, sợ công việc làm thêm ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học, em cười hiền khô: “Dạ! Cháu làm phục vụ cho quán bán trà sữa gần chỗ trọ, sáng đi học còn chiều thì dành thời gian ôn bài, tối đi phục vụ nên có vất vả gì đâu cô...”.

Tuổi thơ thiếu vắng vòng tay yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ, vậy nhưng suốt cuộc trò chuyện, tôi chưa thấy em có một lời than thở về hoàn cảnh bi thương của mình. Sự nhẫn nhục, cam chịu thể hiện rõ trên nét mặt của em. Khi tôi hỏi: “Cháu có oán giận chuyện cha bỏ ra đi khi chị em cháu hãy còn quá nhỏ không?”, Phương lắc đầu không chút do dự: “Cháu chỉ nghĩ, chị em cháu kém may mắn mà thôi. Cha cháu bỏ nhà đi khi chúng cháu còn quá nhỏ, ký ức cùng gương mặt cha rất mờ nhạt. Cháu cũng không biết quê nội ở đâu để mà tìm về. Nhưng dù vậy, cháu vẫn mong muốn có một ngày tìm gặp được cha. Sông có nguồn, cây có cội mà cô!”. Có lẽ sớm chịu nhiều thiệt thòi và tổn thương về mặt tình cảm lẫn vật chất, tâm hồn Phương trở nên đa cảm, đa sầu hơn so với các bạn cùng trang lứa. Thế nên, từ bé, Phương đã thích được làm cô giáo để gieo yêu thương cho các em nhỏ thân yêu.

Chia tay Phương trước giờ em chuẩn bị đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống, tôi cứ bị những lời tâm sự của em ám ảnh mãi: “Điều cháu lo lắng nhất không phải là hoàn cảnh của mình mà là em trai cháu. Hiện em ấy đang học lớp 11. Cháu xuống đây học rồi không được ở cạnh cùng em trong những năm tháng cuối bậc THPT để động viên, nhắc nhở em ấy. Cũng rất may, em cháu không cô đơn vì còn có các cô chú và các em nhỏ mồ côi khác ở mái ấm bên cạnh. Cháu tâm niệm một điều sẽ cố gắng học tập thật tốt, sau này ra trường sớm có được việc làm để lo cho em trai ăn học rồi... đi tìm cha. Cháu nghĩ, có lẽ đó là cách để cháu trả ơn, tri ân tấm lòng của các cô chú ở Mái ấm 1/6, của gia đình dì dượng, ông bà ngoại dành cho mình trong suốt thời gian qua...”.

Dù em không nói ra, nhưng tôi biết, hành trình lĩnh hội tri thức của em còn lắm nhọc nhằn, chật vật, cần lắm những tấm lòng thảo thơm đồng hành, giúp đỡ, để con đường em đi đỡ chông chênh, gập ghềnh. Mong sao em luôn giữ được trong mình ngọn lửa của nghị lực vượt lên số phận, cố gắng phấn đấu để trở thành một giáo viên dạy Văn đủ tâm, đủ tài, gieo yêu thương, trách nhiệm đến thế hệ học trò tương lai.

P.Thủy